Căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ chết người cao

Theo GS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tại Việt Nam, ung thư phổi có 21.865 ca mới mắc bệnh, chiếm tỷ lệ 17,5%, số ca thiệt mạng là 19.559 chiếm tỷ lệ 20,6%.

TS.BS Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bứu Hưng Việt cho biết, ước tính tại thủ đô Hà Nội trung bình tỷ lệ được chẩn đoán ung thư phổi vào khoảng 40/100.000 dân và ở TP.HCM là khoảng 30/100.000 người.

Ung thư phổi được đánh giá là căn bệnh phổ biến cũng như tỷ lệ người mắc bệnh, số ca chết người ngày một tăng. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu lại rất khó khăn. Hơn 90% bệnh nhân chết chỉ sau một năm phát hiện bởi bệnh không dễ phát hiện ở giai đoạn sớm.

Dấu hiệu nhận biết ung thư phổi giai đoạn cuối - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tại Việt Nam, đa phần bệnh nhân được phát hiện khi ở giai đoạn muộn, chỉ 10-20% được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.

Theo TS Chân, ở giai đoạn sớm, những triệu chứng ung thư phổi rất nghèo nàn, bệnh nhân dễ nhầm lẫn với những bệnh lý về đường hô hấp khác.

Dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn cuối

Ở giai đoạn cuối, người bị ung thư phổi có những triệu chứng, biểu hiện khá rõ ràng và liên tục. Người bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi nuốt cảm giác rất khó khăn, đau đớn. Người bệnh có cảm giác khó thở, khàn giọng, ho ra máu, ho thường xuyên và liên tục hơn.

Ngoài ra, người bệnh còn bị đau tức ngực, thở gấp, thở dồn, thở không điều.

Bệnh nhân ung thư phổi còn có biểu hiện trên toàn thân. Người bệnh bị trầm cảm, chán ăn, mất ngủ, đau ngực, đau lưng, đau vai, cánh tay, mặt bị phù, mi mắt bị sụp.

Đặc biệt, người ung thư phổi giai đoạn cuối thường xuyên bị sốt kéo dài. Hiện tượng này khá phổ biến, nhưng, nó khá giống với bệnh cảm sốt thông thường nên rất dễ nhầm lẫn với những căn bệnh cảm cúm thông thường.