Người ta biết nhiều về Sài Gòn qua cái vẻ hào nhoáng hoàng hoa bề ngoài của các trung tâm thương mại và những tòa cao ốc chọc trời, với ánh đèn xa xỉ trong các khu phố Tây, phố Nhật. Nhưng có mấy ai biết, giữa cái thành đô sực nồng hơi người, trộn với mùi kim khí từ bê tông và khói bụi thì đâu đó, có thể là ở góc nhỏ trong con hẻm ngoằn ngoèo của cái xóm lao động bình dân tận rìa thành phố, vẫn còn tồn tại bao nỗi bẽ bàng, cứ chực chờ bục vỡ ra qua mỗi câu chuyện buồn khi được ai đó chứng kiến và kể lại.
Và câu chuyện đi kèm tấm ảnh dưới đây cũng là một câu chuyện buồn như vậy. Nó chất chứa một câu hỏi vẫn còn đau đáu không có lời giải, về một nỗi bẽ bàng nằm rạt dưới chân phố thị, bị che khuất đi bởi ánh sáng thanh của đất Sài Gòn có hoa, có lệ này.
(Ảnh: Vinh Phùng. Nguồn: SaigonSoul Story)
"SÀI GÒN ĐỘT NHIÊN BUỒN BÃ
Vừa chống xe cái "kịch", bắt gặp nhóc nhỏ (nhóc này hay đi bán vé số trong hẻm nhà tui) đang đứng ghi ghi gì đó, chạy lại coi thì thấy đứng ghi số địa chỉ nhà đối diện. Thấy lạ nên hỏi:
- Ghi gì vậy nhỏ?
- Dạ... chữ...
- Ghi chi vậy? Muốn phá gì hả?
- Dạ hông, con mới được chú kia dạy chữ nên... tập ghi.
- Xạo, bán vé số không biết chữ lấy gì biết đài mà bán.
- Con bán có 1 đài à, má đưa sao bán vậy, con còn hổng biết số nữa mà chú *cười*.
- Vậy lúc người ta đưa tiền sao mà đếm?
- Tiền thì con biết đếm tại màu nó khác nhau!
Nhìn lại thấy nhóc cầm cái bảng hồi nhỏ hay chơi, ghi miếng nhựa ở trên in xuống dưới, bút là 1 cái que cá viên. Thấy thương ghê, rút 10k ủng hộ tờ vé số, nhỏ bán xong lại đứng hí hoáy ghi tiếp. Viết xong mấy dòng này thấy tự nhiên thấy Sài Gòn buồn hiu. Sống trong xóm lao động chi cho nhiều cảm xúc vậy nè?".
(Ảnh: Facebook)
Câu chuyện này, được một anh bạn có tên Vinh Phùng chia sẻ trên một trang fanpage mạng xã hội ngay lập tức đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Và tất nhiên, câu chuyện giản dị nhưng được đặt trong bối cảnh giữa lòng Sài Gòn, ở một con hẻm lao động bình dân, nên đã tạo ra trong mình không ít ý nghĩa về cái gọi là "hoa" và "lệ" rất riêng của vùng đất được mệnh danh là hiện đại bậc nhất phương Nam này.
Ai ai cũng cảm nhận được nỗi buồn sau khi đọc hết câu chuyện như chính cảm giác của tác giả và mãi day dứt một nỗi niềm khó tả khi tìm cách giải quyết một câu hỏi chung còn tồn đọng lại trong lòng mình: Làm sao để những đứa trẻ nghèo và mù chữ như bé gái kia có thể được đến trường, trong những ngày phần lớn trẻ em vừa đón ngày khai giảng?
Có lẽ, khi những đứa trẻ ấy thôi không còn mưu sinh nữa, thôi không còn phải dùng xiên que chả cá làm bút nữa, chúng ta sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi trên. Nhưng từ đây đến đó, phải mất bao lâu?