Một người đàn ông ở Anh được áp dụng các phương pháp khác nhau để chữa chứng nhức đầu kinh niên trong vòng 1 năm nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Sau đó, các bác sĩ chụp MRI thì phát hiện bệnh nhân có sán sống trong não.
Các bác sĩ dường như không thể tin vào mắt mình khi thấy hình ảnh sán đang ngoe nguẩy trong não bệnh nhân, đặc biệt là chúng đã sinh sống trong não đến 4 năm. Người đàn ông được chẩn đoán bị Sparganosis - nhiễm ký sinh trùng được gây ra bởi một loại sán xơ mít cực hiếm có tên là Spirometra erinaceieuropaei.
Trao đổi với CNN, TS Effrossyni Gkrania - Klotsas cho biết: “Sán liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong bộ não, trong khi bình thường trong não rất hiếm xảy ra hiện tượng di chuyển”. Do không có phương pháp điều trị hiệu quả như những bệnh nhiễm trùng thông thường, các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật để gắp bỏ con sán có chiều dài 1,5m ra khỏi não người đàn ông này.
Sán liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong bộ não người đàn ông người Anh. (Ảnh minh họa: Internet)
Sán liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong bộ não người đàn ông người Anh. (Ảnh minh họa: Internet)
Thịt lợn - Thực phẩm phổ biến có thể gây nên bệnh sán não
Theo nguồn tin này, con người có thể bị nhiễm giun sán bằng nhiều cách, trong đó có thói quen ăn thịt lợn. Ký sinh trùng được tìm thấy trong thịt lợn có tên gọi là Taenia solium, lây nhiễm sang cơ thể người theo hai đường:
- Khi bạn ăn thịt lợn chưa được nấu chín kỹ thì nguy cơ bị sán dây rất cao. Sán dây trưởng thành phát triển rất nhanh trong ruột lợn, có thể ảnh hưởng đến não bộ của con người.
- Qua ấu trùng như tiếp xúc với phân lợn, hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Điều này có thể lây nhiễm sang một số mô trong cơ thể con người.
Nếu ấu trùng xâm nhập vào hệ thần kinh, điều này có thể khiến bạn mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn ở não (neurocysticercosis), gây nhiễm trùng não nghiêm trọng. Nếu sán xâm nhập vào não thì người bệnh còn có thể bị động kinh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, gần 1/3 các trường hợp bị bệnh động kinh là do bị nhiễm sán dây lợn.
Chuyên gia dinh dưỡng khẳng định thịt lợn dễ bị nhiễm sán nhất
Tiến sĩ Từ Ngữ (Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam) khẳng định, nếu phải phân ra những thực phẩm nào dễ bị nhiễm sán thì chắc chắn ăn thức ăn có nguồn gốc từ động vật dễ bị nhiễm sán hơn. Sán đến từ hai nguồn: một là thực phẩm đó có sán, hai là thực phẩm bị ô nhiễm và lây sán từ những nguồn khác.
“Trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực phẩm chế biến từ lợn có nguy cơ nhiễm sán cao hơn cả, sau đó mới đến gà, vịt… Trứng sán thường sẽ theo thức ăn hoặc nước uống chưa chín kỹ đi vào dạ dày và sinh sôi, nảy nở. Đó là lý do vì sao chúng ta không nên ăn thịt lợn chưa chín kỹ, còn tái hoặc ăn tiết canh, nội tạng lợn như lòng non, lòng già, dạ dày…”, TS Từ Ngữ khẳng định.
Nem thính là một trong những món ăn từ thịt lợn có khả năng nhiễm sán lợn cao. (Ảnh minh họa: Internet)
Theo ông, môi trường đất đai trồng thực phẩm bị ô nhiễm cũng rất dễ khiến rau quả bị nhiễm sán, do đó rất khó để nhận định thực phẩm nào dễ bị sán hơn.
Người bị nhiễm sán thường có các biểu hiện như đau bụng từng cơn, mơ hồ, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng, thiếu máu, móng tay biến dạng, người xanh xao, ngứa, mày đay, suy nhược cơ thể... Nếu có những dấu hiệu này, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để khám chữa kịp thời.
Theo chuyên gia, để không ăn phải thực phẩm nhiễm sán, cần phải làm sạch thực phẩm trước khi chế biến, tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi; Không phân biệt đối tượng, cả gia đình cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần; Không ăn tiết canh, thịt lợn tái, nội tạng không đảm bảo, không rõ nguồn gốc; Tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở, vườn tược sạch sẽ; Quản lý phân rác chặt chẽ, tránh để lợn, gà, chó tha phân gây ô nhiễm môi trường.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trẻ nhỏ luôn là đối tượng dễ bị nhiễm giun sán cho dù cha mẹ đã chăm sóc và cho con ăn uống cẩn thận. Giun sán ẩn nấp trong nhiều loại thực phẩm, trong khi đó, trẻ nhỏ là đối tượng rất hiếu động, chưa ý thức được cái gì sạch, cái gì bẩn nên có thể vô tình bị nhiễm giun sán. Với nhóm đối tượng này, cha mẹ cần chú ý:
- Luôn giữ vệ sinh cho con sạch sẽ, duy trì thói quen rửa tay cho mình và con trước khi ăn.
- Nghiêm cấm cho con ăn bất cứ loại thức ăn nào chưa được nấu chín, uống nước chưa đun sôi. Trái cây, rau củ nên ngâm nước muối 20 phút trước khi sử dụng.
- Móng tay, móng chân của trẻ cần được cắt gọn.
- Không cho bé nằm trườn dưới nhà chưa được lau sạch.