Đấu trường La Mã được xây dựng từ năm 72, dưới thời trị vì của hoàng đế La Mã Vespasian (9-79). Công trình này hoàn thành vào năm 80 dưới sự thống trị của hoàng đế Titus. Khi công trình này hoàn thành, lễ khánh thành đã được tổ chức suốt 100 ngày và 100 đêm.
Hoàng đế Vespasian đã đặt tên cho đấu trường La Mã này theo tên triều đại của ông, đó là Flavian. Trên thực tế, đấu trường này là nhà hát tròn La Mã lớn nhất vào thời điểm hoàn thành, với chiều dài 188 m, chiều rộng 156 m. Khu đấu trường có kích thước rộng tới 83 x 48 m, bao gồm một sàn gỗ cứng phủ đầy cát nằm bên trên một công trình ngầm phức tạp được gọi là hypogeum (có nghĩa là "dưới lòng đất" trong tiếng Hy Lạp).
Vật liệu làm nên sức mạnh của Đấu trường La Mã
Theo các chuyên gia, Hypogeum không phải là một phần của công trình ban đầu, thay vào đó hoàng đế Domitian ra lệnh xây dựng. Trên thực tế, khi xây dựng cấu trúc này, người La Mã cổ đại đã hướng tới việc xây một nhà hát tròn mà không bị ảnh hưởng bởi chính trọng lượng của nó.
Chính vì vậy, người La Mã đã thiết kế đấu trường như một cấu trúc gồm toàn các vòm. Theo đó, có 240 mái vòm đã được sử dụng, mỗi tầng có 80 mái vòm. Đặc biệt, vành đai hướng tải trọng được thiết kế sang hai bên, sau đó đến các cột đỡ ở bên dưới.
Các chuyên gia nhận định, vòm là một yếu tố kiến trúc vững chãi nhưng cần phải có một vật liệu bền chắc hỗ trợ. Kết quả, người La Mã tìm thấy vật liệu này là bê tông từ cát núi lửa và đá vôi. Bê tông chính là vật liệu giúp duy trì Đấu trường La Mã.
Ngoài ra, người La Mã còn sử dụng các vật liệu khác như đá và gạch. Với kích thước bên ngoài là 188 m x 156 m, chiều cao hơn 48 m, Đấu trường La Mã chính là nhà hát tròn lớn nhất từng được xây dựng.
Thiết kế đặc biệt, có cả thang máy chuyên dụng
Những hàng ghế khán giả trong công trình này được xây dựng trên bộ khung nhân tạo dạng tổ ong, nơi các hành lang, cầu thang và đường dốc ngăn cách với nhau bằng các cột đá. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các sàn chứa băng ghế thực chất là rỗng bên dưới. Chúng bao gồm một hệ thống hai hành lang vòm bán trụ trên sàn nhà. Những hàng khán giả này cũng được phân cấp chỗ ngồi giống như hầu hết các công trình giải trí vào thời điểm đó.
Cụ thể, mặt phía trước dành riêng cho viện nguyên lão La Mã gọi là podium. Khu vực khán đài ở phía sau họ dành cho các thương nhân La Mã gọi là primum. Trong khi đó, hai hàng ghế ở phía sau dành cho các công dân bình thường của La Mã, được gọi là secundum.
Ngoài ra, ở phần trên và được phân bổ sau là khu vực summum dành cho các công dân nghèo nhất của La Mã.
Bên ngoài của đấu trường có các hành lang bao quanh. Chúng được thiết kế đóng khung nhờ các loại cột Doric, Lonic và Corinthian theo trật tự. Cấu trúc cột của Đấu trường La Mã đóng vai trò làm nền tảng cho một nguyên tắc kiến trúc thời Phục Hưng, gọi là tập hợp các trật tự.
Bên cạnh đó, Đấu trường La Mã còn có các vòm ở bên ngoài và một số mái vòm này có hành lang tiếp tục dẫn vào trong. Đặc biệt, tất cả vòm ở các tầng trên của công trình đều có tượng đấu sĩ. Bên trong cũng có nhiều phòng và lối đi được xây dựng với sàn gỗ bao phủ. Tại khu vực này, các đấu sĩ và động vật đứng chờ trước buổi biểu diễn.
Do phải tạo ra hệ thống thiết thực nhất cho hàng loạt cuộc đấu diễn ra thoải mái, người La Mã cũng đã thành công xây dựng một hệ thống thang máy. Hệ thống này được đánh giá là rất sáng tạo vào thời kỳ đó.
Cụ thể, dưới đấu trường có một hệ thống thang máy để vận chuyển động vật. Theo đó, động vật được đưa vào lồng và các công nhân sẽ đưa chúng lên đấu trường. Khi chiếc lồng lên đến đấu trường, các chốt khóa sẽ mở ra và các con vật này bước vào cuộc chiến.
Tóm lại, Đấu trường La Mã là một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng và rất quan trọng với Cơ Đốc giáo. Thế nhưng, công trình này cũng trở thành mục tiêu của những kẻ cướp đá, bị động vật và thời gian bào mòn. Gần 2.000 năm đã trôi qua, công trình này vẫn trường tồn bất chấp mọi hư hại đã qua.