HLV Trang Lê (Hà Nội) cho biết, đây có lẽ là câu nói mà cô được nghe nhiều nhất mỗi khi nói chuyện về tập luyện. Theo trực giác thông thường thì đây là điều dễ hiểu: Việc đặt một khối lượng nặng lên trên vai có thể ngăn cản sự phát triển của xương và gây nguy hiểm cho cột sống.
"Cho đến hiện tại theo như mình được biết, đã có rất rất nhiều nghiên cứu khoa học và không có bất kì kết luận nào ủng hộ cho "giả thuyết" được tin tưởng rộng rãi này. Trên thực tế, điều được chứng minh là ngược lại hoàn toàn. Mình xin phép dẫn ra 3 nghiên cứu được lưu trữ trong NCBI (US National Center for Biotechnology Information)", HLV Trang Lê nói. Cụ thể như sau:
1. Nghiên cứu về Bone Mineral Density - BMD (mật độ khoáng chất của xương) và Bone Mineral Content - BMC (khối lượng xương) được thực hiện bởi Department of Kinesiology, McMaster Uni, Canada
Trong thí nghiệm này, một nhóm các bạn nữ trong độ tuổi vị thành niên thực hiện resistance training (RT-tập tạ) bao gồm cả Squat trong vòng 26 tuần. Kết quả từ các công cụ đo đạc có 2 điều đáng chú ý. Thứ nhất, RT hoàn toàn không gây bất kỳ tác dụng xấu nào lên xương sống lưng, bone mineral content (BMC) hoặc bone mineral density (BMD).
Thứ hai, tất cả các chỉ số này đều tăng lên theo chiều hướng tích cực. Điều này có nghĩa là quá trình Squat không chỉ làm tăng sức mạnh, mà còn tăng độ chắc khỏe của xương, giảm thiểu các nguy cơ chấn thương sau này và hỗ trợ sự phát triển chứ không phải ngược lại.
Squat không chỉ làm tăng sức mạnh, mà còn tăng độ chắc khỏe của xương, giảm thiểu các nguy cơ chấn thương.
2. Nghiên cứu về sự tác động của lực (đến từ tạ) lên xương sống lưng được thực hiện bởi Surgical Neurology Branch, National Institutes of Health, USA
Tiền đề là giả thuyết: một lực tác động lớn lên xương sống lưng có thể gây nên nguy hiểm và dẫn đến gãy xương. Để kiểm chứng, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm đối với người đang giữ kỉ lục thế giới về Squat (đàn ông) với mức tạ phải nâng >469kg. Tất cả các chỉ số có thể đo được đều cho ra kết quả tích cực: BMD đạt mức cao nhất.
Trong thời điểm đó, hoàn toàn không có bất kì ảnh hưởng nào đến cơ thể, kể cả nồng độ testosterone. Trong khi đó, lực mà xương sống của người này phải chịu gấp đôi lực tác động được đưa ra của giả thuyết ban đầu. Như vậy, có thể kết luận rằng: Squat đúng không hề có bất kì tác động tiêu cực nào lên xương và sức khỏe.
Squat đúng không hề có bất kì tác động tiêu cực nào lên xương và sức khỏe.
3. Nghiên cứu về tác động của tập tạ lên mật độ xương của đàn ông trong độ tuổi trẻ được thực hiện bởi Department of Epidemiology, National Institute for Longevity Science, Japan
Thí nghiệm này được thực hiện trên 10 người đàn ông đã tập tạ. Một lần nữa, kết luận giống hệt 2 thí nghiệm trên, có nghĩa là có sự tác động tích cực lớn của tập tạ lên sức mạnh và độ chắc khỏe của xương, không chỉ xương sống lưng mà toàn bộ cơ thể.
"Do đó, việc tập tạ khiến chúng ta lùn đi hoàn toàn không có căn cứ. Tuy nhiên vẫn phải khẳng định rằng chỉ khi tập tạ đúng cách mới có thể có được những ảnh hưởng tích cực, còn tập sai thì chắc chắn sẽ chấn thương và không có sự phát triển cơ bắp", HLV Trang Lê khẳng định.
Cũng cần nói thêm, chiều cao của mỗi người được quy định 60-80% do gen, 20-40% do các yếu tố ngoại cảnh như môi trường, dinh dưỡng… Điều này nói lên rằng chiều cao phụ thuộc rất lớn vào tính di truyền và phụ thuộc vào từng dân tộc/giới tính.
Chiều cao của mỗi người được quy định 60-80% do gen, 20-40% do các yếu tố ngoại cảnh như môi trường, dinh dưỡng…
Queensland Institute of Medical Research ở Úc đã kết luận tính di truyền của chiều cao là 80% dựa trên 3375 cặp sinh đôi và anh chị em ở Úc. Ở Mỹ, con số này cũng là 80% đối với người da trắng. Tại Phần Lan là 78% với đàn ông và 75% với phụ nữ dựa trên 8798 cặp sinh đôi.
Trong khi đó đối với người châu Á, dựa trên số liệu từ 385 gia đình Trung Quốc, tính di truyền chỉ chiếm 65% trong việc quyết định chiều cao. Ngay cả khi như vậy, sự phụ thuộc vào các yếu tố môi trường vẫn chỉ đem lại khác biệt khoảng 3 cm so với chiều cao đã được tính toán từ trước.
Tuy nhiên do hiện tại các yếu tố như dinh dưỡng, khí hậu… chịu ảnh hưởng nhiều từ con người, nên sự tác động của ngoại cảnh đến gen là tương đối lớn. Dù có vậy đi chăng nữa thì kết luận trên vẫn không thay đổi quá nhiều. Do đó, nếu muốn tập tạ nhưng lại lo giảm chiều cao thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm điều này thiếu căn cứ nhé!