Theo các báo cáo, điều tra của UNICEF, trẻ em Hà Lan được hai lần công nhận là những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới. Hạnh phúc của trẻ con Hà Lan không chỉ được xác định dựa trên các tiêu chuẩn khách quan của UNICEF (bao gồm: giáo dục, sức khỏe, và sự giàu có về vật chất), mà con dựa trên chính câu trả lời của bọn trẻ trước yêu cầu tự đánh giá mức độ hạnh phúc của bản thân. Không chỉ được hưởng một cuộc sống tốt đẹp, những đứa trẻ đó thậm chí còn biết được cuộc sống mình đang có tốt đẹp như thế nào!
Thực ra tôi không quá ngạc nhiên với kết quả này sau 7 năm sống cùng người Hà Lan trên mảnh đất của họ. Nhưng với những bậc phụ huynh khắp thế giới, kết quả này có ý nghĩa như thế nào: Là minh chứng cho những thiếu sót của họ khi dạy dỗ con cái? Hay là động lực để họ thay đổi và làm tốt hơn nhiệm vụ của mình? Câu trả lời là cả hai!
Không phân biệt con nhà giàu - con nhà nghèo
Câu nói nổi tiếng nhất mô tả lối sống của người Hà Lan là “doe maar gewoon, dan doe je al gek genoeg”, có nghĩa là “hãy cư xử bình thường, mọi chuyện đã đủ điên rồ rồi”. Mỗi người đều có thể sở hữu một (hoặc ba) chiếc xe đạp, nhưng với họ đó là một chiếc xe gỉ có giá 50 euro hay một chiếc bakfiet (xe đạp vận chuyển có thể trở được 5 hoặc 6 đứa trẻ cùng một lúc) trị giá tới 1200 euro thì không có gì quá khác biệt.
Quan điểm sống “coi mọi điều là bình thường” của người Hà Lan có thể được hiểu là: xã hội luôn coi thường những người chỉ biết khoe khoang họ giàu có thế nào và trẻ nhỏ được nuôi dưỡng trong một môi trường mà ở đó mọi người không đánh đồng sự giàu có về vật chất với thành công và hạnh phúc.
Không coi trọng vật chất là quan điểm quan trọng trong cách nuôi dạy con của người Hà Lan.
Không quá can thiệp vào cuộc sống của con
Chuyển đến định cư ở Hà Lan được một thời gian, tôi và bọn trẻ đạp xe xuống phố sau giờ học thì bắt gặp giọng hát của Beyoncé phát ra từ nhà một người hàng xóm còn bọn trẻ đang luyện tập những bước nhảy “Single Ladies” trên một dàn giáo xây dựng ba tầng mà công nhân xây dựng bỏ lại ở đó. Bố mẹ của mấy đứa trẻ chỉ thỉnh thoảng kiểm tra xem các con còn chơi ở đấy không, và vẫn cho phép chơi bọn trẻ chơi ở đó, náo loạn đòi nhau một chỗ trống trên sân khấu mới dựng. Tôi chứng kiến tất cả khung cảnh đáng kinh ngạc đó, điều mà sẽ không bao giờ được phép xảy ra với tôi và các con.
Ngay từ nhỏ trẻ em Hà Lan đã không bị gò bó bởi sự cho phép hay cấm đoán của bố mẹ. Bọn trẻ bắt đầu đạp xe bên cạnh bố mẹ từ khi mới 2 hay 3 tuổi, và trước 10 tuổi sẽ được phép đi xe đạp một mình đến trường hay câu lạc bộ thể thao vào các ngày cuối tuần. Bố mẹ nào cũng lo lắng cho sự an toàn của các con, người Hà Lan cũng vậy, nhưng họ còn quan tâm đến việc chuẩn bị cho con một hành trang vững vàng để bước ra thế giới bên ngoài thay vì ngăn cấm các con khỏi thế giới đó. Ngay khi tôi còn đang phân vân lo lắng, những đứa trẻ Hà Lan đã có thể tự tạo cho mình tính độc lập, sự tự tin và thành tựu nhất định.
Bố mẹ Hà Lan sẵn sàng nói với con về tình dục
Được biết đến với quan điểm khá “thoáng” về việc sử dụng các loại chất kích thích, mại dâm và quyền được chết của con người, người Hà Lan lại không mong muốn bắt gặp một điều gì đó quá khác biệt trong đất nước của họ. Bạn có thể mua một điếu thuốc lá trong danh mục cấm của pháp luật ở một tiệm cà phê địa phương, nhưng nếu bạn đổ rác ra đường trước thời gian quy định, vậy thì hãy đợi mà nộp phạt.
Với quan điểm đó, những ông bố bà mẹ người Hà Lan luôn sẵn sàng trò chuyện một cách thẳng thắn, thoải mái với các con của họ về tình dục, thuốc phiện và mọi điều khác có liên quan. Không phải đứa trẻ tuổi teen người Hà Lan nào cũng đều ngoan ngoãn, nhưng cũng không phải ngẫu nhiên mà Hà Lan là quốc gia có tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên thấp nhất thế giới. Đơn giản là vì những đứa trẻ đó đều được bố mẹ trang bị kiến thức về tình dục và tránh thai.
Không coi việc học là một cuộc đua thành tích
Với người Hà Lan, các con đi học để tìm tòi khám phá, chơi đùa và phát triển các kỹ năng xã hội.
Khi chuyển đến Hà Lan, tôi khá ngỡ ngàng khi biết rằng con gái tôi sẽ đi học khi mới 4 tuổi. So với những đứa trẻ người Hà Lan khác, độ tuổi đó thực ra không phải quá sớm để con bắt đầu tham gia vào cuộc chạy đua xem đứa trẻ nào biết đọc đầu tiên hay đứa trẻ nào có thể ghi nhớ thời khóa biểu.
Trẻ nhỏ ở đây được xã hội khuyến khích tìm tòi khám phá, chơi đùa, và việc chú trọng đến phát triển các kỹ năng xã hội là ưu tiên hàng đầu của nền giáo dục, đặc biệt là những năm đầu cấp. Với 17 triệu người sống trong một đất nước có diện tích gần bằng vùng Maryland của Mỹ, thì việc xã hội ưu tiên phát triển kỹ năng để mọi người sống hòa hợp với nhau là một điều cần thiết và dễ hiểu.
Không coi thành tựu của trẻ là minh chứng cho kĩ năng nuôi dạy con của bố mẹ
Một thói quen không thể bỏ của những người mẹ xa xứ như tôi là cùng nhau ngồi uống tách cà phê vào mỗi buổi sáng, khi mà chúng tôi chia sẻ với nhau những câu chuyện bằng tiếng mẹ đẻ. Dù là khen ngợi hay than phiền về bọn trẻ, chúng tôi đều giống nhau khi coi hành động của các con là kết quả phản ánh các quyết định của mình. Điều đó cũng gần giống như việc chúng tôi cố gắng tự tìm câu trả lời cho những băn khoăn về cách mình nuôi dạy con nếu bọn trẻ trưởng thành mà không giống với kỳ vọng của chúng tôi.
Bà mẹ Hà Lan dường như không như vậy. Khách quan mà nói, họ coi các con của mình là một cá thể riêng biệt với tính cách và sở trường khác nhau, mà không phải là kết quả của cách họ nuôi dạy con.
Những ông bố bà mẹ người Hà Lan tôi từng gặp đều tự hào với thành tích các con của họ đạt được ở trường. Họ thậm chí còn cảm thấy thật hạnh phúc khi đứa con gái ghi bàn ở trận đấu khúc côn cầu hay được chơi đàn piano ở buổi tập trung của trường. Họ tự hào nhưng không cảm thấy phải chịu trách nhiệm, hay coi thành tựu của các con là minh chứng cho kỹ năng nuôi dạy trẻ của mình.
Bố mẹ luôn luôn ăn tối cùng con
Người Hà Lan khá là giàu có, nhưng thành công đó không phải đạt được bằng sự đánh đổi giữa công việc và cuộc sống. Họ có thể làm việc chăm chỉ, nhưng họ sẽ không bao giờ cho phép công việc lấn át cuộc sống gia đình. Họ có thói quen ăn bữa tối sớm lúc 6 giờ, và khi đồ ăn được bê lên, điều lạ là bố mẹ sẽ ngồi xung quanh bàn ăn cùng các con.
Bữa ăn gia đình luôn được người Hà Lan chú trọng như là một cách để giáo dục con cái.
Có lẽ gia đình tôi khó có cơ hội thưởng thức hương vị chính thống của các món ăn Hà Lan, nhưng chúng tôi thực sự yêu cảm giác cùng nhau quây quần vào buổi tối mỗi ngày. Một cuộc sống xa người thân và bạn bè khiến chúng tôi phải nương tựa vào nhau nhiều hơn, và sống ở một đất nước như Hà Lan đã cho chúng tôi thời gian và cơ hội thực hiện được điều đó.
Nếu vậy, liệu những bậc phụ huynh khác có thể học tập được người Hà Lan hay không?
Nguồn: Tổng hợp