Trẻ độ tuổi chập chững biết đi có lẽ không thể tránh khỏi những lần khóc lóc, giận dữ, mè nheo. Phần lớn các trường hợp đó là bình thường. Nhưng có một số dấu hiệu cha mẹ nên đặc biệt lưu tâm.

Trước hết, cha mẹ cần biết giận dỗi, ăn vạ, mè nheo là cách thức để trẻ thể hiện cảm xúc của mình do chưa đủ khả năng để diễn tả trọn vẹn. Trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển những kỹ năng cần thiết để làm việc đó.

Một cơn ăn vạ thường là kết quả của một vấn đề nội tại: giận dữ cực độ, buồn bã hay khó chịu vì thất vọng. Hãy giúp bé yêu của bạn lấy lại cân bằng thông qua những xử lý đầy yêu thương. Chẳng phải vô cớ mà người ta thường nói: làm cha mẹ cần rất, rất nhiều kiên trì, nhẫn nại. Nhất là với những phụ huynh mà con cái họ thường gặp khó khăn khi biểu lộ cảm xúc.

Như vậy, điều cực kỳ quan trọng cần ghi nhớ là: những cơn thịnh nộ dữ dội và thường xuyên ở trẻ độ tuổi chập chững biết đi cũng có thể báo hiệu những vấn đề ẩn sâu mà cha mẹ cần tìm hiểu để kịp thời xử lý.

Dấu hiệu cho thấy những cơn giận dỗi, ăn vạ của trẻ đã đến mức báo động đỏ - Ảnh 1.

Những cơn thịnh nộ dữ dội và thường xuyên ở trẻ độ tuổi chập chững biết đi cũng có thể báo hiệu những vấn đề ẩn sâu mà cha mẹ cần tìm hiểu để kịp thời xử lý (Ảnh minh họa).

1. Hung hăng, hay gây gổ với người khác

Nếu con bạn bắt đầu đấm, đá hoặc cào cấu hầu như mỗi lần bùng nổ cảm xúc, đây có thể là dấu hiệu đáng lo ngại. Nếu chỉ thi thoảng xảy ra thì sẽ là bình thường. Nhưng mức độ thường xuyên lại khác.

Bản chất của những cơn giận dỗi, mè nheo thực ra là cách để trẻ đương đầu với những cảm xúc dữ dội, phức tạp trong lòng. Nó thường được chuyển thành các biểu hiện quá khích về thể chất (bạo lực) nhưng trẻ không hề có ý định làm tổn thương người khác.

Nếu bạn nhận thấy biểu hiện bạo lực ở con mỗi lần bé giận dỗi, mè nheo, đừng phủ nhận hành động đó mà không thấu hiểu động cơ bên trong. Hãy khích lệ trẻ sử dụng ngôn từ, không dùng chân tay. Nắm tay hoặc giữ chân trẻ thật chắc nếu cần và nói với trẻ bằng giọng bình tĩnh nhưng cương quyết.

Bạn cũng có thể giúp trẻ tìm ra lối thoát cho sự bức bối trong lòng thông qua các hoạt động thể chất nhưng không làm ảnh hưởng tới người khác. Ví dụ: dậm chân thật mạnh, đấm tay vào không khí, thậm chí nhảy một vũ điệu giận dỗi để rũ bỏ toàn bộ cảm giác căng thẳng, khó chịu.

2. Gây hại cho chính bản thân trẻ

Đây là dấu hiệu báo động đỏ chủ chốt. Bởi chuyển hướng các cảm xúc căng thẳng, dữ dội đến mức tự làm đau mình là dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở trẻ. Trong các lần giận dữ, mè nheo, trẻ vốn có các vấn đề về thần kinh sẽ cắn, cào cấu, đá vật dụng hoặc đập đầu vào tường.

Việc này không chỉ nguy hiểm cho sự phát triển cảm xúc của trẻ mà còn gây thương tích cho cơ thể trẻ. Hãy giám sát con thật kỹ và cẩn thận để chính bạn cũng không giữ được bình tĩnh.

Ngoài việc biết khi nào cần phải lo lắng về những cơn giận dữ, mè nheo của con, bạn cũng nên nhớ rằng tức tối và trừng phạt con còn đem lại nhiều hậu quả hơn nữa.

Dấu hiệu cho thấy những cơn giận dỗi, ăn vạ của trẻ đã đến mức báo động đỏ - Ảnh 2.

Chuyển hướng các cảm xúc căng thẳng, dữ dội đến mức tự làm đau mình là dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở trẻ (Ảnh minh họa).

3. Những cơn giận dỗi, ăn vạ thường xuyên xảy ra

Hãy ghi chép vào nhật ký những cơn giận dữ, ăn vạ của con. Trẻ "bùng nổ" 5 lần/ngày hay thậm chí 10-20 lần/tháng? Bất chấp nỗ lực tối đa của bạn nhằm can thiệp hay dạy trẻ những cách lành mạnh hơn để đương đầu với cảm xúc bùng nổ, những cơn giận dỗi, mè nheo của trẻ có vẻ ngày càng tệ hơn?

Tiến sĩ Andy C. Belden (ĐH Washington, Hoa Kỳ) gợi ý: "Bạn có thể lựa chọn 2 cách. Một là đưa trẻ tới chuyên gia tâm lý thần kinh nhi khoa để có được sự đánh giá toàn diện nhất, bao gồm cả việc gì đang xảy ra trong gia đình bạn bởi một số trường hợp, trẻ thực sự đang phản ứng lại trước các khó khăn của gia đình. Cách còn lại là trực tiếp đưa trẻ đến một bác sĩ tâm lý nhi. Họ sẽ tập trung vào việc kiểm soát cảm xúc của trẻ và chú ý tới phạm vi cả gia đình".

4. Những cơn giận dữ, ăn vạ kéo dài

Ngay cả khi cơn "bùng nổ" của con bạn chỉ kéo dài trong vài phút, nó vẫn gây cảm giác "như cả thế kỷ", nhất là nếu bạn đang ở nơi công cộng. Nhưng một khi trẻ giận dỗi, mè nheo từ 25 phút trở lên, chắc chắn đây là dấu hiệu báo động đỏ. Bạn cần nhanh chóng tìm cách xác định nguyên nhân sâu xa để có hướng giải quyết kịp thời.

Có một số cách để giúp trẻ kiểm soát các cơn giận dữ, mè nheo kéo dài. Ví dụ: dạy trẻ đi ra nơi khác hay tìm đến góc bình yên của mình để hạ hỏa. Trẻ có thể đọc sách, chơi đồ chơi hay đơn giản là ngồi thư giãn. Đừng coi "góc bình yên" là một hình thức phạt/kỷ luật trẻ.

Dấu hiệu cho thấy những cơn giận dỗi, ăn vạ của trẻ đã đến mức báo động đỏ - Ảnh 3.

Dạy trẻ đi ra nơi khác hay tìm đến góc bình yên của mình để hạ hỏa (Ảnh minh họa).

5. Không thể bình tĩnh lại hoặc tự điều hòa bản thân

Hẳn nhiều phụ huynh chưa biết rằng, các cơn giận dỗi, ăn vạ thực sự là cách để trẻ tự làm mình bình tĩnh trở lại. Nhưng khi một đứa trẻ không thể làm việc đó và bạn liên tục phải ép buộc hay thậm chí mua chuộc trẻ để chúng hạ nhiệt cơn giận, đây có thể là vấn đề đáng quan tâm.

Hãy dạy con các bài tập hít thở như đếm từ 1 tới 5 để thở ra những cảm xúc tiêu cực. Bạn cũng có thể để con biết rằng, trẻ có thể nhờ cậy sự giúp đỡ. Hãy hướng dẫn con nói những câu như: "Con đang thấy giận lắm. Mẹ ơi, mẹ ôm con được không?".

Một khi cơn giận dữ qua đi, khoảng 1 giờ sau đó, hãy dành thời gian để để "thẩm vấn" hay thảo luận về những gì đã diễn ra. Lặp lại những bài học mà bạn muốn con ghi nhớ, ví dụ "đánh người là xấu". Đưa ra cho trẻ những lựa chọn khác để bày tỏ cảm xúc như sử dụng ngôn từ diễn đạt sự giận dữ, mệt mỏi hay muốn được lắng nghe từ trẻ.

Việc này không chỉ giúp rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho trẻ mà còn củng cố sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con cái. Trẻ cần biết rằng, cha mẹ vẫn yêu thương chúng và chỉ bởi chúng có những phút giây "bùng nổ khủng khiếp" không khiến chúng trở thành những đứa trẻ hư.

Nguồn: : WebMD, Psychology