Khi nói đến game, nhiều cha mẹ thường có cái nhìn thiếu thiện cảm. Những thông tin cảnh báo trên báo đài và các phương tiện truyền thông về việc lạm dụng game gây nên một số hậu quả nghiêm trọng khiến phụ huynh muốn con tránh xa lĩnh vực này càng sớm càng tốt.
Hiện nay, vẫn không ít người cho rằng "làm game" không phải là một nghề, không có tương lai phát triển, chỉ suốt ngày chơi game, nghiện game... Xã hội hầu như chỉ nhìn vào mặt tiêu cực để đánh giá về cả lĩnh vực. Tuy nhiên, bản chất của game không xấu và chơi game cũng không phải là hành vi lệch lạc nếu biết tiết chế.
Khát nhân lực, lương tăng "phi mã"
Ngành công nghiệp game hiện đang khát nhân lực ở nhiều lĩnh vực, không chỉ lập trình mà còn thiết kế game, đồ họa, marketing, và vận hành. Tuy nhiên, phần lớn nhân sự hiện tại chưa được đào tạo chính quy, khiến thị trường rơi vào tình trạng khan hiếm.
Đại diện một trung tâm đào tạo game cho biết: Sinh viên được đào tạo bài bản từ các trường đại học có lợi thế lớn về kỹ năng và cơ hội việc làm. Về mức lương, lập trình viên game mới ra trường giai đoạn 2024 – 2025 thường nhận khoảng 10 – 12 triệu đồng/tháng, cao hơn 20 – 50% so với lập trình viên các ngôn ngữ khác.
Dự báo, trong 2 – 3 năm tới, mức lương này có thể tăng đến 150%, đặc biệt với nhân sự trình độ cao. Các vị trí khác như thiết kế và marketing game cũng có mức lương khởi điểm hấp dẫn và tăng nhanh theo kinh nghiệm.
Còn theo khảo sát của một trường đại học ở Việt Nam về thu nhập của sinh viên ngành Công nghệ Đa phương tiện hiện làm trong ngành game thì mức lương của sinh viên sau khi ra trường 1-2 năm (Junior) khoảng 10-20 triệu đồng một tháng. Nhiều người nhận mức gấp 2-3 lần sau vài năm. Với những ứng viên có khả năng sáng tạo và khởi nghiệp, thu nhập có thể lớn hơn rất nhiều.
Theo công ty nghiên cứu thị trường trò chơi điện tử (game) Newzoo, thế giới hiện có khoảng 3 tỷ người chơi game, dự kiến lên thành 4,5 tỷ người vào năm 2030. Thị trường được dự đoán đạt doanh thu 218,7 tỷ USD trong năm nay.
Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu trong 5 năm tới có khoảng 100-150 doanh nghiệp phát hành game, quy mô thị trường đạt một tỷ USD, đồng thời có thêm khoảng 400 dự án khởi nghiệp. Một số chuyên gia trong ngành cho hay nếu đạt được quy mô này, nhu cầu nhân sự sẽ lên tới 25.000 người, gồm công việc toàn thời gian, bán thời gian và freelancer (làm tự do).
Ngành thiết kế và phát triển game học ở đâu?
Năm 2024, ở Việt Nam, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mở ngành Thiết kế và Phát triển Game và là chương trình đào tạo chính quy, trình độ đại học đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam về thiết kế và phát triển game (trò chơi điện tử).
"Tuy nhiên ngành này không tuyển sinh viên vào để chơi game. Thay vào đó sẽ đào tạo kiến thức, tư duy sáng tạo nội dung game cũng như sử dụng được các công nghệ, ứng dụng đa phương tiện. Mục tiêu của chuyên ngành là cung cấp nguồn nhân lực thiết kế game, có thể tham gia thị trường công nghệ game của thế giới", đại diện của trường cho biết.
Ngoài ra, bạn có thể chọn lựa các trường học có ngành học liên quan như thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện, nghệ thuật số, các ngành học về lập trình… để có kiến thức nền tảng học thiết kế game như Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Mỹ thuật TP HCM, Đại học Kiến trúc, FPT Arena (ngành Mỹ thuật đa phương tiện).
Nếu muốn nhanh chóng tốt nghiệp đi làm thì có thể học bậc cao đẳng, trung cấp, hoặc các khoá học tại các trung tâm có đào tạo về lập trình với thời gian ngắn hơn.