Để tạo nên một món ăn ngon, không thể phủ nhận các loại gia vị như nước mắm, mắm tôm, muối... có vai trò rất lớn trong việc quyết định hương vị. Thậm chí trong một mâm cơm giản đơn ngày hè với các món luộc, một bát nước chấm cũng giúp cho bữa cơm thêm phần đậm đà, tinh tế.
Tuy nhiên khi bản thân ta quá lạm dụng hoặc quá sơ sài trong công đoạn lựa chọn thì những loại nước chấm này có thể trở thành nguồn gốc của bệnh tật, bao gồm cả ung thư.
3 loại nước chấm người Việt thường dùng có thể tiềm ẩn nguy cơ ung thư
1. Mắm tôm không rõ nguồn gốc
Mắm tôm là một trong những loại gia vị vô cùng đặc biệt của người Việt Nam, dùng chấm đậu phụ rán, chấm nội tạng đều đem lại hương vị rất ngon. Tuy nhiên, từ trước đến nay mắm tôm vẫn là loại gia vị gây tranh cãi vì quy trình sản xuất rất khó kiểm soát.
Mắm tôm thường được chế biến từ moi biển hay còn gọi là con ruốc, con khuyết. Quá trình chế biến mắm tôm khá phức tạp: Moi tươi sẽ được chà nát rồi trộn với một lượng muối vừa đủ, sau đó được cho vào các vại hoặc lu rồi đem phơi nắng. Trong quá trình phơi, người ta sẽ dùng dụng cụ bằng tre hoặc gỗ để khuấy đều thường xuyên cho mắm chín đều. Cứ làm như thế trong khoảng 8 tháng đến một năm thì mới có thể sử dụng.
Nếu mắm tôm đảm bảo chất lượng, có nhãn mác, có cơ sở sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng… thì chúng ta có thể yên tâm. Tuy nhiên nếu mắm tôm được sản xuất với quy trình bẩn thì dễ bị nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh mà mắt thường không nhìn thấy được, chẳng hạn như vi khuẩn ecoli gây bệnh đường ruột, vi khuẩn salmonella gây thương hàn, vi khuẩn gây bệnh tả hoặc ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, theo tờ Aboluowang (Trung Quốc), thời gian để chế biến mắm tôm rất dài, hơn nữa nguyên liệu chính của mắm tôm là muối nên có thể tạo ra nhiều nitrit. Đáng nói, nitrit có thể làm tăng nguy cơ ung thư nếu tiêu thụ một lượng lớn trong thời gian dài.
2. Nước mắm không đảm bảo, chứa chất phụ gia
Còn nhớ vào cuối năm 2020, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quyết định phạt hành chính với 3 doanh nghiệp vì hành vi sử dụng nguyên liệu là hóa chất để sản xuất nước mắm.
Cụ thể, loại phụ gia đã được 3 doanh nghiệp trên sử dụng để sản xuất nước mắm là soda công nghiệp (Na2CO3). Na2CO3 là hóa chất công nghiệp có tính chất tẩy rửa, dệt nhuộm, xà phòng.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội): “Việc dùng Na2CO3 trong nước mắm là trái phép và sai quy định. Người dùng nước mắm có hóa chất này dễ bị nhiễm độc và gây ra hàng loạt các tác động có hại cho sức khỏe. Bởi đã là hóa chất độc hại thì khi vào cơ thể sẽ khiến con người bị nhiễm bệnh, trong đó có các bệnh về tim, gan, thận, thần kinh, não, thậm chí là ung thư nếu sử dụng trong thời gian dài".
Ngoài ra, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh việc sử dụng các loại thực phẩm ướp muối, hay ngâm muối như cá muối có hàm lượng nitrosamin cao. Đặc biệt, các nhà khoa học Nhật Bản cũng ghi nhận việc tiêu thụ nước mắm (chứa hàm lượng nitrosamin cao) liên quan đến ung thư dạ dày.
Theo các chuyên gia, tốt nhất chỉ nên sử dụng nước mắm lên men tự nhiên và không có hóa chất bổ sung.
3. Gia vị muối tiêu trong mâm cơm
Ngoài nước mắm và mắm tôm, nhiều người Việt thích sử dụng một bát muối tiêu để chấm các thực phẩm như trứng, thịt gà, hay là hoa quả. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng: Trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4g muối mỗi ngày, gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Ăn mặn chính là thủ phạm đe dọa sức khỏe của dạ dày. Đã từng có nghiên cứu cho thấy đồ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, tăng nguy cơ ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori.
Theo TS. Đỗ Thị Phương Hà (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), người Việt từ lâu đã giữ thói quen đặt một bát gia vị như mắm, muối, xì dầu, bột canh... trên mâm cơm. Chính thói quen này đã góp phần khiến chúng ta tăng đáng kể lượng muối ăn vào hàng ngày. Kết quả là làm tăng cao nguy cơ mắc huyết áp cao, đột quỵ, tai biến mạch máu não...
Để hạn chế lượng muối ăn, mọi người cần tập thói quen không để bát chấm, gia vị trên mâm cơm. Thay vào đó, bạn có thể dùng các gia vị khác như chanh, tỏi, tiêu, ớt… để tăng cảm giác ngon miệng. Nếu vẫn muốn chấm đồ ăn, bạn nên chấm nhẹ nhàng, không nên chấm quá sâu thực phẩm để hạn chế độ mặn.