Những triệu chứng tiền mãn kinh ở phụ nữ thường xuất hiện ở lứa tuổi 40-50 với những dấu hiệu dễ nhận biết.

Phụ nữ tiền mãn kinh bắt đầu ở các lứa tuổi khác nhau, giai đoạn này diễn ra sớm hay muộn phụ thuộc vào một số yếu tố như: khí hậu, di truyền, tình hình kinh tế gia đình, xã hội…

Những chị em có chế độ bổ sung dinh dưỡng đúng và sinh hoạt khoa học thì tiền mãn kinh sẽ diễn ra muộn hơn và ngược lại. Đa số triệu chứng tiền mãn kinh ở phụ nữ thường xuất hiện khi chị em đến tuổi 40 - 50.

Trong giai đoạn này, cơ thể chị em có sự thay đổi lớn, có sự suy giảm và rối loạn nội tiết tố nữ do buồng trứng tiết giảm estrogen ngày càng ít đi. Và khi đó sẽ có những thay đổi rất lớn về tâm sinh lý và sức khỏe mà chị em hoàn toàn có thể nhận biết được.

Những triệu chứng tiền mãn kinh ở phụ nữ dễ thấy nhất

Rối loạn kinh nguyệt: Dấu hiệu phổ biến nhất ở hầu hết các chị em đó là sự thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt cũng như tính chất.

Khi bước vào tiền mãn kinh đó là khoảng thời gian kinh nguyệt thất thường, có thể dài hơn hoặc ngắn hơn, từ rất ít đến rất nhiều. Các chị em theo dõi thấy vòng kinh tự nhiên của mình thưa hơn, có thể 1 tháng rưỡi, 2 tháng rưỡi, thậm chí lên tới 3 tháng và lượng kinh nguyệt ít dần.

Khả năng tình dục suy giảm: do nội tiết tố nữ estrogen được sản sinh ra ngày càng ít dần nên chị em có hiện tượng giảm sự ham muốn tình dục, khó đạt khoái cảm tình dục.

Lượng nội tiết tố estrogen giảm làm cho âm đạo bị khô, mỏng hơn, khả năng đàn hồi kém làm cho khi giao hợp gây đau đớn.

Ngoài ra, do lượng estrogen thấp có thể dễ gây ra nhiễm trùng đường tiểu hoặc âm đạo, gây tiểu không tự chủ. Điều này cũng là một lý do khiến chị em ngại “gần gũi” chồng.

Thay đổi ở làn da và mái tóc: Từ sau lứa tuổi 30, da và tóc của chị em sẽ ngày càng xấu đi. Những dấu hiệu này sẽ nhìn thấy rất rõ.

Da khô hơn, giảm tính đàn hồi, dễ bị nhăn, đặc biệt là vùng quanh mắt. Những vết nám da, tàn nhang, đốm đồi mồi, sạm màu xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Mái tóc khô và xơ cứng hơn, dễ bị chẻ ngọn, bạc tóc và gãy rụng…

Các vấn đề về giấc ngủ: Không ít chị em ở lứa tuổi tiền mãn kinh than phiền về giấc ngủ của mình.

Tình trạng thường thấy là khó ngủ, ngủ ít, mất ngủ… Khó ngủ thường do nóng ran hoặc đổ mồ môi ban đêm, nhưng đôi khi mất ngủ, giấc ngủ không ngon hay rối loạn giấc ngủ xảy ra mà không vì lý do gì.

Thay đổi về tâm lý: Bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, do sự thiếu hụt của tiết tố nữ gây ra cho phụ nữ những cơn bốc hỏa, nóng ran, toát mồ hôi, hay cáu gắt, hồi hộp lo âu, thay đổi tính tình.

Ở lứa tuổi này, chị em cần kiểm soát tâm lý của mình, nên hạn chế tình trạng tâm lý tiêu cực để phòng tránh các rối loạn tâm thần dễ mắc ở thời kỳ này như: rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu… Đặc biệt, rối loạn lo âu rất dễ gặp.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ thường xuyên lo lắng nhiều hơn nam giới. Sự lo lắng thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do các vấn đề xoay quanh tiền mãn kinh khiến chị em bối rối không biết xử trí ra sao.

Vì vậy mà hầu hết phụ nữ tiền mãn kinh đều trải qua tình trạng lo lắng kéo dài. Ngoài ra, trong thời kỳ tiền mãn kinh, sự thay đổi hormon sinh dục nữ cũng là nguyên nhân cho tâm lý bất an và hay bồn chồn lo lắng của phụ nữ.

Lo âu trong thời kỳ này thường đi kèm với mất ngủ, bồn chồn, căng thẳng khiến chị em bị rối loạn giấc ngủ và nóng nảy hơn.

Nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và xương khớp: Bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa xơ vỡ động mạch, giúp gắn kết canxi và khung xương, chống loãng xương là nhiệm vụ của tiết tố estrogen.

Nhưng ở thời gian tiền mãn kinh, lượng hormon này suy giảm hay rối loạn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như tăng huyết áp và loãng xương.

Lời khuyên của thầy thuốc

Phụ nữ lứa tuổi tiền mãn kinh nên có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, thư giãn thích hợp để giữ được tinh thần thư thái, bình ổn.

Chế độ dinh dưỡng: cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng “hoàn hảo” giàu vitamin và khoáng chất và đừng quên bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, ngũ cốc, trái cây, canxi, protein và hạn chế các loại chất béo, thuốc lá, đồ uống có cồn.

Cần ăn nhiều rau quả, đặc biệt là các sản phẩm từ đậu nành hoặc cỏ đinh lăng (chứa nhiều chất estrogen tự nhiên). Bổ sung thêm hàm lượng vitamin D vì vitamin D có chứa chất “xúc tác” giúp cho quá trình hấp thụ và chuyển hóa canxi dễ dàng hơn.

Thường xuyên tập thể dục, thể thao để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ và giúp lưu máu tuần hoàn đều khắp cơ thể. Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện và xử lý sớm các bệnh phụ khoa.