Đây là lý do vì sao trẻ đi bơi thường mắc viêm tai giữa: Cha mẹ cẩn trọng để chặn đứng nguy cơ mắc bệnh cho con
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, viêm tai giữa cấp hay gặp ở trẻ nhỏ. Tác nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, một số do virus. Đi bơi vào mùa hè là một trong những nguyên nhân khiến bệnh lây lan.
Nhiều trẻ bị viêm tai giữa sau khi đi bơi vào những ngày nắng nóng
Mấy hôm nay, Hà Nội chìm vào đợt nắng nóng kéo dài nên con gái chị Hương (Hoàng Mai, HN) rất hào hứng với việc đi bơi. Lại đúng vào dịp nghỉ hè, con chị càng có nhiều thời gian đến bể bơi luyện tập. Nhưng chỉ sau 2 buổi đi bơi ở bể thuê gần nhà, con gái chị thường xuyên kêu ù tai, khó chịu. Lo lắng con bị nước chui vào tai chưa ra hết, chị Hương đều lấy bông ngoáy tai cho con mỗi tối.
"Tưởng rằng như vậy sẽ hết, ai ngờ sau buổi đi bơi thứ 3 về, con kêu bị đau nhức trong tai, lên cơn sốt. Lúc này mình mới lo lắng, đưa con đi siêu âm tai mũi họng thì phát hiện tai bị đỏ, sưng nề, được chẩn đoán viêm tai giữa. Sau một hồi tìm hiểu nguyên nhân, bác sĩ đặt ra nghi vấn rất có thể là do đi bơi gặp nước kém sạch, nhất là trong những ngày nắng nóng, nhu cầu bơi lội của nhiều người tăng cao… khiến bé bị bệnh, mình mới choáng váng", chị Hương nhớ lại.
Nhân dịp con trai nghỉ hè hết lớp 1, chị Hạnh (Hà Đông, HN) cũng đăng ký cho con một khóa học bơi. Nhất là vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm này, con chị bỗng dưng đề nghị được học bơi – điều mà chị chưa bao giờ thuyết phục được con trước đó vì bé có tính sợ nước.
Vậy mà thật trớ trêu, học bơi được 2 buổi, bé bỗng nhiên đòi mẹ ở nhà không đi bơi nữa vì nước chui vào tai rất sợ. Mặc dù đã vệ sinh tai cho con bằng tăm bông nhưng con vẫn kêu la, chị Hạnh lại cho rằng con dở chứng lười biếng không muốn học bơi. Phải đến khi con kêu đau nhói, nhức buốt sâu bên trong tai, chị Hạnh mới chột dạ, cho con đi khám. Lúc này bé nhà chị đã bị viêm tai giữa có mủ.
Khi bị viêm tai, trẻ cũng thường xuất hiện những dấu hiệu như ngứa tai, khó chịu, tai chảy nước, chảy dịch vàng hoặc trắng, sờ vào thấy đau…
Cẩn trọng trẻ bị viêm tai giữa khi đi bơi vào mùa hè
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), viêm tai giữa cấp hay gặp ở trẻ nhỏ. Tác nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, một số do virus. Tại Mỹ, 83% trẻ dưới 3 tuổi có ít nhất một lần bị viêm tai giữa, trong đó độ tuổi thường mắc là 6-18 tháng.
Dấu hiệu trẻ bị viêm tai giữa nhẹ là trẻ bị đau tai nhẹ, sốt dưới 39 độ C trong 24 giờ trước đó. Trẻ bị viêm tai giữa nặng thì có biểu hiện đau tai nặng, đau buốt, đau dai dẳng trong 48 giờ hoặc sốt trên 39 độ C trong 48 giờ trước đó. Khi bị viêm tai, trẻ cũng thường xuất hiện những dấu hiệu như ngứa tai, khó chịu, tai chảy nước, chảy dịch vàng hoặc trắng, sờ vào thấy đau… đều cần nhanh chóng đến chuyên khoa Nhi hoặc Tai Mũi Họng để thăm khám, điều trị kịp thời.
Để phòng tránh viêm tai giữa cho trẻ khi đi bơi, cha mẹ cần hết sức chú ý lựa chọn địa điểm bơi an toàn, sạch sẽ cho con.
Vào mùa hè, trẻ thường có thói quen đi bơi, vùng vẫy nước tại các bể bơi cũng như tâm lý của bố mẹ muốn con học bơi khi nghỉ hè. Tuy nhiên, nếu môi trường nước khi đi bơi không được sạch sẽ, khi trẻ bơi không được trang bị đầy đủ mũ, nút tai… thì nguy cơ con bị viêm tai giữa rất khó tránh khỏi.
Chưa hết, chuyên gia nhận định, nhu cầu đi bơi vào mùa hè của mọi người tăng cao nên không tránh được bể bơi không đảm bảo vệ sinh.
Nước nhiễm các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm… khi chui vào tai sẽ dẫn đến nguy cơ viêm tai giữa. Nước bể bơi chứa hóa chất để làm nước sạch cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ tai-mũi-họng của trẻ.
Tuyệt đối không dùng bông ngoáy tai ngoáy sâu vì có thể khiến vi khuẩn chui sâu hơn
Để phòng tránh viêm tai giữa cho trẻ khi đi bơi, cha mẹ cần hết sức chú ý lựa chọn địa điểm bơi an toàn, sạch sẽ cho con. Vệ sinh tai cho bé đúng cách sau khi bơi bằng cách tắm lại nước sạch, nếu nước vào tai thì nghiêng đầu sang bên để dốc nước ra, tuyệt đối không dùng bông ngoáy tai ngoáy sâu vì có thể khiến vi khuẩn chui sâu hơn.
Khi vệ sinh thân thể cho bé, chú ý vệ sinh mắt, mũi, họng vì vi khuẩn từ đây có thể lan sang tai trẻ gây viêm tai giữa. Khi đi bơi cần cho trẻ đội mũ, đeo nút bịt tai, đeo kính bơi – đồ dùng của riêng con, không chung với bất cứ ai.
Trẻ đi bơi có thể gặp rất nhiều những bệnh, tai nạn, nguy cơ đe dọa sức khỏe. Bố mẹ hãy tham khảo thêm những nguy cơ tại đây để biết cách bảo vệ con mình tốt nhất có thể nhé!