Bill Gates quy định thời gian mỗi tuần xem máy tính bảng và điện thoại của con, Warren Buffett thẳng thắn nói không giúp đỡ khi con nói cần tiền… Đấy chính là cách các tỷ phú nổi tiếng trên thế giới giáo dục con cái. Họ không muốn thế hệ thừa kế kế tiếp của mình hưởng thụ và lãng phí gia sản một cách dễ dàng được.

Cũng với quan niệm như vậy, tỷ phú kim cương Savji Dholakia, 57 tuổi, thật sự khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi cách giáo dục con khắt khe. Gia tộc của ông Dholakia thuộc gia tộc giàu có bậc nhất Ấn Độ nhưng chính gia tộc này lại duy trì truyền thống dạy con khác biệt bằng cách "đẩy con ra đường trải nghiệm" trong suốt 17 năm.

Dạy con kì lạ như tỷ phú kim cương giàu có bậc nhất Ấn Độ: Đẩy con trai ra đường kiếm tiền như người nghèo, không được dùng điện thoại trong 1 tháng để hiểu được cuộc sống - Ảnh 1.

Tỷ phú kim cương Savji Dholakia và con trai mình - anh Dravya Dholakia.

Cậu con trai duy nhất của vị tỷ phú này tên là Dravya Dholakia. Năm 2016, khi đó Dravya 21 tuổi và đang học MBA tại Mỹ trở về nhà trong một kì nghỉ. Tuy nhiên, tỷ phú kim cương lại không cho phép con nghỉ ngơi ở nhà mà yêu cầu con trai phải đến một thành phố lạ, phải tự đi xin việc, kiếm tiền và tồn tại trong 1 tháng mà không được phép nhờ cậy đến sự trợ giúp của bất cứ ai. 4 người con trước của vị tỷ phú kim cương này cũng từng trải qua hoàn cảnh tương tự tại các thành phố khác ở Ấn Độ.

Ông Savji cho biết: "Tôi đã đưa ra 3 điều kiện cho con: thứ nhất, phải tự làm việc kiếm tiền và mỗi công việc không được quá 1 tuần; thứ hai, không được dùng danh tiếng của cha và cuối cùng, không được sử dụng điện thoại. Điều kiện khắt khe là thế nhưng tôi muốn con mình hiểu được ý nghĩa cuộc sống, hiểu được người nghèo đã phải khó khăn, vất vả như thế nào để làm việc và kiếm tiền. Không trường đại học nào dạy bạn những kỹ năng sống này, ngoài việc tự mình trải nghiệm."

Tất nhiên, Dravya chấp nhận yêu cầu của vị cha tỷ phú và quyết định tới thành phố Kochi, nơi cậu chưa từng đến, không rành cả tiếng bản địa ở đó với 3 bộ quần áo và 7.000 rupee (khoảng 100 USD). Thậm chí, số tiền kia cậu cũng không được dùng lãng phí mà chỉ được tiêu trong những trường hợp khẩn cấp.

Dạy con kì lạ như tỷ phú kim cương giàu có bậc nhất Ấn Độ: Đẩy con trai ra đường kiếm tiền như người nghèo, không được dùng điện thoại trong 1 tháng để hiểu được cuộc sống - Ảnh 2.

Dravya không ngờ đó lại là một thử thách khó khăn đến như vậy: "Trong 5 ngày đầu tiên, tôi không tìm được việc làm và cũng không tìm được một chỗ ở thích hợp. Tôi bị những 60 nơi từ chối không nhận làm việc và tôi thấy thất vọng. Không ai ở đây biết tôi là ai. Chỉ trong vài ngày, tôi đã hiểu cảm giác bị từ chối và giá trị của công việc là như thế nào."

Nói dối mình là một học sinh lớp 12 và sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cuối cùng, Dravya cuối cùng cũng xin được vào một tiệm bánh. Kế tiếp, Dravya làm việc ở tổng đài điện thoại, rồi ở một tiệm giày và thậm chí là chạy bàn ở nhà hàng McDonalds. Số tiền cậu kiếm được là 60 USD trong một tháng, quá ít ỏi trong cuộc sống thường ngày của cậu.

"Trước đây, tôi chưa bao giờ lo lắng về tiền bạc nhưng ở đây tôi phải xoay sở để có tiền ăn, mỗi bữa chỉ 0,6 USD. Tôi cần phải kiếm thêm 4 USD mỗi ngày để trả tiền nhà trọ", Dravya Dholakia kể lại. Sau khi thử thách kết thúc, Dravya cũng quay lại những nơi mình từng làm việc trong suốt 1 tháng và tặng quà cho đồng nghiệp cũ, bất kì ai đã giúp đỡ cậu trong thời gian khó khăn ấy.

Cách dạy con bằng cách đẩy con ra đường tự trải nghiệm giống tỷ phú Ấn Độ Savji Dholakia cũng được rất nhiều triệu phú, tỷ phú khác áp dụng vào con cái mình. Cô con gái 12 tuổi của triệu phú tự thân Barbara Corcoran làm việc 2 giờ mỗi tuần tại một spa dành cho chó. Công việc của cô bé là làm sạch cũi và dắt chó đi dạo. Hay như con gái của tỷ phú bia Jim Koch làm công việc múc kem với mức lương 7 USD/giờ và thậm chí chỉ biết cha mình là tỷ phú khi nghe một người bạn kể lại.

Theo quan niệm của những người giàu có, khi con cái đủ lớn, hãy khuyến khích chúng làm việc bởi những đứa trẻ sớm biết cách kiếm tiền bằng năng lực của mình thường có khả năng thành công cao hơn. Hơn nữa, chúng sẽ biết quý trọng đồng tiền và sức lao động của cha mẹ hơn là chỉ biết cầm một khoản tiền lớn tiêu hết trong vòng 1 giờ đồng hồ.