Khi năm học mới đang cận kề, cha mẹ hãy lưu tâm đến con em mình bởi rất có thể trẻ đang không bắt kịp các bạn cùng trang lứa. Thông qua 1 số biểu hiện cụ thể, cha mẹ hoàn toàn có thể phán đoán con có đang phát triển đúng độ tuổi hay không, có kịp hiểu nội dung bài vở và những kiến thức thầy cô giáo dạy trên lớp, thậm chí trẻ có tương tác và phối hợp được với các bạn hay không. Nhờ những dấu hiệu này, các bậc cha mẹ có thể kịp thời can thiệp, tìm ra giải pháp thích hợp và giúp con sớm hòa nhập cũng như theo kịp chương trình học.
Những biểu hiện có thể con bị chậm lại so với các bạn như sau:
1. Con kém tập trung, chú ý
Trong học tập, bố mẹ có thể thấy con gần như bị tụt lại phía sau, con thường gặp khó khăn trong việc tập trung vào kiến thức hoặc hướng dẫn của bố mẹ, thầy cô. Trẻ dễ dàng bị phân tâm nên việc học tập không đạt hiệu quả cao.
Việc cần làm: Hãy kiên nhẫn, cố gắng nói chuyện với con vào những lúc con thư giãn và không lo lắng. Chia bài học thành các phần nhỏ để giúp con chú ý tốt hơn.
2. Trí nhớ kém
Nếu mẹ thấy con kém tập trung đi kèm với trí nhớ kém, hay quên thì đây cũng là dấu hiệu đáng lưu tâm. Bởi khi tham gia học tập, có rất nhiều thông tin, lượng kiến thức mới khiến trẻ bị choáng ngợp và không thể nhớ hết.
Việc cần làm: Yếu tố then chốt ở đây chính là sự lặp lại và nhất quán. Mặc dù trẻ nhớ kém nhưng không phải là không thể cải thiện. Ví dụ: mẹ có thể mô phỏng lại bài học hình họa cho con bằng các vật dụng thực tiễn có hình dáng tương tự, hoặc để con tự miêu tả lại bài tập cho mẹ.
3. Không thể làm theo hướng dẫn đơn giản
Với những nhiệm vụ khá đơn giản nhưng trẻ vẫn tỏ ra lúng túng và khó khăn để thực hiện theo, đó rất có thể là dấu hiệu trẻ đang chậm hơn so với các bạn. Trẻ cảm thấy khó khi phải làm theo hướng dẫn hay nhiệm vụ nào đó lạ lẫm với mình.
Việc cần làm: Hãy đưa ra hướng dẫn cụ thể, ngắn gọn, cho phép trẻ có thời gian để xử lý tất cả các nhiệm vụ đó. Điều quan trọng nhất mẹ phải đảm bảo phần bài học và nhiệm vụ phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của trẻ.
4. Không thể phân biệt chữ cái và con số
Có thể với những đứa trẻ khác, số và chữ trông khác nhau, nhưng đối với một số trẻ tiếp thu chậm thì chữ cái và con số có hình dạng tương tự. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt chúng.
Việc cần làm: Mẹ có thể minh họa sự khác nhau bằng thẻ flash minh họa đa dạng, vui nhộn. Trẻ có thể phân biệt kém nhưng với hình minh họa trực quan, việc nhận biết sẽ dễ dàng hơn.
5. Vật lộn với kĩ năng đọc và viết
Một dấu hiệu nữa cha mẹ cần chú ý đó là trẻ cảm thấy khó khăn khi tập đọc và viết trong quá trình học tập. Bé có thể bị nói lắp, phát âm khó hoặc méo tiếng, cầm bút khó khăn.
Việc cần làm: Mẹ hãy truyền cảm hứng đọc cho con và tăng mối liên kết bằng cách đọc những cuốn sách yêu thích cho trẻ. Cho trẻ chơi trò chơi viết hoặc tìm ô chữ để kích thích trẻ viết. Bổ sung bộ dụng cụ học tập như bút màu, bút chì, vở… với hình họa, màu sắc phong phú để kích thích trẻ.
6. Phối hợp tay mắt kém
Phối hợp tay-mắt không chỉ có lợi cho trẻ em trong thể thao mà đây còn là một kĩ năng quan trọng trong việc học viết, vẽ và đọc của trẻ.
Việc cần làm: Mẹ có thể cho con chơi đồ chơi như lego hoặc đất nặn để gia tăng sự phối hợp. Một số trò thủ công như tô màu, chơi ô chữ cũng là những cách tuyệt vời để tăng cường kĩ năng phối hợp tay mắt cho trẻ, đồng thời nuôi dưỡng sự sáng tạo.
Lego xếp hình là trò chơi giúp tăng khả năng phối hợp tay-mắt cho trẻ (Ảnh minh họa)
7. Không biết cách sắp xếp
Trẻ có thể không biết cách sắp xếp bài vở, đồ dùng theo thứ tự và trật tự nhất định. Trẻ bày bừa và không biết cách thu dọn sao cho ngăn nắp, điều này có thể ảnh hưởng tới việc học và cả đời sống sau này của trẻ.
Việc cần làm: Mẹ có thể giúp bé sắp xếp bằng cách đánh dấu đồ dùng, sách vở theo từng mã màu, ngăn kéo, kệ bàn được đánh dấu rõ ràng sẽ khuyến khích bé giữ mọi thứ ngăn nắp, có tổ chức hơn.
8. Diễn đạt kém
Khi sắp xếp các ý, các từ để diễn đạt, trẻ không thể hoặc gặp khó khăn để diễn đạt đúng ý và truyền đạt thông tin. Đây cũng là dấu hiệu khiến trẻ tụt lại so với các bạn trong quá trình học tập.
Việc cần làm: Khi con đang cố diễn đạt, mẹ hãy đặt câu hỏi để giúp con làm rõ thứ tự cũng như nội dung của sự việc, chẳng hạn điều gì xảy ra trước, tiếp theo, kết thúc ra sao.
Để giúp trẻ sớm bắt kịp tiến độ và chương trình, cha mẹ cần theo dõi và kịp thời hỗ trợ trẻ trong những tình huống cần thiết. Sự khuyến khích và bao dung sẽ là động lực để trẻ tự tin hơn, vươn lên trong học tập.
Nguồn: Parent