Cách đây vài hôm có một độc giả gửi thư cho tôi, cô ấy tâm sự con gái của mình rất tự ti, tự ti tới mức nói chuyện với các bạn nam cũng đỏ mặt. Nguyên nhân dẫn tới tự ti có rất nhiều, nhưng chủ yếu vẫn tới từ cách dạy bảo của cha mẹ. Tính cách của trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ phương thức giáo dục của gia đình, nhất là từ người mẹ. Người mẹ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp, các mẹ thường để cảm xúc lấn át lý trí, dạy con không khoa học. Dưới đây là 3 kiểu làm mẹ thất bại điển hình, là nỗi khiếp đảm của các con, là nguyên nhân chính dẫn tới việc trẻ tự ti.

1. Mẹ hơi tý là nổi cáu với con

Dạy con theo kiểu này các mẹ sẽ cầm chắc thất bại, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh của trẻ - Ảnh 1.

Mẹ càng dễ nổi cáu con càng bị tổn thương.

Có thể nói rằng, mỗi một cặp cha mẹ đều là lần đầu tiên làm cha mẹ, cho nên trong quá trình mẹ nuôi dạy bé sẽ có rất nhiều vấn đề tạm thời không giải quyết được. Ví dụ trẻ khóc nhè nửa đêm, dỗ dành kiểu gì cũng không chịu nín; hay mẹ đã cấm chạy lên lầu nhưng trẻ vẫn cứ làm, kết quả khiến mẹ phải chạy lên tìm con. Những tình huống như vậy sẽ khiến bạn cảm thấy bất lực, mất kiểm soát và nổi cáu với trẻ. 

Ngoài ra trong quá trình nuôi dạy con, có thể bạn và ông xã thường xuyên cãi nhau vì cách dạy dỗ, không khống chế được cảm xúc bạn trút hết những bực tức lên đầu trẻ. Tuy nhiên sau đó bạn lại cảm thấy hối hận, nhận ra rằng không nên nổi cáu với trẻ. Nhưng, một khi trẻ bị tổn thương, sẽ gây ra rất nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của trẻ. Vì vậy, các mẹ tuyệt đối không được tùy tiện nổi cáu.

2. Không nhẫn nại với con, việc gì cũng tự quyết

Dạy con theo kiểu này các mẹ sẽ cầm chắc thất bại, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh của trẻ - Ảnh 2.

Không nên tước đoạn quyền bày tỏ suy nghĩ của con.

Các mẹ nên biết rằng, trẻ nhỏ là một sinh mệnh độc lập. Mặc dù là con, nhưng các bé vẫn có quyền lợi bày tỏ suy nghĩ và nguyện vọng của mình. Có rất nhiều phụ huynh luôn cho rằng trẻ con còn nhỏ, chưa vào đời, dễ mắc sai lầm... thế là tước đi quyền lợi của trẻ, không có sự nhẫn nại để ngồi xuống lắng nghe con nói. Ví dụ con không muốn đi học múa, trong khi đó bạn lại cảm thấy con gái đi học múa rất đẹp, ép con đi học bằng được. Bạn luôn viện mọi cớ để lơ đi những nguyện vọng của con, bỏ ngoài tai những lời nói tâm sự của trẻ. Như vậy, lâu dài sẽ khiến khoảng cách giữa bạn và con mình ngày càng xa hơn, cuối cùng trẻ sẽ không muốn nói ra suy nghĩ của mình cho bạn nghe.

3. Những bà mẹ thích so sánh.

Dạy con theo kiểu này các mẹ sẽ cầm chắc thất bại, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh của trẻ - Ảnh 3.

Các mẹ thích so sánh sẽ khiến con sống trong áp lực.

Thực sự rất khó để tìm được một người phụ nữ không thích so sánh trên cõi đời này cả. Chúng ta không thể phủ nhận rằng, sự so sánh thúc đẩy con người ta tiến bộ, nhưng dùng sự so sánh đối với con trẻ thì phản tác dụng. Các bậc phụ huynh tuyệt đối chớ đem cái tâm hư vinh của mình lây sang con cái. Chớ thấy con nhà người ta nay thi được giải nhất thì về mắng con xơi xơi, bắt con lần sau cũng phải được giải nhất. Chớ thấy con nhà người ta học lớp đấu kiếm rồi về hỏi con có thích hay không, kết quả chẳng cần biết thích hay không vẫn cứ cho đi học. Nếu cứ như vậy, bạn sẽ không trở nên tốt hơn được, con bạn cũng không tốt hơn được và vô hình chung điều này tạo cho con tâm thái tự ti, luôn sợ không hơn được người khác. Và rồi, sau này quá trình trưởng thành của bé rất mệt mỏi. Suy cho cùng, điều chúng ta muốn là con có một cuộc sống hạnh phúc, chứ không phải con đi chiến đấu với "con nhà người ta.

Nguồn: Sina