Cha mẹ nào cũng hy vọng con cái lớn lên sẽ có triển vọng, thành công vượt trội. Trong điều kiện vật chất khá đầy đủ như hiện nay, nhiều phụ huynh không tiếc tiền đầu tư công sức, thời gian cho con theo học đủ lớp năng khiếu để hiện thực hóa mục tiêu này. Điều này không có gì sai, nhưng kỳ vọng đến mức quá áp đặt có thể khiến con em rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, mất đi động lực học tập...
Dương Lan là người dẫn chương trình CCTV nổi tiếng ở Trung Quốc. Cô tốt nghiệp Đại học Columbia và giành được nhiều danh hiệu trong sự nghiệp. Không chỉ xuất sắc trong công việc, cô còn được ngợi khen trong lĩnh vực nuôi dạy con cái.
Tự nhận mình là người theo chủ nghĩa truyền thống nhưng Dương Lan không đặt nặng thành tích học tập của con. Thay vào đó, cô coi trọng việc dạy con hiếu thảo, tử tế với mọi người xung quanh. Cả hai vợ chồng thống nhất tạo những điều kiện tốt nhất cho con cái học tập, nhưng không có nghĩa là ép con hay đặt toàn bộ kỳ vọng vào chúng.
Khi con trai 5 tuổi, Dương Lan đã đăng ký cho con vào một lớp học piano, nhưng đứa trẻ không muốn. Để vun đắp niềm yêu thích âm nhạc, bà mẹ này còn đưa con đến một buổi hòa nhạc. Nhưng nữ MC phát hiện ra rằng đứa trẻ không thể ngồi yên sau 20 phút.
Khi được hỏi cảm thấy thế nào về buổi hòa nhạc, cậu con trai trả lời: "Chán lắm". Lúc cậu bé 7 tuổi, Dương Lan đã bị sốc trước câu nói của con: "Mẹ ơi, con muốn đập nát đàn piano". Lúc này, bà mẹ nổi tiếng mới hiểu con trai thật ra không thích âm nhạc. Cô không còn bắt con học đàn nữa, thay vào đó, khi phát hiện đứa trẻ khá thích vẽ tranh, Dương Lan bắt đầu cho con học hội họa.
Dương Lan hy vọng rằng con mình sẽ là một người hạnh phúc và có thể mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh. Vì vậy, cô chú ý nhiều hơn đến việc trau dồi tinh thần yêu thể thao, giàu lòng nhân ái, diễn đạt tốt và có khiếu hài hước thay vì ép con học điều không muốn. Cô trượt băng và chạy bộ cùng các con, vì những đứa trẻ mê mẩn "Hoàng tử quần vợt" nên đề nghị được học môn thể thao này.
Cha mẹ cần lưu ý những gì khi đăng ký cho con tham gia các lớp học năng khiếu?
1. Đừng chạy theo xu hướng
Không ít bậc phụ huynh quan niệm, độ tuổi mầm non là giai đoạn hình thành nên trí thông minh của trẻ vì vậy cần cho con học thật nhiều môn năng khiếu để phát hiện ra tài năng của con. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh đăng kí cho con mình tham gia chỉ bởi theo… phong trào, thấy con hàng xóm học được thì con mình cũng phải theo.
Tuy nhiên, từ mục đích cho con được tiếp xúc nhiều kiến thức mới thì phụ huynh sẽ vô tình bỏ lỡ năng khiếu thực sự, làm thui chột đi khả năng vốn có ở trẻ. Hơn thế, việc làm này còn tác động tiêu cực đến tâm lý cho trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy nhàm chán, áp lực, có tâm lý phản kháng, hiệu quả học tập sẽ không cao.
2. Đừng "mua chuộc" con bằng quà cáp
Một số phụ huynh còn “mua chuộc” con đi học bằng cách hứa mua cho con những món quà vật chất, điều này nảy sinh ra tâm thế thụ động, ỷ lại cho bé. Trẻ sẽ không có chính kiến và bị “dụ” thực hiện theo ý bố mẹ như một “con rối”. Cứ thế lặp đi lặp lại, dần dần, trẻ sẽ hình thành nên lối sống hời hợt, làm cái gì cũng không chuyên tâm vào một vấn đề. Có hứng thú, trẻ mới có động lực học tập.
3. Phát hiện sớm năng khiếu của con
Phụ huynh phải kiên nhẫn trong việc giáo dục con cái song song với việc phối hợp với thầy cô giáo, những người có chuyên môn để xác định ra đúng năng khiếu, tiềm năng của bé thông qua các hoạt động hàng ngày.
Quan sát để phát hiện một số dấu hiệu con có năng khiếu đặc biệt như: Trẻ sớm có khả năng đọc, học và hiểu mọi thứ một cách nhanh chóng; Trẻ hăng say vào chủ đề mình quan tâm mà không chú ý đến những gì xảy ra xung quanh; Có khả năng tư duy trừu tượng, có dấu hiệu sáng tạo và phát minh; Phát triển sớm các kỹ năng vận động như thăng bằng, phối hợp và di chuyển; Tìm thấy niềm vui khi khám phá những điều mới mẻ hay khi học được khái niệm mới...