Trong thời đại hội nhập và cách mạng 4.0, thương hiệu được coi là thành tố quan trọng trong việc phát triển bền vững cho tổ chức và doanh nghiệp. Nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực liên quan tới thương hiệu cũng vì vậy mà trở nên "hot" hơn bao giờ hết.
Thương hiệu giúp cho khách hàng nhận ra sản phẩm, dịch vụ một cách nhanh chóng. Đồng thời là cách để tổ chức, doanh nghiệp cam kết với khách hàng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà mình cung ứng.
Những năm dần đây, nhu cầu nhân lực ngành Quản trị thương hiệu đang gia tăng mạnh mẽ. Nếu tìm kiếm cụ từ khóa "tuyển dụng nhân sự Quản trị thương hiệu" trên trang tìm kiếm Google thì chỉ chưa đầy 1 giây sẽ nhận lại được những con số biết nói về nhu cầu lao động của ngành này. Quản trị thương hiệu được đánh giá là ngành học hot, "ngành nghề của tương lai" vì đang được giới trẻ đặc biệt quan tâm.
NGÀNH QUẢN TRỊ THƯƠNG HIỆU LÀ GÌ?
Chuyên ngành Quản trị thương hiệu (QTTH) là một mảng nhỏ nhưng không kém phần quan trọng trong thế giới Marketing rộng lớn.
QTTH là hoạt động marketing tập trung vào việc củng cố niềm tin và xây dựng thương hiệu. Từ đó, phát triển thương hiệu một cách riêng biệt và truyền tải được sự khác biệt, khắc sâu thương hiệu vào tâm trí khách hàng.
Người quản trị thương hiệu (brand manager) cho công ty/doanh nghiệp sẽ phụ trách việc lên ý tưởng, tạo ra các chiến lược truyền thông, những video, clip quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút sự chú ý, tình cảm của người tiêu dùng sản phẩm.
Ví dụ khi nói đến thương hiệu Appple, Samsung, người ta sẽ nghĩ ngay đó là 2 tập đoàn công nghệ đứng đầu thế giới. Thương hiệu có thể coi là tài sản giá trị nhất của một doanh nghiệp. Đôi khi người ta mua 1 sản phẩm không đơn thuần là mua các tính năng sản phẩm mà là mua thương hiệu của nó. Bởi vậy mới có fan cuồng "táo", fan cuồng LV, Chanel,…
CƠ HỘI VIỆC LÀM CỦA CHUYÊN NGÀNH QUẢN TRỊ THƯƠNG HIỆU
Nếu như ngày xưa, các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra doanh số trực tiếp cho sản phẩm, dịch vụ của mình thì trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển và hội nhập với thế giới, nhiều doanh nghiệp chú tâm đến việc tạo dựng bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân ngành QTTH có thể làm các công việc phù hợp với ngành học của mình như:
- Các dự án Quản trị thương hiệu.
- Các công việc liên quan đến truyền thông, marketing, quảng cáo và xúc tiến thương mại, quan hệ công chúng.
- Các công việc quản trị chiến lược, lên chính sách và các kế hoạch kinh doanh.
- Trở thành giảng viên làm việc tại các trường Đại học, đơn vị đào tạo về Quản trị thương hiệu.
Những cơ quan, tổ chức mà cử nhân ngành QTTH có thể làm việc bao gồm:
- Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ;
- Các cơ quan, tổ chức phi lợi nhuận, các viện nghiên cứu, trường học;
- Các Sở Công thương, các bệnh viện, đơn vị sở hữu trí tuệ, các đơn vị quản lý thị trường hoặc các cơ quan quản lý nhà nước cấp thấp.
MỨC LƯƠNG CỦA NGÀNH QUẢN TRỊ THƯƠNG HIỆU LÀ BAO NHIÊU?
Nguồn nhân lực của ngành QTTH ngày càng đòi hỏi chuyên môn hóa cao, tính sáng tạo, logic và hệ thống tốt. Chính vì vậy, những người được đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này luôn là "mục tiêu" của các tổ chức. Do đó, thu nhập của những người làm QTTH khá cao với môi trường làm việc không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế.
Theo khảo sát nhiều trang tin tuyển dụng, vị trí nhân viên có thu nhập từ 500 – 700 USD (khoảng 12 – 17 triệu đồng). Làm việc ở cấp điều hành với mức lương từ 1.000 USD trở lên (khoảng 24 triệu đồng). Đặc biệt, vị trí quản lý cấp cao có thể đạt mức lương trên 3.000 USD (khoảng 72 triệu đồng).
NGÀNH QUẢN TRỊ THƯƠNG HIỆU HỌC Ở ĐÂU? HỌC NHỮNG GÌ?
Hiện nay chỉ có các khóa học về thương hiệu, không có nhiều trường Đại học đưa ngành QTTH vào đào tạo chính quy. Một số trường Đại học đưa ngành QTTH vào giảng dạy tiêu biểu như:
- Đại học Kinh tế - Tài chính TP. HCM: Là trường Đại học ở khu vực phía Nam. Đây là lựa chọn tốt cho những thí sinh muốn theo học ngành QTTH. Sinh viên sẽ được học những môn tiêu biểu như: Quản trị thương hiệu, quan hệ công chúng, nhượng quyền thương hiệu, tổ chức sự kiện, marketing dịch vụ,…
- Đại học Thương mại: Trường đưa vào đào tạo bộ môn QTTH từ những năm 2008. Đến năm 2010, trường chính thức tuyển sinh hệ đào tạo chính quy chuyên ngành này.
- Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội): Năm 2021, lần đầu tiên trường đưa chuyên ngành QTTH vào đào tạo. Với vị thế của trường cùng sự đầu tư bài bản, chất lượng cao, đây sẽ là lựa chọn của rất nhiều thí sinh khi muốn theo học ngành này.
- Đại học Kinh tế Quốc dân: Đây là ngôi trường dẫn đầu về chất lượng và độ tin cậy khi đào tạo các khối ngành Kinh tế, trong đó có marketing. Trường là một trong những trường trọng điểm của quốc gia và có thành lập chuyên ngành đào tạo marketing riêng. Tuy nhiên vì trường luôn đứng top đầu nên điểm chuẩn khá cao. Thí sinh cần ôn luyện kiến thức thật tốt mới có cơ hội học tập tại đây.
- Đại học RMIT: Nếu đang băn khoăn ngành markeing, QTTH học trường nào tốt nhất thì RMIT là một gợi ý đáng thử. Không chỉ đào tạo sinh viên có được kiến thức nền tảng, trường còn trang bị cho sinh viên tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược. Bằng việc liên tục cập nhật diễn biến của thị trường và bám sát những biến đổi trong ngành, RMIT cho phép sinh viên được tương tác trực tiếp và cọ xát môi trường làm việc thực tế. Nhờ vậy, sinh viên được học hỏi và tích lũy nhiều kinh nghiệm.
QTTH cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về marketing, kiến thức chuyên môn về thương hiệu và quản lý thương hiệu. Khi theo học chuyên ngành này, sinh viên sẽ được học: Phân tích thông tin marketing, định vị thương hiệu, quảng bá thương hiệu, khai thác thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, xây dựng và phát triển thương hiệu trong công ty cũng như xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu,…
Sinh viên còn được học các chuyên đề tiêu biểu như: Nhượng quyền thương mại, quan hệ công chúng, quảng cáo và khuyến mãi, tổ chức sự kiện, phát triển sản phẩm mới, dịch vụ tiếp thị,… Với chương trình học như vậy, giảng viên sẽ đưa ra nhiều tình huống cụ thể để sinh viên phát huy tối đa các kỹ năng phục vụ cho công việc như: Biết cách hệ thống kế hoạch chung, kỹ năng tư vấn, kỹ năng giao tiếp, khả năng phản xạ nhanh nhạy,…