Tại một làng quê nghèo Tropodo, Indonesia, mọi người có thể nhìn thấy được những làn khói đen lởn vởn trên không trung, mùi khét của nhựa cháy lấp đầy không khí nơi đây. Khung cảnh này khiến không ít người tò mò, nhưng trên thực tế đó là nơi sản xuất đậu phụ.

Tờ New York Times chỉ ra rằng, có hơn 30 cơ sở sản xuất đậu phụ ở Tropodo, Indonesia đã thúc đẩy việc đốt một hỗn hợp gồm giấy và chất thải nhựa từ Mỹ làm nhiên liệu để sản xuất đậu phụ. Được biết, họ đã tạo ra các hóa chất chết người như dioxin cũng như làm nhiễm độc món ăn rẻ tiền và giàu chất protein này. 

Hành trình rác thải nhựa từ Mỹ đến làng quê nghèo ở Indonesia và sản xuất ra món đậu phụ chưa hóa chất gây chết người - Ảnh 1.

Cơ sở sản xuất đậu phụ ở Tropodo.

Theo một báo cáo mới được công bố từ những tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế và Indonesia, họ đã tiến hành kiểm tra trứng gà ở ngôi làng Tropodo 5000 người dân và tìm thấy nhiều hóa chất độc hại, gồm chất độc dioxin gây ung thư, dị tật bẩm sinh và bệnh Parkinson.

Ông Karnawi, 84 tuổi, người sống gần 7 lò sản xuất cho biết: “Họ nổi lửa từ sáng sớm tinh mơ đến khi trời tối mịt. Chuyện này xảy ra hằng ngày và khói bao quanh ở bầu không khí nơi đây khiến tôi rất khó thở”. 

Mức độ dioxin được tìm thấy trong trứng gà ở Trodopo chỉ đứng thứ 2 sau trứng gà ở những vùng nhiễm độc dioxin nặng do chất độc màu da cam từ thời chiến tranh.

Hành trình rác thải nhựa từ Mỹ đến làng quê nghèo ở Indonesia và sản xuất ra món đậu phụ chưa hóa chất gây chết người - Ảnh 2.

Khi lấy một quả trứng từ chuồng gà của ông Karnawi đi kiểm nghiệm, báo cáo tổ chức bảo vệ môi trường cho biết phát hiện có lượng chất độc dioxin cao nhất Châu Á. 

Đặc biệt, khi một người lớn ăn quả trứng này sẽ hấp thụ độc vượt ngưỡng an toàn hàng ngày theo chuẩn Mỹ gần 25 lần, và vượt chuẩn an toàn theo chuẩn Ủy ban An toàn thực phẩm Châu Âu 70 lần. Trứng thường được sử dụng để kiểm tra mức độc vì gà đào đất tìm thức ăn và chất độc dioxin tăng lên trong trứng của loài gia cầm này. 

Đậu phụ nhiễm độc ở Indonesia: Món ăn rẻ tiền được sản xuất từ rác thải nhựa của Mỹ và có khả năng gây chết người - Ảnh 3.

Báo cáo nghiên cứu được thực hiện bởi 4 tổ chức bảo vệ môi trường bao gồm: Ecoton, Nexus3 Foundation (có trụ sở tại Indonesia), Arnika (có trụ sở tại Prague, Cộng Hòa Séc), và Mạng loại bỏ chất ô nhiễm quốc tế (IPEN), một tổ chức toàn cầu chú trọng vào việc loại bỏ các chất ô nhiễm độc hại.

Các chất độc dioxin được tìm thấy trong đất ở Tropodo xuất hiện từ khi người phương Tây cho rằng họ đang làm điều tốt cho môi trường bằng cách đem rác thải nhựa đi tái chế, phần lớn là chở sang nước khác trong đó có Indonesia, nơi kết hợp với chất thải địa phương để cùng xử lý. 

Thế nhưng, thay vì được tái chế thành hàng tiêu dùng như áo khoác lông cừu và giày thể thao, thì phần lớn chất thải không thể tái sử dụng sẽ được ném vào lò nung làm nhiên liệu để sản xuất đậu phụ. 

Yuyun Ismawati, người đồng sáng lập Nexus3 Foundation, cũng là đồng tác giả báo cáo cho biết: “Đây là rác thải nhựa được thu thập từ người tiêu dùng ở Mỹ và các nước khác đem đến Indonesia để làm nhiên liệu sản xuất đậu phụ”. 

Hành trình rác thải nhựa từ Mỹ đến làng quê nghèo ở Indonesia và sản xuất ra món đậu phụ chưa hóa chất gây chết người - Ảnh 4.

Núi rác ở phía Đông Java.

Ở phía Đông Java, có 11 nhà máy giấy ở phía nam Surabaya (thành phố đông dân thứ 2 của Indonesia) nhập khẩu rác thải giấy để tái chế. Một số người xử lý chất thải từ nước ngoài bất lương đã đổ 50% rác thải nhựa vào số rác thải giấy giả định và chuyển qua các nước phát triển. Các công ty địa phương đã ăn lời từ các lô hàng này. 

Sau khi loại bỏ hầu hết các chất thải tốt nhất để tái chế, hầu hết các công ty gửi chất thải còn lại đến Bangun, một ngôi làng nổi tiếng với những người chuyên nhặt rác và săn lùng các món đồ và vật liệu có giá trị để tái chế. Ở Bangun, người ta thấy có nhiều đống rác cao hơn 4,5m lấp đầy những khoảng trống. Có khoảng 2400 người sống trong làng và hầu hết các gia đình đều tham gia vào việc nhặt rác. 

Những người nhặt rác nói rằng họ có thể phân biệt rác thải đến từ Mỹ vì chúng được viết bằng tiếng Anh như những chai rượu bị vỡ với nhãn hiệu đặc biệt. Điểm đến cuối cùng của dòng rác này là làng Troporo và các cơ sở sản xuất đậu phụ. 

Mỗi ngày sẽ có từng đoàn xe tải chở rác từ Bangun đến làng Tropodo và để chúng bên ngoài các lò sản xuất. Tài xế Fadil, người giao chất thải giấy và nhựa cho các nhà sản xuất đậu phụ trong làng 20 năm nay cho biết: “Người dân cần nó để làm chất đốt, để biến thành nhiên liệu sản xuất đậu phụ”. 

Hành trình rác thải nhựa từ Mỹ đến làng quê nghèo ở Indonesia và sản xuất ra món đậu phụ chưa hóa chất gây chết người - Ảnh 5.

Người dân Tropodo sản xuất đậu phụ.

Việc đốt rác bao gồm cả nhựa đã lan rộng khắp Indonesia, đây là hành động bất hợp pháp nhưng chính phủ vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn. Các nhà hoạt động môi trường cho hay, Tổng thống Joko Widodo đã phớt lờ sự lo ngại về sức khỏe của người dân để theo đuổi sự phát triển kinh tế. Vì vậy, người dân đã đề nghị ông giải quyết tình trạng độc hại bao gồm ô nhiễm môi trường và nhiễm thủy ngân. 

Vào tháng 7 vừa qua, tổng giám đốc quản lý chất thải của Bộ Môi trường - Rosa Vivien Ratnawati đã đến thăm Tropodo và thừa nhận rằng việc đốt nhựa là cực kỳ nguy hiểm nhưng không có nỗ lực nào để kết thúc tình trạng này. 

Bà nói với các phóng viên rằng sẽ xem xét khả năng kiểm soát khói độc: “Nhựa đốt được sử dụng làm nguyên liệu không phải là vấn đề nhưng phải kiểm soát sự ô nhiễm”. Từ đó trở đi chính phủ không hề có một động thái nào. 

Đậu phụ nhiễm độc ở Indonesia: Món ăn rẻ tiền được sản xuất từ rác thải nhựa của Mỹ và có khả năng gây chết người - Ảnh 6.

Nhiều người dân vùng Tropodo nói rằng họ ghét việc đốt nhựa nhưng bất lực trong việc ngăn chặn. Các cơ sở sản xuất đậu phụ đã chuyển sang đốt nhựa thay vì củi như nhiều năm trước. Mỗi ngày, các cơ sở đều hoạt động không ngừng nghỉ, khi có chút gió, khói cay nồng tỏa khắp làng như một làn sương mù độc hại. 

Nanang Zainuddin, 37 tuổi, làm việc lại một lò sản xuất kế bên nhà ông Karnawi cho biết, chi phí của việc đốt nhựa rẻ hơn nhiều so với việc đốt củi gỗ. Ngoài ra, việc xử lý tro nhựa cũng đơn giản, chỉ cần chôn một số và rải trên mặt đất để tạo bề mặt phẳng là được. Ông cũng đưa một số cho hàng xóm để rải trên đất xung quanh nhà họ. 

“Bây giờ chúng tôi đang đứng trên đống tro tàn. Chất độc dioxin có thể đến từ bất kỳ đâu. Thế nhưng nếu chính phủ muốn giải quyết vấn đề này, thì họ sẽ luôn được hoan nghênh”, Nanang chia sẻ. 

Cựu thị trưởng thành phố Tropodo - Ismail, 50 tuổi, là một nhà sản xuất đậu phụ đã từng cấm đốt nhựa vào năm 2014, tuy nhiên lệnh cấm của ông chỉ kéo dài được vài tháng, sau đó người ta vì lợi nhuận mà tiếp tục “ngựa quen đường cũ”.

(Nguồn: The New York Times)