
Nghiên cứu cho thấy, sự hào phóng giải phóng endorphin hạnh phúc cho não bộ, giúp giảm căng thẳng. Ảnh minh họa.
Sự hào phóng ở những khía cạnh khác cũng góp phần mang lại hạnh phúc cho cuộc sống của trẻ sau này.
Nếu được dạy dỗ và nhắc nhở mỗi ngày, khái niệm hào phóng tự nhiên sẽ in sâu vào tâm trí trẻ. Khi gặp bất cứ sự việc gì, việc đầu tiên trẻ nghĩ đến là phải hào phóng.
Niềm vui của sự “cho đi”
Hầu hết các bậc cha mẹ và giáo viên đều dạy trẻ phải biết rộng lượng với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, ở độ tuổi còn non nớt, trẻ chưa thực sự hiểu được nghĩa của từ hào phóng. Trẻ chỉ hiểu đơn giản rằng, hào phóng là trong mọi trường hợp, cần biết chia sẻ và giúp đỡ người khác.
Song, thực tế, hầu hết trẻ em đều có một điểm chung về những điều chúng thích, đó là muốn sở hữu và không thích san sẻ cho ai. Điều này cũng khiến nhiều cha mẹ đề cao việc giáo dục con biết chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng, đối với trẻ 2 tuổi, hào phóng có nghĩa là chia sẻ - điều mà bé không muốn làm nhất. Niềm vui của bé lúc này thường dựa vào đồ chơi và quyền sở hữu của bản thân, chứ không phải là chia sẻ đồ chơi để người khác vui.
Nhà tâm lý học người Mỹ Paul Coleman từng nói: “Chúng ta nghĩ rằng, đồ chơi chỉ là một chú lính chì nhỏ hoặc chỉ là một con búp bê, nhưng đối với bé, chúng là tất cả”.
Một em bé ở tuổi tập đi (từ 1 - 3 tuổi) có thể tập chia sẻ ngay từ rất sớm. Điều đó chỉ có nghĩa là bé sẽ để bạn bè nhìn và sờ vào một thứ quý báu của bé, và vẫn nắm chắc trong tay chứ không đưa cho người khác. Mặc dù, bé không nhường đồ chơi, nhưng cha mẹ cần khen ngợi và thừa nhận khi trẻ vui lòng khoe đồ chơi với bạn bè.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, sự hào phóng giải phóng endorphin hạnh phúc cho não bộ, giúp giảm căng thẳng và kéo dài cuộc sống của con người. Vì thế, việc dạy trẻ tính rộng rãi để hưởng thụ niềm vui của sự “cho đi” là điều vô cùng quan trọng.
Sự hào phóng là một khái niệm xuất phát từ tiếng Latinh, đề cập đến xu hướng cho đi và chia sẻ về lợi ích cá nhân mà không đòi hỏi phải nhận lại tương xứng. Đó là một đức tính và một giá trị đạo đức tích cực của con người, có thể có mối liên kết với lòng vị tha, nhân hậu và thiện nguyện.
Sự hào phóng không chỉ thể hiện qua tiền bạc hay của cải vật chất. Một ai đó cũng có thể hào phóng với chính thời gian của mình, dùng thời gian ấy để cống hiến hết mình cho công việc nào đó mà không yêu cầu được nhận lại bất cứ điều gì.
Có thể nói, sự hào phóng mang lại lợi ích chung cho xã hội. Người hào phóng không yêu cầu phần thưởng cho hành động của mình và họ sẽ làm những việc đúng, việc tử tế, công bằng. Nếu tất cả con người đều hào phóng thì chúng ta sẽ góp một phần năng lượng tích cực cho xã hội, thế giới từ đó cũng trở nên tốt đẹp hơn.
Sự hào phóng được thể hiện bởi việc cho đi những điều tốt đẹp một cách tự nguyện mà không bị cấm đoán hay ngăn cản. Sự hào phóng được thể hiện qua các cách khác nhau, phụ thuộc vào hoàn cảnh sống của mỗi người, như cho đi tiền bạc, thời gian, sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần (như khích lệ, động viên một ai đó).

Biết sẻ chia cũng là một sự hào phóng. Ảnh minh họa.
Làm quen với việc quản lý tài chính
Tuy nhiên, thực tế, trong cuộc sống, không ít phụ huynh rơi vào cảnh “đau đầu”, khi cha mẹ dù hào phóng, nhưng con mình lại keo kiệt. Ngay từ nhỏ, song song việc cho con tiền, dạy trẻ tự tiêu pha, một số phụ huynh còn chú trọng dạy con tiêu tiền vì người khác.
Chị Nguyễn Hoài Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn nhắc con trai học lớp 7 rằng, chiều thứ Sáu sau khi tan học, bé nên mời một người bạn xuống căng-tin ăn uống. Người bạn này có thể là người không bao giờ có tiền để được hưởng niềm vui học đường đó. Tuy con trai chị mỗi lần nghe nhắc là một lần tỏ vẻ ngán ngẩm, nhưng chị Linh quả quyết: “Kệ, sau này lớn sẽ hiểu nhiều lúc không muốn đãi đằng vẫn phải đãi đằng. Chẳng có sự hoang phí nào lớn bằng keo kiệt”.
Trong khi đó, không ít phụ huynh quyết định cho con làm quen với quản lý tài chính từ sớm. Đối với họ, đó cũng là một cách để trẻ không trở thành người keo kiệt, ích kỷ khi trưởng thành.
Jim Brown là một người trong số đó. Ông làm công việc tư vấn tài chính đã hơn 30 năm. Trong một bài viết trên trang CNBC, Jim Brown kể lại, vợ chồng ông có hai đứa con. Ông không muốn con mình cả đời phải vật vã vì tiền, hoặc ngược lại, cứ thế mà lười nhác, ăn mòn vào những thứ mẹ cha để lại.
Muốn thế, vợ chồng ông phải huấn luyện con dùng tiền kể từ khi chúng đi nhà trẻ. Ông cùng trẻ tham gia trò “Cùng đi mua sắm nào”. Trong đó, vợ chồng ông tạo ra một “siêu thị mini” trong phòng khách, có quầy tính tiền, ngăn kéo đựng tiền, tiền giả, có quầy rau quả, bánh trái... Mọi món hàng đều được dán giá. Để chơi, hai con của Jim Brown sẽ thay phiên nhau, người này mua sắm thì người kia đứng quầy. Dần dần, trẻ học được kỹ năng lựa hàng, cân đối túi tiền và trao đổi với nhau về tiền một cách tự nhiên, thoải mái.
Trò thứ hai mà gia đình Jim Brown chơi tương tự chương trình “Hãy chọn giá đúng”. Cũng đưa các món hàng ra và để mọi người chọn giá nào có vẻ thích hợp. Ví dụ: Vé xem phim là: 4.000 đồng? 40.000 đồng? Hay 400.000 đồng? Chai nước suối là: 3.000 đồng? 30.000 đồng? Hay 300.000 đồng? Thoạt tiên, trẻ có thể chọn mức giá vé xem phim là 400.000 đồng, chai nước 30.000 đồng. Song, qua trò chơi, trẻ sẽ dần hiểu được giá cả tương quan của các món hàng, dịch vụ trong đời sống thực.

Trẻ có thể làm quen với việc chi tiêu từ nhỏ. Ảnh minh họa.
Từng bước giúp trẻ biết sẻ chia
Không chỉ ở khía cạnh tiền bạc, sự hào phóng còn thể hiện qua việc biết sẻ chia. Song, ngày nay, nhiều phụ huynh không biết ứng xử ra sao khi con mình chỉ biết “nhận” mà không để ý đến người xung quanh.
Để trẻ biết quan tâm, chia sẻ với người khác là một việc không hề dễ, nhưng cũng không quá phức tạp. Đó là cả một quá trình và cần bắt đầu từ những hành động, sự định hướng, đôi khi là rất nhỏ, của cha mẹ đối với trẻ.
Theo giáo viên Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), để dạy trẻ biết sẻ chia, trước hết, cha mẹ hãy giáo dục con qua từng việc nhỏ trong nhà. Những việc làm giúp đỡ gia đình trong cuộc sống hằng ngày phù hợp với trẻ bao gồm: Phụ mẹ quét nhà, dọn dẹp đồ chơi, rửa bát, mua đồ dùng tạp hóa… Cha mẹ cần tập cho trẻ biết phụ giúp gia đình từ những công việc thường ngày, trẻ nhỏ làm việc nhỏ phù hợp với khả năng và tính cách. Phụ huynh nên giao việc cho trẻ một cách khéo léo và hướng dẫn con làm từng chút một. Có như vậy, trẻ mới cảm thấy đó là một công việc ý nghĩa và hoàn thành thật tốt.
Cha mẹ cũng nên lưu ý, phải mềm mỏng và kiên nhẫn, tránh áp đặt hay ra lệnh. Bởi, như vậy, trẻ chỉ cảm thấy khó chịu và phản kháng. Khi đó, mọi nỗ lực của cha mẹ có thể bị phản ứng ngược.
Một điều quan trọng khác là cần hướng cho trẻ biết hiểu và nghĩ cho người khác. Đặt trẻ đứng ở địa vị hay hoàn cảnh của người khác để tưởng tượng và trải nghiệm những suy nghĩ, tình cảm của mọi người.
“Thấu hiểu và đồng cảm là cơ sở tình cảm để quan tâm đến mọi người. Cha mẹ nên giáo dục con bằng những câu chuyện, những cuốn sách, bộ phim mang tính giáo dục cao. Đồng thời, hãy lấy ví dụ cho con về những con người đã và đang phải chịu đau khổ, gợi ý cho trẻ tưởng tượng về suy tư, tình cảm của những người đó. Từ đó, hình thành cho trẻ tình yêu thương, sự quan tâm, lòng cảm thương với con người”, giáo viên Mai Chi gợi ý.
Phụ huynh cũng cần dạy con quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Những dịp đi chơi xa, gia đình nên cùng nhau tham gia một số hoạt động tình nguyện giúp đỡ người khác. Qua các hoạt động như vậy, cha mẹ nên trực tiếp giải thích và tâm sự với bé về những hoàn cảnh khó khăn, số phận đáng thương. Từ đó, để trẻ cảm nhận được sự hạnh phúc của bản thân với cuộc sống hiện tại. Đây là một cách để dạy trẻ biết quan tâm, yêu thương, chăm sóc những người xung quanh.
Giáo viên Mai Chi dẫn chứng, các nhà nghiên cứu tâm lý học cho rằng: “Con người khi bắt đầu tiến hành một hành vi, nếu có sự khẳng định cổ vũ, động viên kịp thời thì hiệu suất làm việc sẽ tăng lên rất nhiều”.
Khi con có một hành động tử tế, cha mẹ hãy nói rằng bé đã làm đúng. Lời khen của cha mẹ càng cụ thể càng tốt, như: “Con đã chia bánh cho bạn Trang phải không? Mẹ thấy bạn ấy cười, chắc bạn vui lắm đấy. Khi chia sẻ niềm vui với người khác con cũng cảm thấy vui đúng không nào?”.
Cha mẹ nên vừa động viên, vừa hỏi han xem trẻ cảm nhận như thế nào khi làm được những việc tốt hay quan tâm đến người khác. Từ đó, đưa ra bài học ứng xử cho trẻ. Phương pháp này sẽ dễ dàng để trẻ tiếp thu hơn việc cha mẹ chỉ giảng lý thuyết.