Những ngày đầu thu, mưa nắng thất thường, nhiệt độ bắt đầu giảm dần nhưng trời vẫn còn nóng. Mặc dù cũng có ngày trời hạ nhiệt, nhưng mọi người vẫn có xu hướng cảm thấy da dẻ thô ráp, cơ thể háo nước do mùa thu hanh khô. Vì vậy, chế độ ăn uống và chăm sóc sức khoẻ cần có những thay đổi hợp lý để đảm bảo cơ thể khoẻ mạnh, không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết giao mùa.
Lúc này, bạn nên giảm đồ ăn lạnh và cay nóng, những đồ ăn này có nhiều thành phần làm tổn thương tỳ vị, hại dạ dày, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến làn da. Bạn nên ăn các thực phẩm có tác dụng dưỡng ẩm, bổ khí, có thể giúp điều tiết tình trạng khô nóng trong cơ thể, giảm bớt cảm giác khó chịu của mùa khô hanh. Quả lê là một gợi ý tuyệt vời.
Tại sao nên ăn nhiều lê vào mùa thu?
Quả lê không chỉ cung cấp chất chống oxy hoá mà còn tốt cho hệ tiêu hoá. Trong quả lê chứa nhiều vitamin C và flavonoid - chất chống oxy hoá giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương bởi các gốc tự do và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Vitamin C trong quả lê còn giúp tăng cường sức đề kháng và khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Không chỉ vậy, nguồn vitamin C này còn giúp duy trì làn da khoẻ mạnh và tươi sáng.
Nguồn chất xơ tự nhiên có trong quả lê giúp cải thiện chức năng tiêu hoá, tạo cảm giác no lâu hơn và hỗ trợ quá trình trao đổi chất thuận lợi. Bên cạnh đó, chất xơ trong quả lê cũng giúp cải thiện chất lượng nhuận tràng và hỗ trợ phòng ngừa táo bón.
Ngoài những tác dụng trên, quả lê còn tốt cho tim mạch và hỗ trợ quản lý cân nặng. Quả lê chứa nhiều kali và chất xơ, có thể hỗ trợ kiểm soát huyết áp và cải thiện sức khoẻ tim mạch. Cũng nhờ có lượng calo thấp, quả lê có thể hỗ trợ quá trình giảm cân và duy trì cân nặng hiệu quả.
1. Lê hấp đường phèn
Món lê hấp đường phèn kết hợp từ lê có tác dụng thanh nhiệt, bổ phổi, giảm ho cùng với đường phèn có thể giúp điều chỉnh sự cân bằng nước trong cơ thể và giảm bớt sự khô hanh của mùa thu.
Lê mua về mang rửa sạch cùng với muối. Dùng muối tinh xát lên lớp vỏ để giúp loại bỏ tạp chất. Cắt phần trên của quả lê, bỏ riêng sang bên để dùng tiếp. Dùng thìa khoét rỗng quả lê. Cần khoét khéo léo để không chọc thủng quả lê, nên để lại lớp cùi dày khoảng 3cm là vừa.
Sau đó, bỏ vài viên đường phèn vào trong lòng quả lê. Sau đó đậy phần nắp quả lê vào. Cho vào xửng hấp chín, trong khoảng 30 phút là được.
2. Mứt lê
Thời tiết trong tháng 8 chưa trở lạnh hẳn, nhiệt độ giảm vào buổi sáng và đêm, buổi trưa vẫn còn rơi rớt lại cái nóng chưa tan biến hẳn. Lúc này, thời tiết có thể khiến chúng ta có cảm giác khô miệng, khô da. Hãy thử món mứt lê, bởi lê tính lạnh, vị chua ngọt có tác dụng thanh nhiệt, bổ phổi và giải khát tốt. Để làm món mứt lê này sẽ cần 3 quả lê, 2 nhánh gừng nhỏ, 150g đường phèn (định lượng sẽ thay đổi theo thực tế).
Lê mua về rửa sạch, gọt vỏ, nạo thành sợi nhỏ. Sau đó, cho lê vào nồi. Thêm gừng thái nhỏ và đường phèn, nước vào đun trên lửa lớn. Khi lê sôi và phần nước lê tiết ra sẽ chuyển sang màu nâu sẫm. Đun trong khoảng 20 phút thì tắt bếp đến khi nước cạn dần. Sau đó chuyển lửa nhỏ, đến khi nước lê sánh đặc lại. Tắt bếp, để nguội bớt và đổ mứt vào hộp thuỷ tinh sạch đã khử trùng.
Mỗi khi sử dụng, múc vài thìa mứt pha vào nước ấm, khuấy đều và thưởng thức.
3. Lê hầm rượu vang đỏ
Ngoài lê hấp đường phèn và mứt lê, một món khác từ lê cũng giúp dưỡng họng khoẻ mạnh và nuôi dưỡng làn da săn chắc, mịn màng. Đó là món lê hầm rượu vang đỏ.
Đối với món này, bạn có thể mua loại lê quả nhỏ hay to đều được. Dù mua lê loại nào cũng cần loại bỏ phần lõi hạt và cắt nhỏ để rượu ngấm nhanh. Nguyên liệu tham khảo gồm 2 quả lê, 100ml rượu vang đỏ, 50g đường phèn.
Lê mua về rửa sạch, gọt vỏ, loại bỏ lõi hạt, cắt miếng vừa phải. Bạn có thể cắt theo hình dáng bạn ưa thích, có thể là vuông, tròn hoặc tam giác. Cho lê vào nồi, đổ rượu vang đỏ cùng đường phèn vào. Đun sôi trên lửa nhỏ trong 20 phút, dùng lửa liu riu sẽ giúp lê hầm ngon hơn.
Chúc các bạn thực hiện thành công!