Mới về nhà Đức làm dâu được hơn một tháng, Cẩm vẫn còn là dâu mới cứng cựa. Ở nhà toàn “ăn sẵn” mẹ làm, giờ tự tay phải đứng ra lo liệu cái Tết cho nhà chồng, nhiều lúc nghĩ mà Cẩm toát mồ hôi hột. Nhưng may sao có mẹ chồng nhiệt tình đứng bên cạnh hỗ trợ, cuối cùng cô cũng chuẩn bị được một cái Tết tươm tươm.

Còn mỗi vấn đề mừng tuổi cho các cháu và người nhà trong họ, Cẩm hỏi chồng thì Đức thản nhiên đáp: “Mọi năm anh làm thế nào thì năm nay em cứ làm thế, không kẻo mọi người lại đàm tiếu vợ anh keo kiệt, tiết kiệm nọ kia. Cả năm mới có ngày Tết em ạ, thôi cũng không cần tính toán quá”. Cẩm lập cập hỏi chồng: “Vậy mọi năm anh mừng thế nào?”.

Đức bắt đầu liệt kê cụ thể cho vợ để cô cứ thế mà làm theo: “Ông bà nội ngoại, mỗi người 2 triệu, bố mẹ mỗi người 2 triệu, 4 đứa cháu ruột (con của anh trai và chị gái Đức) mỗi đứa 1 triệu, còn lại cháu chắt họ hàng, con chú con bác con anh con chị thì đứa 500 nghìn, đứa 300 nghìn, nhưng bèo nhất cũng là phải 200 nghìn. Đấy, anh toàn làm thế!”. Cẩm nghe xong mà tí nữa thì ngất xỉu. Sơ sơ như Đức kể thì cũng nguyên tiền mừng tuổi của anh cũng cỡ 20 triệu rồi còn gì!

Dâu mới “vỡ nợ” vì truyền thống mừng tuổi ở nhà chồng “bèo nhất cũng 200 nghìn” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

“Thế… có bao nhiêu tiền thưởng anh mang đi mừng tuổi hết à?”, Cẩm líu lưỡi hỏi chồng. Đức cười xòa: “Tiền thưởng Tết là để tiêu Tết chứ để làm gì. Anh lĩnh tiền về thì mua ít quần áo, mua cây đào cây quất, còn lại để mừng tuổi cho mọi người thôi”. “Nhưng năm nay mình còn sắm Tết nữa đấy anh ạ, anh xem danh sách em sắm sửa này, thêm quà cáp biếu xén các nơi, sơ sơ cũng mất hơn 20 triệu rồi. Em còn chưa dám mua áo quần, giày dép gì cho bản thân em nữa đấy”, Cẩm nhăn nhó.

“Ôi dào, thì coi như tiền thưởng Tết của em để mua sắm, còn của anh để mừng tuổi đi!”, Đức phẩy tay. Cẩm nhăn nhó: “Nhưng tiền thưởng Tết của em được có 15 triệu thôi, mà của anh được có hơn chục triệu phải không?”. “Thì lấy tiền tiết kiệm bù ra chứ sao nữa! Thôi không bàn vấn đề này nữa, anh quyết định rồi, chuyện tiền mừng tuổi mấy năm nay anh toàn làm như thế giờ có vợ vào cũng không được thay đổi gì hết! Toàn anh em họ hàng với con cháu trong nhà, đi đâu mà thiệt!”, Đức không muốn nói nhiều thêm, dứt khoát bảo vợ.

Thấy thái độ kiên quyết của chồng, Cẩm biết không thể lay chuyển nổi nên cũng không nài nỉ thêm, nhưng trong lòng thì cô khóc thầm không biết bao nhiêu lần. Tiền thưởng của cả hai vợ chồng tiêu Tết còn chả đủ, phải lạm vào tiền tiết kiệm thế này thì sang năm khi có con nhỏ bao nhiêu thứ cần chi tiêu, cô phải làm thế nào? Hơn nữa, cô cảm thấy mức tiền mừng tuổi như thế là khá nhiều so với tình hình kinh tế của vợ chồng cô. Trước đây Đức còn độc thân chẳng phải lo lắng gì thì anh có thể “xõa tay” như thế được chứ giờ đã có gia đình, chẳng lẽ anh không cần nghĩ nên tiết kiệm để có khoản chi dùng những việc đột xuất và nuôi con sao?

Tối 30, Đức bảo Cẩm mở két lấy thêm cho anh 10 triệu “thêm vào để anh mừng tuổi với anh giữ tiêu vặt lúc cần”. Cẩm xót đứt ruột nhưng không muốn vì chuyện đó mà vợ chồng căng thẳng với nhau, cả cái Tết không được vui vẻ, cũng không muốn mọi người nói cô vừa về làm dâu đã cấm đoán, quản lí chồng nọ kia, vì thế cô đành làm theo lời chồng.

Mấy ngày Tết, nhìn chồng phóng tay mừng tuổi cho mọi người mà Cẩm thì biết lén thở dài trong lòng. Đã thế, có một bác gái trong họ còn nửa đùa nửa thật trêu: “Năm nay có vợ mà không mừng tuổi hơn năm ngoái à? Cứ tưởng hai người phải hơn một người chứ!”. Cẩm cười mà như mếu. Nếu 500 nghìn với một đứa cháu trong họ mà bác ấy còn chê ít thì cô cũng không hiểu bác ấy nghĩ thế nào, vợ chồng cô đâu phải là đại gia!

Nhìn thảm cảnh mình “vỡ nợ” vì mừng tuổi ở nhà chồng mà Cẩm không tài nào vui cho nổi suốt mấy ngày Tết. Cứ nghĩ đến sang năm, nếu lúc ấy vợ chồng cô vừa sinh con, Đức lại vẫn khăng khăng giữ mức mừng tuổi như thế này, thì lúc ấy cô phải làm thế nào đây?