Gia đình là bến đỗ an toàn nhất của con trẻ, mọi chuyện cha mẹ làm đều là vì yêu thương con. Tuy nhiên có một số bậc phụ huynh có những hành vi tiêu cực dưới danh nghĩa tình yêu và gây tổn thương cho con cái họ. Đó là những bậc cha mẹ độc hại (Toxic parents).

Một bài viết của nhà tâm lý học An Ca (Trung Quốc) đăng tải trên trang web Sohu về vấn đề này đang thu hút sự chú ý và khiến nhiều bậc phụ huynh nhìn lại cách nuôi dạy con của mình.

Trên thực tế, cha mẹ mắc sai lầm trong quá trình nuôi dạy con cái là bình thường, nhưng vẫn có sự khác nhau giữa gia đình lành mạnh và gia đình độc hại. Trong những gia đình độc hại, hành vi tiêu cực xảy ra trong thời gian dài và tần suất dày, và những vết thương của con trẻ không được bù đắp đúng cách.

Cô gái kể chuyện bị trầm cảm 7 năm thu hút hơn 300 triệu người xem, ai nấy đều lên án câu trả lời lạnh lùng của người mẹ, đằng sau là lời cảnh báo về 3 kiểu gia đình độc hại khi dạy con - Ảnh 1.

Sau đây là bài viết của nhà tâm lý học An Ca:

Một video cách đây ít lâu đã nhận được hơn 300 triệu người khi được đăng tải trên mạng xã hội Weibo. Không phải là hình ảnh bắt mắt, độc đáo gì cả, đơn giản chỉ là câu chuyện tự kể của một cô gái. Cô chia sẻ mình đã từng có ý định tự tử vì trầm cảm trong suốt 7 năm. Điều ngạc nhiên là khi tâm sự vấn đề này với mẹ mình, bà đã trả lời:

"Con bao giờ cũng vậy, đã bao nhiêu năm rồi? Cứ cố tỏ ra mình khác biệt, bản thân không tự chịu còn bắt ai chịu thay".

Cô gái kể chậm rãi, nói xong cười tuyệt vọng.

Một khảo sát năm 2012 tại Trung Quốc cũng cho thấy, cứ 5 trẻ thì 1 em bị trầm cảm. Về mặt tâm lý, trầm cảm bắt nguồn từ sự tấn công bên ngoài khiến trẻ luôn tự ti, thậm chí ghét bỏ bản thân. Cảm xúc và sự tức giận bị kìm nén này lại không được bộc lộ ra ngoài, trẻ tự chịu đựng, cô đơn trong chính nơi được gọi là mái ấm.

Và có 3 kiểu gia đình dưới đây dễ khiến trẻ trầm cảm nhất:

1. Bố mẹ coi thường và không công nhận sự cố gắng của con

Một bác sĩ tâm lý ở Bắc Kinh có lần kể, một bà mẹ đưa con bị trầm cảm đến khám. Trong lúc chờ đến lượt, cậu bé đọc một cuốn sách. Khi bác sĩ khen cậu bé chăm chỉ, bà mẹ liền nói ngay: "Chăm chỉ gì, chỉ toàn giả vờ'".

Vị bác sĩ cho rằng, dù con có tâm lý không bình thường, bố mẹ cũng không thể sử dụng cách mỉa mai này để giao tiếp với trẻ. Mọi kết quả đạt được khi khám chữa cho cậu bé cuối cùng cũng vì câu nói này mà không còn tác dụng.

Cô gái kể chuyện bị trầm cảm 7 năm thu hút hơn 300 triệu người xem, ai nấy đều lên án câu trả lời lạnh lùng của người mẹ, đằng sau là lời cảnh báo về 3 kiểu gia đình độc hại khi dạy con - Ảnh 2.

Nếu một đứa trẻ luôn bị bố mẹ đổ lỗi, nhạo báng, lâu dần sự tự tin của chúng bị hao mòn, lòng tự trọng bị đánh gục. (Ảnh minh họa)

Mới đây, trên mạng xã hội Trung Quốc một người kể câu chuyện của mình: "Khi còn nhỏ, trên đường đi học chẳng may bị xe đâm, tôi sẽ bị mắng là chậm chạp, không biết tai nạn mà tránh. Nếu bị bạn cùng lớp lấy mất tiền, bố mẹ sẽ quy cho tôi tội nói dối. Bị bạn khác đánh nhưng người bị mắng vẫn là tôi. Tại sao tôi không bắt nạt người khác mà bố mẹ lại cứ bắt nạt tôi?".

Nếu một đứa trẻ luôn bị bố mẹ đổ lỗi, nhạo báng, lâu dần sự tự tin của chúng bị hao mòn, lòng tự trọng bị đánh gục và cuối cùng rơi vào bóng tối.

2. Bố mẹ không quan tâm đến cảm xúc của con

"Tại sao phải khóc, nước mắt không giải quyết được vấn đề gì?"; "Việc gì phải sợ, hãy xem bạn bè đi" là câu những đứa trẻ trầm cảm hay phải nghe từ bố mẹ mình.

Phó hiệu trưởng trường trung học số 55 Bắc Kinh từng kể câu chuyện xảy ra tại trường này. Một học sinh lớp 7 có học lực xuất sắc nhiều năm bỗng nhiên kết quả giảm sút không rõ lý do, cậu bé cũng nhiều lần tâm sự với cô giáo rằng mình muốn chết.

Nhưng khi nhà trường mời phụ huynh lên để bàn về việc này, người mẹ phán một câu: "Thưa cô, không cần lo lắng. Đó chỉ là lý do không muốn đi học mà thôi". Sau khi cô giáo đưa đi viện, các bác sĩ nói rằng bệnh tâm lý của học sinh này đã rất nghiêm trọng.

Cô gái kể chuyện bị trầm cảm 7 năm thu hút hơn 300 triệu người xem, ai nấy đều lên án câu trả lời lạnh lùng của người mẹ, đằng sau là lời cảnh báo về 3 kiểu gia đình độc hại khi dạy con - Ảnh 3.

Không việc gì "giết chết" đứa trẻ nhanh hơn việc bỏ mặc con. (Ảnh minh họa)

Không việc gì "giết chết" đứa trẻ nhanh hơn việc bỏ mặc con. Đứa trẻ lúc này giống như sống trên một hòn đảo biệt lập, không được coi trọng và không ai nhìn thấy chúng. Đây là hành vi không làm tổn thương cơ thể, nhưng trừng phạt trái tim một cách mạnh mẽ nhất.

3. Bố mẹ đặt kỳ vọng quá cao gây áp lực cho con

Còn nhớ trong chương trình tạp kỹ của Đài truyền hình Bắc Kinh: "Teacher Please Answer" cô bé 6 tuổi Khả Hinh đã gây sốt vì dù còn nhỏ nhưng đã lên thời gian biểu trong ngày chi tiết đến từng giờ, thậm chí từng phút theo yêu cầu của mẹ.

Cô bé luôn nghiêm túc làm theo, không cự cãi, cũng không tỏ thái độ khó chịu khi mẹ muốn bất cứ điều gì. Tuy nhiên trong chương trình, cô bé lại mờ nhạt ở mọi vấn đề xã hội khác. Cô bé không có bạn bè và khó hòa nhập với các bạn trong lớp. Cô bé quen với việc làm hài lòng người khác, ngay cả khi bản thân cảm thấy khó chịu. Điều xót xa hơn nữa là dù còn nhỏ tuổi, Khả Hinh nói rằng không cảm thấy hạnh phúc.

Chuyên gia tâm lý Trung Quốc Hồ Trấn Chi cho hay: "Trầm cảm thường bắt nguồn từ sự mất mát. Trẻ càng cư xử đúng mực, cha mẹ càng không nên tạo sự kỳ vọng không giới hạn. Trẻ càng nhạy cảm thì càng không nên hoàn hảo trong mọi việc". Chuyên gia này cho biết, bởi trẻ sẽ ức chế nếu không biết từ chối. Quá nhiều kỳ vọng cuối cùng sẽ "bóp chết" đứa trẻ.

Cô gái kể chuyện bị trầm cảm 7 năm thu hút hơn 300 triệu người xem, ai nấy đều lên án câu trả lời lạnh lùng của người mẹ, đằng sau là lời cảnh báo về 3 kiểu gia đình độc hại khi dạy con - Ảnh 4.

Yêu thương chính là cách duy nhất chữa lành bệnh trầm cảm của trẻ. (Ảnh minh họa)

Theo các nhà tâm lý, yêu thương chính là cách duy nhất chữa lành bệnh trầm cảm của trẻ. Khi trẻ được cha mẹ chấp nhận một cách chân thành, nội lực của chúng rất dồi dào. Đừng truyền lo lắng, đừng ép trẻ phải hoàn hảo, hãy để trẻ vui vẻ và tự do là chính mình. Không được hạ thấp và chế giễu trẻ như một cách giao tiếp. Hãy tôn trọng trẻ và học cách nói những lời tốt đẹp.

Đã đến lúc, chúng ta cần yêu thương những đứa con của mình - một cách thực sự. Muốn vậy, chúng ta cần phải nhận diện, xử lý chính những cảm xúc tiêu cực mà mình đang mang. Chỉ khi chúng ta hạnh phúc. Chúng ta mới truyền được sự hạnh phúc đó cho những đứa con của mình.

Cô gái kể chuyện bị trầm cảm 7 năm thu hút hơn 300 triệu người xem, ai nấy đều lên án câu trả lời lạnh lùng của người mẹ, đằng sau là lời cảnh báo về 3 kiểu gia đình độc hại khi dạy con - Ảnh 5.