Mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống hôn nhân. Bởi mỗi người là một cá thể, khi sống chung có những thứ không được "vừa mắt". Tùy vào mức độ mâu thuẫn, hoàn cảnh, tính cách và nhận thức mà ở mỗi cặp vợ chồng sẽ có cách giải quyết khác nhau khi vợ chồng có mâu thuẫn. Có trường hợp vợ chồng nhận thấy bất đồng cùng hóa giải mâu thuẫn. Có người lại chọn cách chấm dứt hôn nhân vì mâu thuẫn. Nhưng cũng có những trường hợp vợ chồng đương tâm sát hại để lại nỗi đau dai dẳng cho những người thân, con cái…
Mỗi ngày trên các trang báo, thông tin về những án mạng đau lòng xảy ra vì mâu thuẫn vợ chồng khá nhiều. Chỉ cần đánh từ khóa "Vợ giết chồng", "chồng truy sát vợ con", chồng dùng búa đánh chết vợ… hàng loạt kết quả đưa ra là những vụ án đau lòng vợ chồng sát hại nhau.
Ngày nay với cuộc sống hiện đại, con người chịu nhiều áp lực hơn, mâu thuẫn càng dễ xảy ra. Vợ chồng khi không có sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia… trong khi đó mâu thuẫn vợ chồng lại bị dồn nén lâu ngày lên cao dễ dẫn tới những điều đau lòng ngoài mong muốn.
Nếu vợ chồng đang mâu thuẫn, chuyên gia Tuệ An - Chuyên gia tư vấn Hạnh phúc Gia đình cho rằng, cần làm ngay những việc này:
1. Ngừng cố chấp
Suy nghĩ của bạn chưa chắc đã đúng với bạn đời và ngược lại. Bất đồng ý kiến dễ dẫn đến rạn nứt quan hệ, do đó trước bất cứ cuộc tranh luận nào cũng đừng cố chấp, giành phần đúng về mình. Đôi khi mình sai đó, nhưng cái tôi quá lớn nên cứ cố cãi cho thành đúng. Nhưng "cố quá thành quá cố" cố thế nào lừa cũng chẳng thành ngựa được.
2. Ngừng chứng minh chứng tỏ
Trong cuộc tranh cãi, lúc tức giận ta thường thích kể lể chứng minh bản thân giỏi giang, bỏ ra nhiều hơn đối phương. Nhưng điều đó chẳng có tác dụng gì duy trì hạnh phúc mà chỉ khiến mâu thuẫn càng leo thang. Việc kể lể chứng minh mình hơn người, đẹp thế nào, giỏi ra sao, kiếm được bao tiền khiến bạn đời cảm thấy bị xem thường, thấy bản thân không có giá trị. Muốn dừng cuộc tranh cãi hãy dừng ngay việc chứng tỏ bản thân.
3. Kiểm soát cảm xúc, ngừng biến tranh luận thành tranh cãi
Hãy kiểm soát cảm xúc để không biến cuộc tranh luận thành tranh cãi. Một khi lửa giận hừng hực, mọi thứ xung quanh đều bị thiêu rụi, mối quan hệ của bạn cũng nằm trong số đó. Đừng tham sĩ diện cũng đừng để cái tôi lớn dần học cách kiểm soát cảm xúc và nhận lỗi sai của mình. Chỉ khi đó quan hệ của bạn mới không bị sứt mẻ.
4. Không làm gì cả
Lúc cảm xúc tiêu cực của cả hai đang lên cao. Muốn hạ được cảm xúc tiêu cực của đối phương cần hạ cảm xúc của mình trước. Bởi khi chúng ta đang xung đột việc tiếp tục tranh luận không giải quyết được vấn đề. Hãy dừng ngay mọi việc, đặc biệt là lời nói chẳng thế mà ông bà ta có câu: "Im lặng là vàng".
5. Nói xin lỗi và cảm ơn
Cái tôi lên cao ở đâu mối quan hệ chết dần ở đó, càng cố tranh luận đúng sai khoảng cách giữa bạn và người ấy càng xa. Biết tiến biết lùi kịp lúc mới là người sáng suốt. Nếu bạn sai hãy xin lỗi đối phương còn nếu bạn đúng cũng cần xin lỗi họ. Nói xin lỗi vì bạn đang góp một cành củi đốt lên lửa mâu thuẫn, là một trong hai thủ phạm phá nát hôn nhân chính mình. Ngoài ra hãy nói cả cảm ơn nữa vì bạn đã dừng lại kịp thời, cảm ơn người ấy đã bao dung những khi bạn khó ở...
Tranh luận để hiểu hơn về đối phương và tìm kiếm sự đồng điệu. Nhưng tranh luận vừa đủ và có chừng mực đừng biến tranh luận thành cãi nhau làm đẩy nhanh tốc độ tan vỡ hôn nhân.