Một chiều Chủ nhật nắng tươi nhẹ, tôi lái xe đến thăm Bob, một người bạn tôi quen từ hồi ở Việt Nam. Nhà Bob ở Oak Park, một khu ngoại thành Chicago. Đường phố ở đây rộng rãi, sạch sẽ và yên ắng. Không giống như người dân trong thành phố Chicago chủ yếu là thuê căn hộ nhỏ thường chỉ có 1 đến 2 phòng ngủ là cùng, nhà ở Oak Park rộng, hai tầng cộng thêm tầng hầm và có 5 phòng ngủ. Nhìn từ bên ngoài, trông ngôi nhà như đang nằm dài ra tắm nắng giữa thảm cỏ.
Bob giới thiệu với tôi ba cô côn gái nhỏ của anh. Có vẻ gia đình anh mới đi chơi đâu về vì một cô bé vẫn đang mặc váy công chúa và khuôn mặt vẫn còn vẽ hoa đủ màu sắc. Bob nói anh vừa dẫn con đi dự một Festival của cộng đồng Ukraina. "Tôi không biết anh là người gốc Ukraina đấy." Bob chỉ lắc đầu "Không, chúng tôi đi cho vui thôi,"
Cô bé lớn nhất khệ nệ bê ở đâu ra một quả địa cầu. Đi về phía tôi, cô bé bẽn lẽn hỏi: "Are you from Thailand?" Tôi nói: "No, I come from Vietnam."
Anh bạn tôi bảo: "Why don’t you talk to her something in Vietnamese so she can repeat?"
Tôi nói: "Xin chào". Cô bé cười, lặp lại. Tôi nói một từ khác nữa: "Cảm ơn".
Anh bạn tôi lại bảo: "Hãy nói đoạn dài hoặc thành hẳn một câu." Tôi tròn mắt nhìn Bob. Làm sao một đứa trẻ có thể lặp lại nếu tôi nói một câu dài. Thậm chí nó có khi còn không thể nhớ tôi vừa phát âm ra cái gì ấy chứ. Mà nó có lặp lại được thì có tác dụng gì chứ. Nó sẽ chẳng thể dùng lại được. Nó sẽ quên ngay. Không như "Xin chào" và "Cảm ơn", ít nhất lần sau nếu có gặp được một người Việt Nam khác, nó có thể khoe ra mình biết 2 từ này. Tôi nhớ hồi tôi học lớp 6, tất cả bọn trẻ con có phong trào học 3 từ "Xin chào", "Cảm ơn" và "I love you" bằng tất cả các thứ tiếng. Tôi nhớ cô bạn của tôi có thể nói "I love you" bằng 30 thứ tiếng cơ đấy.
Tuy vậy tôi vẫn bế cô bé lên và nói: "Hôm nay cháu đi chơi có vui không?" Cô bé hơi khẽ lắc đầu ngượng ngịu. Tôi nhìn về phía Bob. Anh đảo ngón tay tỏ ý bảo tôi lặp lại: "Hôm nay cháu đi chơi có vui không?" Cô bé vẫn tỏ ra ngượng ngịu nhưng miệng đã lấp láy phát ra những tiếng rất buồn cười.
Ông bố cho con được bao quanh bởi những người bản ngữ.
"Ok, good", Bob mắt nheo nheo cười có vẻ mãn nguyện. Anh ta nói: "Now she seems to have got a flavor of the phonetics of Vietnamese". Hóa ra anh bạn tôi không hề có ý bắt con bé hiểu tôi vừa nói gì, hay muốn con bé học thuộc câu đó để khoe với ai. Chỉ đơn giản là nó "pick up sounds", và để pick up sounds thì đúng là tôi phải nói một câu dài.
Sau bữa trưa no nê với bít tết nướng trên vỉ than và ít salad vợ Bob làm, Bob nói anh phải đưa cô bé Anna 7 tuổi đi dự một baby shower của gia sư dạy tiếng Pháp của nó. Anh nói cô giáo này rất thoải mái và nếu muốn tôi có thể đi cùng.
Buổi lễ nhỏ và ấm cúng. Cô giáo người Pháp tên Perle theo chồng sang Mỹ được vài năm. Cộng đồng người Pháp ở Chicago khá đông. Chí ít cô cũng có 5,6 cô bạn người Pháp tham dự ngoài những người bạn Mỹ.
Bob chỉ tôi nhìn về góc phòng. Perle đang đứng cùng mấy cô bạn. Cô bé Anna cũng đang quanh quẩn ở đó. Bob nói nhỏ với tôi: "Đó chính là lý do vì sao tôi đưa con bé đến những dịp như thế này. Con bé được bao quanh bởi những người bản ngữ và nó học bằng cách quan sát. Khi Perle nói "levez", tay cô ấy cũng cầm cái lọc trà lên. Con bé học được cách dùng từ "lever" như thế, nó kết nối giữa hành động và từ ngữ và có thể tự rút ra rằng "lever" nghĩa là "nhấc lên", chứ không phải chỉ là học thuộc một động từ mới."
Phần hay nhất trong baby shower có lẽ là phần tặng quà. Đến lượt Anna, cô bé trao hộp quà cho Perle và rút thiệp ra đọc to: "Complements pour votre nouveau garcon. Ce mignon bébé saura, il est certain, enchanter votre foyer et ajouter au bonheur de chaque jour! Félicications!"
Bob đã tạo những điều kiện để cô bé Anna được bao quanh bởi những người bản ngữ và họ là một phần trong cuộc sống của con bé. Cách Bob chọn trường học cho Anna cũng khá đặc biệt. Anh sẽ trực tiếp đi thăm trung tâm ngoại ngữ đó. Điều quan trọng không phải là giáo viên vào lớp nói tiếng bản ngữ mà sẽ quan sát xem giáo viên và học viên có giao lưu nhiều không. Ví dụ nếu có quán cà phê nhỏ giáo viên có thể ngồi chat chit thì tuyệt. Nếu giao viên chỉ mỗi buổi cầm giáo án lên, chữa bài tập rồi về và chỉ khác là họ nói đúng phát âm thôi thì chưa đủ.
Tôi phản biện ở Mỹ là nồi lẩu của thế giới nên Bob dễ dàng giới thiệu con của anh với đủ văn hóa còn ở Việt Nam không dễ thế. Bob đã chỉ tôi vài cách: Cậu không có bạn người nước ngoài ở Việt Nam à? Hãy mời họ đến nhà ăn và giới thiệu họ với bọn trẻ. Ở Việt Nam có các trung tâm văn hóa không? Họ có tổ chức nhiều hoạt động không? Ở Việt Nam có nhà hàng nào người nước ngoài phục vụ không? Hãy đưa bọn trẻ tới đó và để nó gọi đồ….
Điều tôi học được ở Bob là anh đã đưa ngoại ngữ, từ mục tiêu trở thành phương tiện mà giới thiệu cho con một thế giới đa dạng và nhiều màu sắc. Từ quả địa cầu nho nhỏ để biết nước mình ở đâu, Anh, Pháp, Úc, Thái Lan, Nhật Bản… ở đâu. Quả địa cầu hay tấm bản đồ sẽ là hình dùng đầu tiên của con về sự rộng lớn của thế giới, để con nuôi dần ước mơ khám phá. Để con nghĩ về việc dùng ngoại ngữ làm công cụ giúp con khám phá thế giới. Đến việc tạo điều kiện, cuốn hút con vào các hoạt động văn hóa, dù chẳng liên quan trực tiếp đến môn học nào ở trường…
Những trung tâm như L’Espace, Viện Goeth, Hội đồng Anh, Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, trung tâm văn hóa Mỹ… có biết bao hoạt động văn hóa, giải trí và cơ hội để con giao tiếp bằng ngoại ngữ trong một môi trường không học thuật. Đó mới chính là lúc con dùng tư duy và nhu cầu của chính mình. Để ngoại ngữ khi đó mới thực sự trở thành công cụ.
(*) Nội dung bài viết tham khảo cuốn sách Con là khách quý- tác giả: Kẩm Nhung.