Nhắc tới những ngành "ảm đạm" nhất thời kỳ dịch bệnh, du lịch hẳn là một trong số ngành dẫn đầu danh sách. Trong hai năm 2020 và 2021, với sự ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động du lịch quốc tế và nội địa giảm đi rất nhiều.
Thực tế này khiến nhiều bạn trẻ vẫn lo lắng, học ngành du lịch là lựa chọn mạo hiểm bởi dịch vẫn diễn biến phức tạp, khả năng thất nghiệp cao. Tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia, sắp tới đây để bù đắp lại lượng thiếu hụt nguồn lao động trong ngành du lịch khách sạn các doanh nghiệp sẽ tuyển rất nhiều. Việc nhiều khách sạn sắp sửa xuất hiện trên bản đồ khách sạn Việt Nam cũng khiến nhu cầu nhân lực của ngành này trở nên lớn hơn.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong kỳ tuyển sinh năm 2021, tỷ lệ đăng ký NV1/chỉ tiêu cho thấy những ngành "hot" nhất, nhiều thí sinh đăng ký nhất là: An ninh Quốc phòng (566,82%); Báo chí và thông tin (311,65%), Nghệ thuật 210,7%); Du lịch khách sạn, dịch vụ cá nhân (201%), Khoa học xã hội và hành vi (197,97%). Như vậy, dù có những biến động vì dịch Covid-19, dịch vụ du lịch, khách sạn vẫn thu hút sự quan tâm của thí sinh.
Tại một tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Mạnh Tưởng, quản lý lễ tân của New World Hotel Saigon, chia sẻ: "Việc hồi sinh mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú trong thời gian qua dẫn tới nhu cầu tăng mạnh về nhân sự".
Theo ông Tưởng, hiện nay các khách sạn trung tâm tại TP.HCM thiếu khoảng 30-40% nhân sự cần để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và đảm bảo chất lượng dịch vụ. Hầu hết các khách sạn rơi vào tình trạng "đói" nhân sự, đặc biệt là các bộ phận operation (vận hành hoạt động). Nhiều đơn vị một nhân viên có thể phải kiêm nhiều vị trí khác nhau như lễ tân khách sạn kiêm luôn nhân viên chăm sóc khách hành. Tài xế kiêm bell/doorman (bộ phận nhân viên hành lý, phục vụ tại cửa vào sảnh khách sạn) hoặc tăng khối lượng công việc...).
Hướng phát triển nghề nghiệp rộng, cơ hội việc làm dồi dào
Ngành du lịch là một ngành học tổng hợp, bao gồm nhiều nhóm ngành liên quan chuyên đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ năng làm việc cho các tổ chức, đơn vị nghiên cứu, kinh doanh dịch vụ du lịch như công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí...
Hướng phát triển nghề nghiệp của ngành này rất rộng chứ không chỉ là làm hướng dẫn viên du lịch, dẫn tour… Bạn có thể là quản trị nhân sự, quản lý nhà hàng, quản lý khách sạn, bếp, pha chế… Thậm chí, hiện nay còn ứng dụng công nghệ vào du lịch phát sinh nghề mới như blogger du lịch, review điểm đến… Có thể nói là ngành này rất rộng, cơ hội việc làm rất nhiều, quan trọng là ở khả năng thích ứng.
Thậm chí, ngay khi còn trên ghế nhà trường, sinh viên có thể đảm nhận những công việc parttime như nhân viên tư vấn cho các công ty du lịch, hướng dẫn viên du lịch parttime,…tuy không mang thu nhập nhiều nhưng chắc chắn giúp ích cải thiện nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc sau này.
Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia lẫn người làm nghề về ngành khách sạn có cùng nhận định làm nghề này có nhiều cơ hội phát triển. Mức lương và các chế độ phụ cấp tốt, giúp "sống khỏe" với nghề. Đối với các khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế càng cao, nhân viên được hưởng mức lương càng tăng và tỉ lệ thuận với sự thăng tiến trong công việc. Đặc biệt, môi trường khách sạn quốc tế còn có nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn cho cán bộ nhân viên.
Nói về tố chất cần có của người làm du lịch, Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, lưu ý hướng dẫn viên du lịch có nhiều công việc như điều hành tour, quản trị một chương trình bán sản phẩm du lịch nào đó…
"Tùy vào vị trí công việc, hướng dẫn viên du lịch thể đi công tác nhiều hay không. Tuy nhiên, làm du lịch nên xác định là sẽ đi nhiều, trải nghiệm nhiều. Các em cần lưu ý, chọn ngành du lịch cần dựa trên 3 yếu tố là năng lực, điều kiện kinh tế vì học du lịch cũng mất không ít chi phí và yếu tố công việc trong tương lai. Bên cạnh đó là ba chữ N cần lưu ý là nghiệp vụ, ngoại ngữ và ngoại hình", ông Thái nói trên Thanh Niên.
Tổng hợp
theo Trí thức trẻ