Đòi ông bà đưa đi chơi mãi không được, Bảo Minh lăn đùng ra, giãy giụa khóc. Thằng bé cố gào cho thật to như để gây sự chú ý của mọi người. Vừa gào lên nó vừa nhìn quanh xem có ai dỗ mình hay không. Khi thấy mãi mà chẳng có ai ý kiến gì, nó lồm cồm bò dậy, giảm bớt “cái loa miệng” và sụt sịt đứng giữa nhà chỉ tay vào ông bà nói: “Ghét ông bà vì không chiều Bảo Minh”.

Người ta thường bảo: cháu hư tại bà, nhưng ở đây, Bảo Minh hư là do ba mẹ. Nhà có mỗi cậu con quý tử, lại là “đích tôn, đích nhôm” nên ba mẹ Bảo Minh nghiễm nhiên cho rằng cậu bé là “cục vàng”, muốn gì là phải được điều đó. Mỗi khi Bảo Minh đòi gì là ba mẹ cậu bé vội vàng đáp ứng ngay, nếu chậm trễ là cậu bé chỉ việc gào lên khóc là ba mẹ lại quýnh lên. Bắt được “thóp” của ba mẹ, cứ mỗi lần không được chiều là Bảo Minh lại “lên nước”, ăn vạ cho đến khi được mới thôi. Đáng lẽ phải rèn cái tính ương bướng này cho con ngay từ bé, nhưng ba mẹ Bảo Minh lại cho rằng, thằng bé thế mới cá tính.
 

Nếu như ở các gia đình khác, ông bà thường bênh cháu khiến ba mẹ phải nhịn thì ở nhà Bảo Minh lại ngược lại. Ông bà nội không tán đồng cách dạy con của ba mẹ Bảo Minh. Ông bà thường bảo, trẻ con như cái cây non, phải uốn, phải nắn ngay từ khi nó còn nhỏ chứ nếu không để sau thì sẽ muộn mất. Nhưng ba mẹ Bảo Minh thì cho rằng ông bà cứ quá lo xa, chứ Bảo Minh còn trẻ con, tính cách chưa ổn định, ít nữa lớn lên là đâu vào đấy ngay. Thế nên, ba mẹ Bảo Minh thường tỏ ra không bằng lòng mỗi khi ông bà quát hay phạt cháu. Cứ mỗi khi thấy ông bà cầm cái roi dạy cháu là y như rằng cả bố cả mẹ Bảo Minh vùng vằng, mặt nặng mày nhẹ và nói những câu làm mất lòng người lớn, cho dù cả hai cũng đã lớn hết rồi.

Có lần Bảo Minh hư, bị ông phạt đứng úp mặt vào tường thì liền chống đối bằng cách tát vào mặt ông nội. Giận quá, ông đã lấy roi đánh Bảo Minh một roi. Vừa lúc đó, mẹ Bảo Minh đi làm về, thấy ông đánh con trai mình, chưa hỏi han nguồn cơn thế nào đã vội vàng lao vào ôm lấy con xuýt xoa: “Ông làm gì mà đánh cháu đau thế, nó trẻ con biết gì. Là người lớn thì phải biết nhường trẻ con chứ, ai lại đi chấp trẻ con làm gì, nhất là nó lại là cháu đích tôn của ông”. Nghe mẹ Bảo Minh nói thế, ông nội Bảo Minh giận lắm. Nhìn cái mặt thằng cháu câng câng lên nhìn ông, ông chỉ muốn đánh cho cả mẹ cả con nó một trận.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên mẹ Bảo Minh bênh con ra mặt. Ông nội định bụng sẽ nói với bố Bảo Minh về vụ này, để bố Bảo Minh “dạy” lại vợ con cách ăn nói với ông bà. Ấy thế mà chưa kịp nói gì thì ngay hôm sau, bố Bảo Minh đã làm ông bà thất vọng tràn trề.
 

Lúc ông nội dẫn Bảo Minh ra đường chơi, chỉ vì thích món đồ chơi của bạn mà Bảo Minh lao ra giằng lấy bằng được. Bị bạn phản đối, Bảo Minh lăn ra khóc ăn vạ như mọi khi. Ông nội dỗ thế nào cũng không nín, lại còn chửi bậy và một hai đòi bằng được đồ chơi đó của bạn. Bực quá, ông tét đít Bảo Minh mấy cái rồi lôi về nhà. Vừa nhìn thấy bố, Bảo Minh đã òa lên khóc to hơn, rối rít mách bố vì bạn không cho đồ chơi. Ông nội cáu quá, bảo bố Bảo Minh: “Anh chị xem lại cách dạy con đi. Nó càng ngày càng láo. Đòi cái của mình không được thì quay ra chửi và định đánh bạn. Cái thói này không rèn đi, sau này có mà thành tướng cướp…”.

Vừa nghe đến đấy, bố Bảo Minh đã đùng đùng: “Ông buồn cười thật, ai lại đi nói cháu mình thế. Cháu nhà mình không bênh đi bênh nhà hàng xóm. Mà cái thằng bé kia ki bo, cho mượn 1 tí thì có sao chứ. Làm như mỗi nhà nó có ấy”.

Nói rồi, bố quay sang nói với Bảo Minh: “Đi nào, bố sẽ mua cho con cái to đẹp nhà nó gấp nhiều lần. Con trai bố là nhất mà”. Thằng bé Bảo Minh có vẻ thích lắm, nó cười tươi chạy theo bố, không quên với lại nói với ông nội: “Cháu không thèm của thằng kia nữa”.

Đến nước này thì ông nội cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm: Hết thuốc chữa rồi…