Nhắc đến côn trùng, hầu hết chúng ta đều tưởng tượng đến những loài sinh vật nhỏ bé, chăm chỉ và có lối sống vô cùng kỷ luật. Những con ong thức dậy từ sáng sớm để đi kiếm mật, những đàn kiến xếp thành hàng dài tha mồi, để làm đầy tổ của chúng trước mùa đông…
Ngay cả những con nhện - kẻ thường bị coi là lười biếng nhất trong thế giới côn trùng - khi muốn nằm dài cả ngày để đợi bữa ăn tự tới, thì đêm trước đó, chúng cũng đã phải thức trắng để chăng lưới.
Thế nhưng, trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Zootaxa, các nhà khoa học Australia vừa phát hiện ra một loài côn trùng hoàn toàn mới, một sinh vật thậm chí còn lười biếng hơn cả nhện.
Những con bọ Austrospirachtha carrijoi này không làm gì mà vẫn muốn có ăn. Để thực hiện được điều đó, chúng đã tự biến mình thành một kẻ lưu manh với chiến thuật lừa đảo hết sức tinh vi.
Mục tiêu mà những con bọ này nhắm tới, đáng thương thay, lại là những con mối mù lòa.
Màn hóa trang "điên rồ" nhất của tạo hóa
Tạp chí Science đã phải dùng từ "điên rồ" để nói về cái cách mà những con bọ A. carrijoi đánh lừa họ, và tất nhiên, đánh lừa cả những con mối.
Những sinh vật lưu manh này tình cờ được phát hiện trong chuyến khảo sát thực địa của một nhóm các nhà sinh vật học đến từ Đại học Sao Paulo, Brazil. Họ đã cất công lặn lội hơn nửa vòng Trái Đất để tới miền bắc Australia, nơi được biết đến với quần thể côn trùng đa dạng bậc nhất hành tinh.
Nhóm nghiên cứu đến đây với mục đích ban đầu để tìm hiểu về tổ mối, những đụn đất khổng lồ, chứa bên trong đó hàng ngàn sinh vật tí hon màu trắng sữa – nhưng đôi khi trở thành một trò tiêu khiển cho người dân bản địa Australia.
Trong khi đào sâu vào tìm hiểu cấu trúc lâu đài của những con mối, thỉnh thoảng, các nhà khoa học lại tìm thấy một cá thể mối trông rất kỳ lạ. Nhìn từ trên xuống, nó trông giống hệt một con mối với cái bụng béo, phần eo thắt đáy lưng ong và hai cọng râu nhô ra phía trước đầu.
Nhưng hãy cẩn thận kẻo bị lừa. Khi các nhà khoa học nhìn từ mặt cắt ngang, họ phát hiện phía bên dưới con mối này nhô ra thêm một thân hình nữa, một cái đầu và hai cọng râu. Hóa ra, đây mới là con vật thật.
Toàn bộ hình hài con mối phía trên mà họ thấy chỉ là giả. Nó là một con rối, một mô hình khổng lồ được dựng lên giống lễ rước du thần của người Phúc Kiến ở Trung Quốc.
Ngay sau khi nhìn thấy sinh vật kỳ lạ, các nhà nghiên cứu Brazil đã tóm lấy chúng để nghiên cứu. Phân tích DNA cho thấy con vật này thuộc vào họ bọ cánh cứng Staphylinidae chứ không phải mối. Chúng có họ hàng gần với loài Austrospirachtha mimetes từng được tìm thấy ở Brazil.
Với những đặc điểm này, các nhà khoa học đã đặt tên nó là Austrospirachtha carrijoi, với "carrijoi" là tên của tiến sĩ John Carrijo, nhà côn trùng học người Brazil đã trực tiếp tới Australia để thu thập mẫu vật.
Nghiên cứu thêm cho thấy bọ cánh cứng A. carrijoi chỉ có phần thân dưới là thật. Toàn bộ phần thân trên giống với con mối của chúng thực chất là một bong bóng phình ra từ bụng, một hiện tượng được gọi là "physogastry" trong thế giới côn trùng.
Theo đó, những ong chúa hoặc kiến chúa thường có phần mở rộng physogastry từ bụng để chứa trứng. Những con mối lính và mối thợ cũng thường sở hữu phần bụng phình này để chứa thêm thức ăn.
Duy chỉ có các loài bọ cánh cứng lại thường xuyên tiến hóa để biến phần bụng phình của chúng thành một công cụ lừa đảo.
Để không làm mà vẫn có ăn
Trong một nghiên cứu trước đây đăng trên tạp chí Current Biology, các nhà khoa học đã xây dựng được một phả hệ bao gồm 180 loài bọ cánh cứng trên khắp thế giới.
Họ phát hiện ra tại nhiều địa điểm độc lập, có khoảng cách địa lý cách xa nhau, nhiều loài bọ cánh cứng khác nhau đã sử dụng chung một công thức tiến hóa. Sau khoảng hơn 100 triệu năm, với từ 12-15 vòng tiến hóa, những con bọ cánh cứng đã biến phần bụng physogastry của chúng thành một con rối giả, giống với loài kiến bản địa.
Quá trình này gọi là "sự tiến hóa hội tụ", trong đó, các sinh vật khác nhau sẽ tiến hóa theo một cách tương tự nhau nếu chúng sống trong các môi trường có áp lực chọn lọc tự nhiên tương tự.
"Một trong những thách thức sinh tồn chính đối với bọ cánh cứng sống trong rừng mưa nhiệt đới là chúng phải sống cạnh những thuộc địa khổng lồ của kiến quân đội, loài kiến nổi tiếng với sự hung hãn và thường xuyên cướp bóc", Joseph Parker, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Columbia cho biết.
"Nhiều loài bọ cánh cứng vì vậy đã tình cờ phát hiện ra một chiến lược khó tin. Đó là chúng có thể lao thẳng vào nơi nguy hiểm nhất, trà trộn vào với đàn kiến để lọt vào tổ của chúng và rồi ăn thịt chúng".
Vậy là những con bọ này đã mọc ra một thân kiến phía trên lưng mình. Chúng cũng tiết ra các hóa chất gọi là pheromone mà kiến quân đội thường tiết ra. Khi đã lọt được vào tổ kiến, bọ cánh cứng sẽ ăn trứng kiến để sinh tồn.
Đối với loài bọ cánh cứng A. carrijoi mới được phát hiện, các nhà khoa học cho biết chúng đã lựa chọn một nạn nhân hiền lành và đáng thương hơn kiến quân đội. Đó là những con mối mù lòa.
Mối không có cơ quan thị giác nên thường được mô tả là "mù". Nhưng bù lại, chúng phát triển các cơ quan cảm giác rất nhạy bén trên chân, để có thể chạm vào đồng loại và phát hiện ra chúng.
Có lẽ, cũng chính vì vậy mà A. carrijoi phải phát triển phần bụng giả của nó một cách hết sức tinh tế. So với bọ cánh cứng đóng giả kiến quân đội, những con A. carrijoi đóng giả mối là một bản sao hoàn hảo hơn gấp bội.
Nó có tới ba phần giả, mô phỏng ba khoang của mối bao gồm bụng, thân và đầu. Chưa một loài bọ cánh cứng nào có thể phát triển các phần bụng giả có cả râu như A. carrijoi.
Tất nhiên, những con A. carrijoi này cũng tiết ra cả các chất hóa học hydrocarbon biểu bì giống như của mối để đánh lừa chúng. Mục tiêu, theo các nhà khoa học, là để những con mối cho chúng ăn.
Mối thường cho nhau ăn bằng một hình thức gọi là "trophallaxis". Trong những cái hôn, chúng truyền thức ăn bằng miệng từ cá thể này sang cá thể khác. Vì vậy, nếu một con mối nhận nhầm A. carrijoi là đồng loại của mình, nó có thể cho con A. carrijoi ăn mà không mảy may nghi ngờ.
Bằng chiến thuật đóng giả lưu manh của mình, một con A. carrijoi có thể ngồi chễm chệ trong tổ mối cả đời để được những con mối phục vụ những bữa ăn miễn phí.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng bị phát hiện?
Đó là câu hỏi mà các nhà khoa học đã đặt ra cho cả A. carrijoi, và những loài bọ cánh cứng họ hàng của chúng đang đóng giả kiến quân đội. Đối với A. carrijoi, vì phần miệng của chúng rất nhỏ, các tác giả nghiên cứu cho rằng chúng chỉ xin ăn từ những con mối mà không có khả năng ăn trứng hoặc ấu trùng của mối.
Những con mối cũng hiền lành hơn kiến quân đội. Mối chỉ ăn gỗ, nấm hoặc vi khuẩn mà không ăn thịt các loài động vật khác. Chúng cũng không có kỹ thuật tấn công kẻ thù nào, mà chỉ thiên về phòng thủ và chạy trốn.
Vì vậy, những con A. carrijoi lọt vào tổ mối nếu bị phát hiện có lẽ cũng không gặp nguy hiểm gì đến tính mạng. Thế nhưng, loài bọ cánh cứng dám cả gan giả dạng kiến quân đội thì khác.
Những con bọ này đã thản nhiên ăn trứng và ấu trùng kiến, ngay trong tổ của kiến. Kiến quân đội thì nổi tiếng là một loài hung hãn. Chúng có thể tiết ra nọc độc chứa axit formic để giết chết ong, châu chấu hoặc những con kiến khác.
Một đàn kiến quân đội tấn công cùng lúc có thể giết chết một con chuột, ếch hoặc côn trùng lớn.
Trong nghiên cứu của mình các nhà khoa học cho biết một con bọ cánh cứng sống trong tổ kiến quân đội trung bình bị bao vây bởi 5.000 con kiến. Vì vậy, nếu con bọ bị phát hiện là đang ăn ấu trùng hoặc trứng kiến, những con kiến có lẽ sẽ giết chết nó ngay lập tức.
Đó có thể là kết cục xứng đáng cho một kẻ lười biếng, không làm mà vẫn đòi có ăn.
Tham khảo Science, Columbia, Researchgate.