Với phụ nữ, cảm giác căng tức hoặc đau nhẹ ở vùng ngực trước kỳ kinh nguyệt là điều khá quen thuộc. Hiện tượng này thường được xem là một phần tự nhiên của chu kỳ "đèn đỏ". Tuy nhiên, không ít người bắt đầu lo lắng liệu cơn đau này có phải là dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư vú hay không.

Ngày nay, ung thư vú có xu hướng trẻ hóa, vì vậy việc phân biệt giữa triệu chứng thông thường và dấu hiệu nguy hiểm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Đau "vòng một" trước kỳ "đèn đỏ" liệu có phải triệu chứng đáng ngờ của ung thư vú? BS ung bướu giải đáp SỰ THẬT - Ảnh 1.

Vậy đau ngực trước kỳ kinh có phải là điều đáng lo ngại? Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, giảng viên trường Đại học Y dược - Đại học Quốc gia, Hà Nội) sẽ giải đáp về vấn đề này.

PV: Thưa bác sĩ, hiện tượng đau ngực trước kỳ "đèn đỏ" liệu có phải là dấu hiệu cần cảnh giác của bệnh ung thư vú?

Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn: Đau ngực là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ trước kỳ kinh nguyệt. Dù hiện tượng này chỉ kéo dài vài ngày nhưng nó có thể gây ra cảm giác vô cùng khó chịu.

Đau ngực theo chu kỳ thường không phải là triệu chứng của ung thư vú, đặc biệt nếu bạn không có triệu chứng liên quan nào khác. Một nghiên cứu lớn trên toàn cầu cho thấy trong số những phụ nữ tìm đến trung tâm y tế vì triệu chứng đau ngực, chỉ có 0,2% bị ung thư vú.

PV: Nếu đau ngực và cảm thấy lo lắng về nguy cơ mắc ung thư vú của mình thì chị em nên làm gì thưa anh?

Đau "vòng một" trước kỳ "đèn đỏ" liệu có phải triệu chứng đáng ngờ của ung thư vú? BS ung bướu giải đáp SỰ THẬT - Ảnh 2.

Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn.

Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn: Nếu bạn lo lắng về tình trạng đau ngực hàng tháng và không chắc liệu nó có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của mình hay không, hãy thử ghi lại bằng một biểu đồ. Đánh giá mức độ nghiêm trọng của cơn đau, cũng như thời điểm nó bắt đầu và kết thúc. Điều này giúp làm rõ liệu cơn đau của bạn có mang tính chu kỳ hay không, đồng thời thu hẹp các nguyên nhân tiềm ẩn.

Nếu cơn đau "vòng một" không thuyên giảm và khiến bạn khó chịu nhiều hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Bác sĩ có thể tiến hành khám lâm sàng, chụp quang tuyến vú, nghiên cứu siêu âm hoặc MRI (nếu bạn có nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn).

Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú cũng làm tăng nguy cơ. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là hầu hết phụ nữ mắc bệnh ung thư vú đều không có tiền sử gia đình mắc bệnh.

PV: Vậy có dấu hiệu nào thì chị em cần cảnh giác với bệnh ung thư vú?

Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn: Ngoài đau ngực thì chị em nên quan sát đến những thay đổi ở da vú và núm vú. Các thay đổi này có thể là da dày lên và trở nên sần sùi, hoặc da vú căng mọng, kèm theo đỏ, có thể đau, hoặc núm vú bị kéo tụt vào trong.

Một dấu hiệu khác là chảy dịch/máu ở đầu ngực. Nếu đầu ngực tự nhiên chảy dịch hoặc chảy máu, có thể kèm theo đau hoặc không, đặc biệt là khi các bất thường này chỉ xuất hiện ở một bên vú... thì nên đến bệnh viện để được thăm khám.

Đau "vòng một" trước kỳ "đèn đỏ" liệu có phải triệu chứng đáng ngờ của ung thư vú? BS ung bướu giải đáp SỰ THẬT - Ảnh 3.

Ngoài ra, hãy đi khám khi thấy khối bất thường ở vú hoặc ở nách. Các khối này có thể cố định hoặc di động; kích thước khác nhau và ranh giới có thể khó xác định; có thể đau hoặc không đau.

Các chị em nên lưu ý rằng, để tự phòng tránh căn bệnh này thì hãy chủ động tự khám ngực tại nhà hoặc đến khám tại các cơ sở chuyên khoa uy tín định kỳ.

PV: Đau ngực có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ, vậy có giải pháp gì để chị em giảm được cảm giác khó chịu này trước kỳ kinh không?

Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn:

Nếu triệu chứng đau ngực chỉ đơn giản là dấu hiệu sắp đến kỳ "đèn đỏ", thì chị em có thể áp dụng một số cách dưới đây:

- Thay đổi loại áo nâng ngực

Thay vì mặc áo ngực có gọng, bạn nên chọn loại áo lót thoải mái và hỗ trợ tốt để giảm đau ngực. 

- Thay đổi chế độ ăn uống

Muối, caffeine và rượu dẫn đến tình trạng giữ nước có thể gây viêm ở ngực. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tránh chúng vào những ngày có kinh.

- Chườm lạnh

Chườm lạnh hoặc chườm đá có thể khá hiệu quả trong việc kiểm soát chấn thương. Chườm túi nước đá lên ngực trong thời gian ngắn cũng làm giảm viêm và đau.

Đau "vòng một" trước kỳ "đèn đỏ" liệu có phải triệu chứng đáng ngờ của ung thư vú? BS ung bướu giải đáp SỰ THẬT - Ảnh 5.

- Massage nhẹ nhàng

Bạn không cần phải đến spa để được massage thư giãn mà có thể tự thực hiện tại nhà. Một chút xoa bóp nhẹ nhàng có thể cải thiện lưu lượng máu và giảm căng thẳng ở ngực.

- Tập thể dục

Khi bạn có kinh nguyệt, tập thể dục có lẽ là điều cuối cùng bạn nghĩ đến. Nhưng bạn nên tập những bài tập ít tác động như đi bộ để giảm đau và cải thiện tâm trạng.

- Sử dụng dầu hoa anh thảo, kết hợp omega-3

Dầu hoa anh thảo dùng vào buổi tối giúp làm giảm các triệu chứng đau ngực. Bạn có thể bắt đầu bằng cách thêm một vài giọt vào trà hoặc nước nóng để uống. 

Cảm ơn BS đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!