Với quan điểm "đầu tư trí thức là đầu tư bền vững", đứng trước lựa chọn trường công - trường tư, nhiều phụ huynh dù điều kiện kinh tế không mấy dư dả vẫn quyết dè sẻn chi tiêu, tiết kiệm hết mức có thể để con được trưởng thành trong môi trường quốc tế.

Chắc hẳn bạn còn nhớ câu chuyện cả nhà ngủ chung trên 1 chiếc giường, không dám mua gì ngoài kem đánh răng, băng vệ sinh, tiền dồn hết cho con học trường quốc tế. Hay trước đó là trường hợp tranh cãi: "Con học tiền tỷ, cha mẹ sống trong căn phòng 15m2 và đi xe máy suốt 10 năm" của một bà mẹ ở TP.HCM nhận về hàng nghìn bình luận.

Trên thực tế, không thể phủ nhận những ưu điểm trường quốc tế, song ngữ mang lại. Ở những trường này, môi trường giáo dục và chương trình học tốt, trẻ được tôn trọng, được chăm sóc và giáo dục toàn diện, kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp và làm việc nhóm tốt, thể lực tốt.

Trẻ thường vui vẻ, tự tin, được học dưới nhiều hình thức đa dạng. Và do trẻ học chung với học sinh quốc tế khác nên các em sớm quen với sự đa dạng văn hóa và tạo dựng những mối quan hệ đa quốc gia. Tỉ lệ học sinh ở các trường này thi đậu vào các trường top ở nước ngoài cũng khá cao.

Tuy nhiên, “trường quốc tế” cũng không phải toàn “màu hồng” như tưởng tượng của nhiều bậc phụ huynh. Nếu không có sự đồng hành, dạy dỗ kịp thời của cha mẹ, thì dù chi tiền tỷ, rất có thể con trẻ sẽ lạc lối khi có những vấn đề đôi khi phụ huynh không lường trước được.

Đầu tư tiền tỷ cho con, nhiều cha mẹ "tiến thoái lưỡng nan" vì con nửa Tây nửa ta, gia đình không ai giao tiếp được - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

01. 

Con chỉ nói tiếng Anh, cha mẹ cũng khó giao tiếp

Mới đây, clip của một tiktoker chia sẻ về việc một bà mẹ tự hào chia sẻ "con gái học trường quốc tế từ nhỏ" nên không nói được tiếng Việt thu hút sự chú ý. Quả thật, trong clip, chỉ khi người đối diện hỏi bằng tiếng Anh, cô bé khoảng 12, 13 tuổi mới trả lời được câu hỏi. Trước kiến thức đơn giản như "Điện Biên Phủ", nữ sinh này cũng hoàn toàn mù tịt.

Sinh ra ở Việt Nam, sống ở Việt Nam nhưng không nói được tiếng Việt như cô bé trên không còn là trường hợp hiếm. Nhiều đứa trẻ từ nhỏ đã học, nghe toàn chương trình tiếng Anh, đến khi vào học trường quốc tế cũng chỉ trao đổi toàn bằng ngoại ngữ, vì vậy các em khó giao tiếp với những người cùng quê hương với mình, thậm chí là ngay cả với bố mẹ. Dù vậy, nhiều người luôn nói: "Nó chỉ nói tiếng Anh thôi, không biết tiếng Việt" như một niềm tự hào.

Tuy nhiên, những khác biệt này cũng thách thức cả với chính phụ huynh, khi những khoảng cách về thế hệ và trình độ ngoại ngữ khiến họ lắm lúc chẳng hiểu con đang trò chuyện những gì với bạn bè.

Phụ huynh một học sinh theo học trường quốc tế tâm sự: "Gần nhà tôi có nhiều phụ huynh không giao tiếp được với con, không dạy con được vì không nói được tiếng Anh. Con lại không nói rành tiếng Việt vì học trường quốc tế". Để con có thể giao tiếp tốt tiếng Anh mà không bị quên tiếng mẹ đẻ, nhiều phụ huynh yêu cầu con phải giao tiếp với các thành viên trong gia đình bằng tiếng Việt, nghiêm cấm sử dụng tiếng Anh hoặc đăng ký cho con các lớp học bồi dưỡng tiếng Việt. Thậm chí trớ trêu hơn, có người phải đăng ký học tiếng Anh để có thể nói chuyện được với con.

Nhiều người lo ngại, học cao, trình độ cao, nói tiếng nước ngoài "như gió" trong khi tiếng mẹ đẻ thì hoàn toàn mù tịt và đang sống tại quê hương. Không khéo chúng ta "mất con" lúc nào mà không biết.

Con người phát triển nhân cách còn thông qua giao tiếp và ảnh hưởng lớn từ giáo dục. Làm sao dạy chúng về lòng yêu nước, về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha, về truyền thống văn hóa của dân tộc khi mà chúng không rành tiếng Việt.

Nói về vấn đề trẻ không sõi tiếng Việt, một chuyên gia nhận định, đây là biểu hiện của xâm thực văn hóa, sẽ ảnh hưởng tới tận gốc rễ văn hóa dân tộc. Hiện nay, nhiều phụ huynh coi trọng việc học ngoại ngữ, thậm chí xem đó là chìa khóa then chốt cho thành công của con em trong tương lai. Nhưng có nhiều trường hợp cho con học ngoại ngữ quá sớm, làm trẻ quên hoặc sử dụng tiếng Việt rất kém, khiến phụ huynh lo lắng.

"Tôi thấy nhiều phụ huynh còn hạn chế dùng tiếng Việt để giao tiếp với con trong gia đình. Thay vào đó, họ sử dụng tiếng ngoại quốc với suy nghĩ tạo môi trường thuận tiện hơn cho con học ngoại ngữ. Nhưng đến nay, nhiều phụ huynh đã vỡ lẽ, khi thấy con em mình đi du lịch có thể đọc trôi chảy các bảng chỉ dẫn bằng tiếng nước ngoài mà "đọc vấp" dòng chữ tiếng Việt đi kèm. Sự hãnh diện về năng lực ngoại ngữ của con em nay đã dần chuyển sang ái ngại", người này nói.

Một nghịch lý là nhiều gia đình Việt Nam khi định cư ở nước ngoài, họ vẫn cố gắng tạo môi trường tốt nhất có thể để duy trì "tiếng mẹ đẻ" cho con mình, nhắc nhở con nhớ về nguồn cội. Trong khi đó, nhiều gia đình ở Việt Nam lại tìm mọi cách để con mình nói sõi tiếng Anh mà không mấy chú trọng đến tiếng Việt. Khi giáo dục mở cửa để hội nhập thì các trường quốc tế xuất hiện là tất yếu. Nhưng để vào học những trường này, nhất thiết những đứa trẻ Việt phải có một nền tảng cơ bản về ngôn ngữ mẹ đẻ để tránh hòa tan.

02.

Con học trường quốc tế, cha mẹ không "cãi lại" nổi

Từng có một phụ huynh ở TP.HCM  cho biết, vì muốn con sớm được tiếp cận với văn hóa các nước để thuận tiện đi du học sau này, nên đã cho con theo học trường quốc tế từ cấp 1. Thời gian đầu, chị rất tự hào vì con tự lập, tính độc lập cao và rất dạn dĩ, không nhút nhát như các bạn đồng trang lứa.

Tuy nhiên lên cấp 2, do tiếp xúc với môi trường quốc tế từ nhỏ, tính cách con rất thích thể hiện bản thân, thậm chí gay gắt tranh luận với bố mẹ. Đặc biệt, mỗi lần muốn giải thích vấn đề nào đó hoặc khi tranh luận với bố mẹ, cháu lại không thể nói bằng tiếng Việt mà sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh. Việc ứng xử thái quá như vậy làm chị rất lo lắng.

Để "ghìm" con lại, bà mẹ cố gắng duy trì lối dạy con của Việt Nam, để con hiểu rằng bố mẹ sẽ dành cho con tình yêu vô điều kiện, sẽ bảo vệ con mọi lúc và sẽ cố gắng thấu hiểu con, nhưng bố mẹ không thể là người "bằng vai phải lứa" với con. Dù quan hệ gia đình cởi mở và tự do đến đâu, con cái vẫn phải biết nể trọng cha mẹ.

Một ông bố khác chia sẻ, anh rất bất ngờ khi nhiều người nhìn con anh mà đoán được ngay rằng thằng bé học ở trường quốc tế. Hỏi mới biết là do bé có cách ứng xử "Tây quá". Cách xưng hô "I - you" trong tiếng Anh mà bé dùng cho cả người Việt đã khiến người lớn cảm thấy không được tôn trọng, và cho rằng bé không phải là trẻ ngoan theo kiểu "gọi dạ bảo vâng".

03. 

Có điều kiện học trường quốc tế tất nhiên rất tốt, nhưng...

Nếu phụ huynh muốn con em có một môi trường giáo dục tốt và chất lượng thì việc chọn các trường quốc tế là không sai. Nhưng điều quan trọng là phải tìm hiểu kĩ chương trình học để có thể lựa chọn thời điểm hoặc có những sự bổ sung cần thiết, nhằm chuẩn bị cho con em nền tảng tiếng Việt thật tốt. Vì bất cứ nền văn hóa hay môn ngoại ngữ nào khi các em tiếp nhận cũng đều phải cần dựa trên cái nôi ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, học ở đâu thì học, công hay tư, trường "thường" hay trường quốc tế thì cha mẹ vẫn phải dành thời gian để đồng hành cùng con mỗi ngày. Thứ chúng ta cần giúp con chính là xây dựng cho con sự yêu thích, say mê học tập, khám phá thế giới, thấu hiểu bản thân thông qua quá trình tìm tòi, khám phá và học hỏi, chúng ta tôn trọng con nhưng phải có chừng mực, giới hạn nhất định. Để mỗi ngày trôi qua con hiểu hơn con là ai, con thích làm gì, con muốn trở thành người như thế nào, con muốn mang lại giá trị gì để phục vụ cho xã hội... 

Dù học trường gì đi chăng nữa nếu không có sự nỗ lực của con, sự đồng hành của cha mẹ thì con sẽ không tài nào thành công trong tương lai được.

Cuối cùng, việc chọn trường quốc tế hay không là một quyết định cá nhân và phụ thuộc vào mục tiêu giáo dục của gia đình. Quan trọng nhất vẫn là sự phù hợp. Chỉ khi đã xem xét kỹ lưỡng và lựa chọn cẩn thận, phụ huynh mới có thể đảm bảo rằng quyết định của mình là đúng đắn với năng lực và hợp lý cho sự phát triển toàn diện của con cái. Bởi lẽ, ngoài nhiều lợi ích, nhưng cũng đi kèm với những thách thức nhất định.