Công trình vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances, phát hiện ra rằng ngoài khơi bờ biển Newport bang Oregon, bốn lỗ thông hơi nhỏ đang liên tục sủi bọt và phun chất lỏng từ sâu bên trong đường đứt gãy của khu vực.

Đáy biển gần Mỹ thủng 4 lỗ, thứ chôn vùi 2 triệu năm trước thoát ra - Ảnh 1.

Các lỗ thủng bí ẩn dướiđáy biển - Ảnh: Science Advances

Theo Live Science, chúng nằm ở vị trí mà các mảng đại dương mang tên Explorer, Juan de Fuca và Gorda trượt dưới mảng lục địa Bắc Mỹ, trong một quá trình lớn và liên tục gọi là "kiến tạo mảng", điều đã khiến đất đai thế giới nhiều lần hợp thành siêu lục địa rồi lại phân tách trong suốt lịch sử hành tinh.

Điều này cũng khiến khu vực ranh giới các mảng liên tục có động đất - có khi lên tới 9 độ và có thể kèm sóng thần hơn 30 m.

Các lỗ nói trên chỉ rộng hơn 5cm nhưng bắt nguồn từ độ sâu gần 4 km, nơi các mảng kiến tạo gặp nhau.

Đáy biển gần Mỹ thủng 4 lỗ, thứ chôn vùi 2 triệu năm trước thoát ra - Ảnh 2.

Cận cảnh một trong các lỗ thủng bí ẩn - Ảnh: Science Advances

Sự thoát ra của chất lỏng này - dù từ những lỗ nhỏ bé - có thể ảnh hưởng đến cách các mảng tương tác với nhau, từ đó tác động đến cách thức và thời điểm xảy ra động đất trong khu vực, các tác giả lý giải.

Các lỗ bí ẩn này lần đầu tiên được phát hiện bởi ông Brendan Philip, một sinh viên lúc đó vừa tốt nghiệp Đại học Bang Washington, nay đã là cố vấn chính sách của Nhà Trắng. Đồng tác giả Evan Solomon, phó giáo sư về hải dương học từ Đại học Washington, cho biết hệ thống sonar của con tàu nghiên cứu trong chuyến đi của họ đã phát hiện ra các bong bóng nổi lên từ biển sâu.

Chất lỏng phun ra từ các lỗ ấm hơn 9 độ C so với nước biển, cho thấy chúng bắt nguồn từ phần sâu và nóng của lớp vỏ hành tinh giàu các khoáng chất như boron và lithium - tức lớp vỏ cổ đại đã bị chôn vùi 2 triệu năm trước.

Lấy được chất lỏng bí ẩn này sẽ giúp họ hiểu thêm về thế giới bị chôn vùi cũng như các hoạt động địa chất mãnh liệt trong khu vực, từ đó lập mô hình động đất chính xác hơn, dự báo các thảm họa trong tương lai.