Trong nhiều thập kỷ qua, hệ thống giáo dục của Phần Lan luôn được đánh giá là một trong những nền giáo dục thành công và tiên tiến nhất toàn cầu, bên cạnh Singapore, Nhật và Anh. Ngoài việc tạo ra những sinh viên hàng đầu, Phần Lan còn luôn tự hào và hãnh diện khi là môi trường sống, học tập của những học sinh hạnh phúc nhất trên thế giới. Vậy thì, bí mật của đất nước này là gì? Hãy cùng đi tìm câu trả lời trong bộ phim tài liệu dưới đây:
Những điều ngạc nhiên trong hệ thống giáo dục Phần Lan. (Nguồn clip: FB Linh Huynh).
Không có bài tập về nhà
Đó là một trong những tiết lộ đáng kinh ngạc nhất mà Bộ trưởng Bộ giáo dục Phần Lan, bà Krista Kiuru đã đưa ra. Tức là bài tập về nhà hoàn toàn bị cắt giảm và học sinh chỉ học ở trên lớp mà thôi. Cũng theo lời giải thích của bà, những đứa trẻ cần có nhiều thời gian hơn để trải nghiệm tuổi thơ, để làm những người trẻ và để tận hưởng cuộc sống.
Những đứa trẻ dành nhiều thời gian trải nghiệm tuổi thơ thay vì làm bài tập về nhà (Ảnh minh họa).
“Hãy để trẻ em là trẻ em”
Cụm từ “bài tập về nhà” dường như đã bị lỗi thời ở Phần Lan. Bởi thay vì phải ngồi bó chặt hàng giờ liền ở bàn học mỗi tối, trẻ sẽ có rất nhiều thứ khác để làm sau khi tan trường: cùng chơi với bạn bè, gia đình, chơi thể thao, chơi nhạc, đọc sách… Hay thậm chí trẻ còn có thể leo cây để tìm hiểu về những thứ khác bên ngoài cuộc sống, phát hiện ra nhiều điều thú vị về thế giới tự nhiên.
Số giờ học ở trường cực ít
Với những trẻ nhỏ ở Phần Lan, thời gian đến trường chỉ gói gọn khoảng 20 giờ đồng hồ trong một tuần, tức là khoảng 3- 4 giờ một ngày bao gồm cả thời gian ăn trưa. Trẻ hoàn toàn được vui chơi, thư giãn ngoài khoảng thời gian này mà không bị ép buộc học quá nhiều. Bởi theo giải thích của một vị hiệu trưởng, thì: “Não của bạn cần được nghỉ ngơi. Nó cần được nghỉ ngơi mỗi giờ đồng hồ trong một ngày. Nếu bạn chỉ tập trung làm việc và làm việc thì việc học hỏi sẽ bị ngừng lại”.
Không chỉ giờ học ít mà học kì ở Phần Lan cũng diễn ra ngắn (Ảnh minh họa).
Vì vậy, cứ mỗi một tiếng, học sinh Phần Lan luôn có 15 phút chơi tự do ngoài trời. Không khí trong lành, thiên nhiên và hoạt động thể chất thường xuyên được coi là năng lượng cho việc học. Theo châm ngôn Phần Lan: “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không đủ”. Những đứa trẻ ở Phần Lan có số giờ học mỗi ngày ít nhất và học kỳ cũng ngắn nhất trong toàn hệ thống của phương Tây. Chúng học giỏi hơn bằng cách đến trường ít hơn.
Những tiết học ở lớp được rút ngắn tối đa, chỉ còn khoảng 3-4 giờ/ngày.
Không có những bài kiểm tra trắc nghiệm
Phần Lan không lãng phí thời gian và tiền bạc vào các bài kiểm tra tiêu chuẩn dày đặc nhưng không đem lại kết quả. Thay vào đó, trẻ em được đánh giá mỗi ngày qua quan sát trực tiếp, đăng ký và các câu đố. Trong lớp, trẻ được vui chơi, cười đùa và mơ mộng cả ngày. Người Phần Lan luôn nói: “Hãy để trẻ em là trẻ em”, “Công việc của một đứa trẻ là chơi đùa”, “Trẻ em học tốt nhất qua việc chơi”.
“Trẻ em học tốt nhất qua việc chơi” (Ảnh minh họa).
Các giáo viên ở Phần Lan – những chuyên gia đáng tin cậy, đều có bằng thạc sĩ về giáo dục và chuyên môn trong nghiên cứu và giảng dạy – khi được phỏng vấn đã trả lời rất đáng ngạc nhiên rằng: “Nhưng không phải trường học là nơi để bọn trẻ tìm thấy hạnh phúc hay sao? Tìm ra được cách để học và về những gì khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc”. Đó cũng là những tiêu chí của giáo viên khi đến trường, họ lựa chọn dạy tất cả những gì mà trẻ cần cho cuộc sống thay vì những gì cần để điền vào một bài kiểm tra.
Dạy những gì trẻ cần cho cuộc sống hơn là những gì cần điền vào bài kiểm tra (Ảnh minh họa).
Trẻ được sử dụng bộ não của mình theo cách tốt nhất bằng cách học về cả giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, âm nhạc… Học sinh ở Phần Lan được học cả làm bánh, hát, tham gia các hoạt động nghệ thuật, vui chơi, đi dạo trong thiên nhiên… ngay cả trong những giờ học chính thức ở trường. “Bởi vì khoảng thời gian chúng có là rất ngắn để có thể được trọn vẹn là những đứa trẻ”.
Tất cả các ngôi trường đều bình đẳng với nhau
“Trường trong khu vực của mình là trường tốt nhất đối với mọi đứa trẻ”, đó là câu trả lời của Bộ trưởng giáo dục khi giải đáp thắc mắc liệu thứ hạng trường phân xếp ra sao ở Phần Lan? Tất cả trường học ở Phần Lan đều ngang bằng nhau, giống nhau và hoàn toàn bình đẳng. Phụ huynh sẽ chẳng bao giờ phải đau đầu với vấn đề chọn trường cho con hay cân nhắc môi trường giáo dục ở đâu là hơn.
Tất cả các ngôi trường đều được đầu tư xây dựng bình đẳng như nhau.
Ở đất nước có nền giáo dục đáng ngạc nhiên này, trường tư là điều không tồn tại. Tất cả các trường đều được tài trợ cơ sở vật chất và trang thiết bị như nhau. Không có sự phân biệt giữa con nhà giàu hay con nhà nghèo khi chúng đều học chung với nhau và là bạn bè thân thiết. Thậm chí nghề nghiệp của bố mẹ trẻ cũng không được tiết lộ khi đến trường để đảm bảo một sự công bằng tối đa nhất.
Ở Phần Lan, học sinh cũng được lấy ra làm trung tâm chứ không phải trường học là để kinh doanh như một số đất nước khác. Ví dụ như khi muốn xây dựng một sân chơi, những kiến trúc sư sẽ được mời đến để nói chuyện với trẻ, lắng nghe những nhu cầu thật sự của trẻ để từ đó tạo ra sân chơi phù hợp nhất…
Trẻ được dạy về sự độc lập như những người lớn
Những học sinh Phần Lan khi được phỏng vấn đều cảm thấy may mắn khi mình được đối xử như những người lớn độc lập như: không cần phải được thầy cô đồng ý nếu muốn ra ngoài đi vệ sinh, tự đến trường bằng tàu điện ngầm, kể cả trẻ nhỏ 7-8 tuổi cũng có thể tự đi học 1 mình…
Giáo viên ở Phần Lan dạy trẻ những điều chúng thật sự yêu thích, chúng muốn và nhìn thấy bản thân mình ở tương lai. Vì vậy câu nói: “Con có thể trở thành bất cứ điều gì mà con muốn khi con lớn lên” cũng hoàn toàn không phải sự giả dối. Bởi những gì trẻ được học và trải nghiệm ở trường cũng chính là giúp ích để trẻ đạt được ước mơ trong tương lai.
“Dạy cho bọn trẻ nghĩ cho bản thân mình và có tính phản biện với những gì chúng được học”, “Chúng tôi cố gắng dạy bọn trẻ để chúng trở thành người hạnh phúc, để có thể tôn trọng người khác, tôn trọng bản thân mình”, “Bọn trẻ cần có thời gian để chơi, giao lưu với bạn bè và lớn lên như một con người thật sự. Bởi vì có rất nhiều thứ trong cuộc sống xung quanh, hơn chỉ là trường học”… là suy nghĩ chân thành của những giáo viên ở Phần Lan.
Bộ phim tài liệu ngắn gọn trên đã giải thích cơ bản vì sao Phần Lan lại là một quốc gia sáng tạo, có nền giáo dục đáng ngạc nhiên nhất thế giới. Và cũng chẳng ngạc nhiên gì nữa khi Phần Lan liên tục là một trong những nước phát triển đạt kết quả tốt nhất theo Chương trình Đánh giá sinh viên quốc tế (PISA), một công cụ quan trọng để đánh giá các hệ thống giáo dục trên toàn cầu.
Nguồn: Tổng hợp