Đó là trường hợp của bé T. (6 tuổi, ngụ huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Gần 2 năm nay, em phải điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM vì khối u ác tính khồng bên gò má trái, lan xuống cả phần xương hàm.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, năm 4 tuổi mặt bé bất ngờ xuất hiện một mụt mụn rất nhỏ. Người mẹ là dược sĩ muốn đưa con đi điều trị Tây y nhưng cha không chấp nhận. Sau khi xảy ra mâu thuẫn, đứa con được cha đưa đi đắp lá thuốc tại khoảng 2 tuần lễ tại một cơ sở y tế trôi nổi tại Bình Dương.
Hậu quả là sau một thời gian đắp thuốc, từ mụn nhỏ đã phình lên thành khối bướu khổng lồ và vỡ ra, khiến bé chịu rất nhiều đau đớn.
Bé trai 6 tuổi mang khối bướu ác tính khổng lồ trên mặt.
Đại diện phòng Công tác xã hội, BV Ung Bướu TP.HCM cho biết, khối bướu bé T. đang mang là bướu sacroma ác tính vùng mềm má trái và xương hàm. Bé đã được vào hóa chất nhiều lần và vẫn đang tiếp tục điều trị ngoại trụ tại đây.
Được biết, cha mẹ T. đã không còn sống chung. Từ khi bé bệnh, hai vợ chồng đã bán nhà hơn 200 triệu đồng lo chi phí điều trị cho con nhưng tiền đã cạn. Mẹ con T. sau đó về ở chung với bà ngoại.
Hiện khối bướu của T. đã lan gần như toàn bộ bên trái khuôn mặt, khiến 1 phần mũi và mắt trái bé bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước bé T., đã có rất nhiều trường hợp phải gánh hậu quả nặng nề vì đắp lá thuốc trị ung thư.
Như trường hợp của một phụ nữ quê TP.HCM, dù được bác sĩ chẩn đoán ung thư vú và khuyên tuân thủ phác đồ điều trị nhưng bệnh nhân không nghe. Đổi lại, chị tự về nhà đắp lá dâm bụt vào vết thương vì nghe đồn lá này "hút" được khối u.
Hậu quả là từ một khối u nhỏ vùng nách đã to lên khổng lồ và rỉ nước vàng gây đau đớn. Lúc này, chị đến BV Ung Bướu thăm khám thì mọi thứ quá muộn vì khối u đã di căn.
Các bác sĩ khẳng định, hiện tại không có loại lá cây nào chữa được ung thư và cảnh báo người dân đừng tự tiện dùng các biện pháp dân gian như lá đu đủ, bìm bịp, dâm bụt, sắn dây để trị căn bệnh này.
Các phương pháp khoa học đã được kiểm chứng là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị... Tùy vào thể trạng về tình hình của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đề ra phác đồ phù hợp.
Người dân muốn chống lại ung thư hiệu quả nên đi tầm soát định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời.