Sữa mẹ vốn được biết đến là nguồn dinh dưỡng vô giá, hoàn hảo và tốt nhất mà tự thân người mẹ mang lại trực tiếp cho con. Có lẽ tác dụng tuyệt vời của sữa mẹ và những chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ là điều không cần bàn nhiều nữa. Đó còn chưa kể đến việc quá trình mẹ cho con bú còn giúp thắt chặt tình cảm mẹ con, mẹ được kề sát khuôn mặt, khuôn miệng con, được nắm lấy bàn tay con, xoa lưng con, nói chuyện với con, ngắm nhìn con âu yếm khi con bú dòng sữa ngọt ngào từ mẹ.

Đây là lí do vì sao khi sinh ra trẻ sơ sinh đã có thể bú mẹ dễ dàng - Ảnh 1.

Quá trình mẹ cho con bú giúp thắt chặt tình cảm mẹ con (Ảnh minh họa).

Nhưng có 1 điều ít được nhắc đến đó là để đáp ứng được thao tác bú mẹ thì cấu trúc miệng bé đã được tạo hóa “thiết kế” gần như hoàn hảo ngay từ khi bé hình thành và phát triển trong bụng mẹ cho đến khi chào đời. Để tìm hiểu rõ hơn về cấu trúc hoạt động và cách bé đã bú mẹ như thế nào, đoạn clip sau sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn.

Cấu trúc khuôn miệng của bé ngay từ khi sinh ra đã vừa vặn với núm vú của mẹ.

Quá trình bú mẹ đòi hỏi bé phải phối hợp cơ hàm - mặt để tạo nên một máy hút của riêng bé, cho phép sữa tiết ra từ bầu vú mẹ. Phần cuống lưỡi trước hết phải được kéo sát vào vòm miệng, như vậy lưỡi mới có thể định hình lên hàm trên và vận hành một cách trơn tru để bú tối đa lượng sữa mẹ.

Lớp mỡ ở bên má sẽ giúp cố định lưỡi bé ở đúng vị trí, hỗ trợ hoạt động bú mẹ trực tiếp. Ngoài ra, lớp mỡ này còn có tác dụng hỗ trợ giữ áp suất và lực bú cố định của khoang miệng, kích thích tiết sữa đều đặn.

Sau khi vú mẹ tiết sữa, phần đầu lưỡi đẩy vú sát vào phía trước vòm miệng để hút lấy sữa. Khi sữa mẹ được hút đưa vào miệng sẽ chảy xuống cuống lưỡi, chạm vào các mô mềm, lúc này nắp thanh quản sẽ mở ra để đẩy dòng sữa chảy theo ống dẫn và đi xuống thực quản rồi đến dạ dày của bé. Trong quá trình điều chỉnh tư thế phù hợp, cổ bé sẽ mở rộng hơn để xương hàm dưới chạm được vào bầu sữa mẹ, bé sẽ bú được tối đa lượng sữa mẹ.

Đây là lí do vì sao khi sinh ra trẻ sơ sinh đã có thể bú mẹ dễ dàng - Ảnh 3.

Khi sữa mẹ được hút đưa vào miệng sẽ chảy xuống cuống lưỡi và đi xuống thực quản rồi đến dạ dày của bé.

Ngậm bắt vú tốt là điều kiện quan trọng giúp bé bú hiệu quả và mẹ cảm thấy dễ chịu. Trong quá trình bú mẹ trực tiếp, bé sẽ tự mình học cách đưa bầu vú vào sâu trong miệng để hút sữa chứ không chỉ sử dụng ti mẹ như chiếc núm.

Sữa mẹ và bú mẹ trực tiếp rõ ràng sở hữu những lợi thế mà sữa công thức và việc bú bình khó lòng cạnh tranh và vượt qua được, không chỉ về mặt dinh dưỡng mà còn về mặt phát triển cơ, xương hàm, mặt của trẻ. Năm 2005, một nghiên cứu khoa học đăng tải trên trang Research Gate cho hay bú mẹ trực tiếp không chỉ giúp bé phát triển tối ưu hộp sọ, xương hàm và khớp nhai ở trẻ sơ sinh mà còn giúp bé có đầu to tròn đều, khuôn mặt nở nang và hàm rộng đẹp hơn. Chính vì vậy một vấn đề quan trọng không kém khác đó chính là cho bé bú mẹ trực tiếp càng nhiều càng tốt, thay vì vắt sữa mẹ vào bình và cho bé bú bình.

Nguồn: Parent, Researchgate