Tiến sĩ Nadja Reissland thuộc khoa tâm lý trường Đại học Durham và Lancaster (Anh) đã sử dụng máy siêu âm 4D để ghi lại hàng ngàn chuyển động rất nhỏ của những em bé trong bụng mẹ. Trong 20 bà mẹ tham gia nghiên cứu diễn ra tại trường Đại học James Cook ở Middlesbrough, có 4 người hút thuốc trong suốt thai kỳ, trung bình 14 điếu mỗi ngày.
Em bé hàng trên nhăn nhó, che mặt do ảnh hưởng từ thuốc lá người mẹ hút vào (Ảnh: Internet)
Thai nhi vào những tuần cuối của thai kì sẽ ít cử động miệng và tay chân hơn khi chúng có sự phát triển toàn diện và biết cách tự kiểm soát mình tốt hơn. Tuy nhiên, sau khi quan sát các thai nhi ở tuần 24, 28, 32, 36, tiến sĩ Reissland đã phát hiện những đứa trẻ sắp chào đời của 4 bà mẹ hút thuốc này thường xuyên chuyển động miệng, ôm mặt và nhăn nhó hơn so với những thai nhi của các bà mẹ không hút thuốc. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hệ thần kinh trung ương của các thai nhi có mẹ hút thuốc phát triển chậm hơn so với những thai nhi khác.
Thuốc lá còn khiến cho thai nhi chậm phát triển hệ thần kinh trung ương (Ảnh: Internet)
Nicotine có trong thuốc lá chính là chất gây ảnh hưởng tiêu cực đến bào thai. Chất này có thể kích thích làm giảm dòng máu đến phôi thai. Nicotine thông qua nhau thai có thể làm tăng huyết áp và ảnh hưởng tới khả năng hô hấp của thai nhi, tăng nguy cơ sinh non. Trẻ ra đời gặp vấn đề về đường hô hấp, sứt môi, hở hàm ếch, dễ đột tử, bé gái dễ bị dậy thì sớm.
Theo các chuyên gia y tế, ngay cả khi người mẹ không hút thuốc mà hít thở phải khói thuốc từ môi trường xung quanh cũng sẽ tác động rất lớn đến sức khỏe của thai nhi. Thông qua nghiên cứu này, đặc biệt sau khi xem những hình ảnh vô cùng đau đớn này, tiến sĩ Reissland kêu gọi các bà mẹ hãy từ bỏ thuốc lá, các ông bố cũng phải hạn chế hút thuốc khi có vợ bầu, không chỉ vì đứa bé mà cũng vì chính sức khỏe của bản thân mình nữa.
(Nguồn Telegraph)