Đối với người Nhật, một em bé phát triển tốt trước hết là một em bé khỏe mạnh. Em cần được chăm sóc y tế tốt, có chế độ ăn uống cân bằng, vận động phù hợp và hơn hết là một ý thức giữ gìn sức khỏe của chính em được gây dựng một cách tự nhiên từ bé thông qua giáo dục và luyện tập.
Nước Nhật có 4 mùa thời tiết khắc nghiệt, đi kèm với nó là các mùa dịch bệnh mang theo các chủng cúm và virus. Nếu không phòng ngừa, trẻ em với cơ thể còn nhỏ bé và hệ miễn dịch non yếu rất dễ mắc bệnh. Để giữ cho cơ thể khỏe mạnh phòng chống các bệnh cảm cúm, virus, truyền nhiễm... ngay từ bé, trẻ em Nhật đã được gia đình và nhà trường chú ý giáo dục để có thói quen giữ gìn vệ sinh cơ thể thật sạch sẽ.
Rửa tay và súc miệng là cách ngừa bệnh đơn giản mà hữu hiệu nhất
Trong các tài liệu y tế thường thức lẫn các cuốn sách hướng dẫn nuôi dạy con tại Nhật, một trong các bài học đầu đời các em bé cần được học đó là súc miệng và rửa tay. Đây là phương pháp hữu hiệu nhất giúp các bé tránh được mầm bệnh từ virus và vi khuẩn bên ngoài.
Bé được hướng dẫn rửa kỹ từng ngón tay, mu bàn tay lẫn lòng bàn tay. Bé học cách súc họng để ngừa vi khuẩn
Trẻ em Nhật ngay từ 1 tuổi (độ tuổi bắt đầu ra ngoài dạo chơi, tiếp xúc trực tiếp với đồ vật nhiều) bắt đầu được hướng dẫn xây dựng cho các em các thói quen tốt thông qua việc thực hành, nhắc nhở thực hành lặp đi lặp lại: Các em được dạy súc miệng khi trở về nhà sau mỗi lần ra ngoài, rửa tay sau khi chơi, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và trước khi đi ngủ. Tới các độ tuổi lớn hơn, các em được hướng dẫn rửa tay với các bước kỹ lưỡng hơn bằng xà phòng sát khuẩn.
Với các các bước súc miệng, trẻ được hướng dẫn để phân biệt rõ giữa súc miệng đánh răng và súc họng ngừa khuẩn. Trẻ từ 1-2 tuổi có thể làm quen với súc miệng bằng cách phồng má, trẻ lớn hơn một chút (2 - 3 tuổi) tiếp tục được hướng dẫn cách súc họng bằng việc ngửa cổ ra đằng sau . Cha mẹ được khuyến khích thực hành cùng các em để việc súc miệng không trở nên đáng sợ.
Các bé "bái bai vi khuẩn", ngừa bệnh thông qua phương pháp đơn giản mà hữu hiệu là súc miệng và rửa tay.
Các em được dạy về sự nguy hiểm của vi khuẩn thông qua các hình vẽ hài hước và dễ hiểu. Để tránh vi khuẩn xâm nhập cơ thể, các em có thể là những "chiến binh dũng cảm" nhờ chăm rửa tay và súc miệng. Rửa tay và súc miệng được coi là hoạt động quan trọng mỗi ngày. Những câu chuyện thú vị và dễ thương sẽ khuyến khích bé thích thú với hoạt động này hơn. Chẳng hạn chúng ta cùng đánh đuổi vi khuẩn, bai bai mảng bám....
Khi đi vào các tòa nhà công cộng, công ty hay shopping mall, bệnh viện… ngay ở cửa ra vào bao giờ cũng có một bình dung dịch rửa tay sát khuẩn có chứa cồn để mọi người xịt vào, nhằm tránh lây lan vi khuẩn qua đường tiếp xúc ở mức tối thiểu. Các em bé cũng được nhà trường và gia đình hướng dẫn cho thói quen lành mạnh này.
Trẻ em Nhật hướng dẫn đội mũ khi ra ngoài trời và biết dùng khăn tay lau mồ hôi để giữ sạch sẽ, khô ráo.
Giữ khỏe mạnh cho mình, giữ khỏe mạnh cho người khác
Trong các hoạt động tập thể, trẻ em Nhật thường được hướng dẫn sinh hoạt trong không khí hòa nhã. Các hoạt động thể chất đòi hỏi sự ganh đua nhưng không va chạm mạnh, tránh các thương tích cho bản thân và người khác.
Trẻ cũng được dạy ý thức độc lập trong việc giữ gìn sức khỏe, tự nhận biết các dấu hiệu cơ thể không khỏe để thông báo lại cho cha mẹ, nhằm cách ly trẻ với các bạn học khi cần thiết. Khi có các dấu hiệu không khỏe, cha mẹ tập cho trẻ thói quen đeo khẩu trang nơi công cộng để tránh lây nhiễm bệnh, che miệng khi hắt hơi, ho... để giữ không cho virus cảm phát tán lây lan cho các bạn nhỏ khác.
Rửa tay và lau tay khô sau mỗi lần đi vệ sinh.
Một lịch sinh hoạt điều độ, lối sống gọn gàng và ngăn nắp mà nhiều bậc cha mẹ Nhật rèn luyện cho con mình từ nhỏ cũng góp phần hình thành nên những bạn nhỏ ưa chuộng vệ sinh, có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung.
Từng có 7 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất nước mặt trời mọc. Và từ khi bé Masao đi học, mẹ Masao còn có thêm cơ hội trải nghiệm "công việc" của một người mẹ có con đi học mẫu giáo ở Nhật. Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao một lần nữa khiến chúng ta "ngả mũ" trước cách người Nhật giáo dục trẻ em. Độc giả có thể đọc thêm những bài viết thú vị của mẹ Masao tại đây.