Gan là một cơ quan quan trọng, thực hiện nhiều chức năng của cơ thể bao gồm sản xuất mật để giúp tiêu hóa thức ăn, lưu trữ sắt, tạo ra các chất giúp đông máu và chống nhiễm trùng bằng cách loại bỏ độc tố ra khỏi máu. Gan cũng tạo ra protein cho cơ thể và chuyển hóa chất dinh dưỡng thành năng lượng.
Bệnh gan nhiễm mỡ là một tình trạng phổ biến xảy ra khi có quá nhiều chất béo tích tụ trong gan. Thông thường, ở trạng thái khỏe mạnh, gan có chứa một lượng nhỏ chất béo. Nhưng khi chất béo chiếm 5-10% trọng lượng của gan sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Các giai đoạn của bệnh gan nhiễm mỡ
Bệnh gan nhiễm mỡ tiến triển qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên, gan bị viêm do nhiễm mỡ. Lúc này, các mô gan bắt đầu bị tổn thương.
Giai đoạn 2, khi mô sẹo bắt đầu hình thành xung quanh vùng bị tổn thương gọi là quá trình xơ hóa.
Giai đoạn 3 là xơ gan xảy ra khi mô sẹo lan rộng thay thế tất cả các mô khỏe mạnh, gây tổn thương gan nghiêm trọng. Các mô sẹo cứng này có thể làm chậm quá trình hoạt động của gan, dẫn đến suy gan hoặc ung thư gan.
Gan nhiễm mỡ có gây đau không?
Bệnh gan nhiễm mỡ thường không có những triệu chứng dễ nhận biết hay những cơn đau rõ rệt cho đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn cuối là xơ gan. Tuy nhiên, cơn đau ở vùng bụng trên, bên phải, dù nhẹ cũng là một dấu hiệu cảnh báo.
Cường độ đau thường thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh và sẽ đau trầm trọng hơn ở giai đoạn cuối.
Trẻ em bị gan nhiễm mỡ thường bị đau ở phần trên, bên phải của dạ dày, ngay bên dưới khung xương sườn. Ở người lớn, khi gan nhiễm mỡ tiến triển đến giai đoạn viêm sẽ dẫn đến triệu chứng gan to.
Dù gan là cơ quan nội tạng lớn nhất nhưng việc xác định chính xác cơn đau có phải do gan gây ra hay không là điều không hề đơn giản. Nhiều người thường bị nhầm lẫn cơn đau ở gan nhiễm mỡ với đau dạ dày. Do đó, để xác định chính xác bệnh, tốt hơn hết bạn nên đi khám nếu thấy cơn đau xuất hiện thường xuyên, đặc biệt nếu có thêm các triệu chứng như:
- Mệt mỏi, kiệt sức không rõ nguyên nhân
- Buồn nôn, chán ăn
- Sưng bụng, phù tay hoặc chân
- Giảm cân nhanh
- Vàng da, vàng mắt
Nguyên nhân dẫn tới gan nhiễm mỡ
Có nhiều yếu tố có thể dẫn tới tích tụ mỡ trong gan và gây bệnh gan nhiễm mỡ. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh là:
- Thừa cân, béo phì
- Bị đái tháo đường loại 2 hoặc kháng insulin
- Mắc một số hội chứng chuyển hóa, ví dụ như huyết áp cao, mỡ máu cao
- Dùng một số loại thuốc hoặc steroid
- Lạm dụng rượu bia
Hiện tại, không có loại thuốc hoặc phương pháp điều trị cụ thể nào dành cho bệnh gan nhiễm mỡ. Chính vì thế, việc phòng ngừa bệnh nên được đặt nên hàng đầu.
Giảm cân là lựa chọn tốt nhất để giảm sự tiến triển của căn bệnh này. Tuy nhiên, giảm cân quá nhanh có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Không uống rượu cũng có thể giúp ích cho những người đang ở giai đoạn đầu của bệnh gan nhiễm mỡ do rượu.
Để điều trị gan nhiễm mỡ, bác sĩ có thể kê thuốc hoặc phẫu thuật ghép gan đối với các trường hợp bệnh nặng như suy gan do gan nhiễm mỡ.
Ngoài ra, việc thay đổi lối sống cũng rất quan trọng để điều trị gan nhiễm mỡ, cụ thể:
- Tránh uống rượu
- Có chế độ ăn uống cân bằng
- Tiêu thụ những phần thức ăn nhỏ hơn
- Hoạt động thể chất thường xuyên