Bộ não con người đôi khi có thể đưa ra những tín hiệu thực sự kỳ lạ, nó khiến cho chúng ta cư xử một cách vô lý, tin vào điều vô nghĩa và thậm chí có thể thay đổi ký ức của chúng ta. Tuy nhiên mọi quyết định chúng ta đưa ra đều có lý do. Chẳng hạn khi bạn làm một điều gì đó và sau đó lại tự hỏi rằng tại sao mình lại làm như thế?
Vậy chính xác thì điều gì đã tác động đến quyết định của chúng ta? Thực ra nó đều liên quan đến các hiệu ứng tâm lý cực phổ biển mà bạn chẳng bao giờ để ý.
1. Một người lạ cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của một người
Đây được gọi là lý thuyết Zajonc (lý thuyết "thuận lợi xã hội" của Robert Zajonc). Khi ở nhà bạn chẳng ngại mặc chiếc áo phông rách nhưng khi đến nơi công cộng bạn luôn gọn gàng, chỉn chu, lịch thiệp như một quý bà. Vậy nên hành vi của một người không chỉ phụ thuộc vào người thân bên cạnh mà còn phụ thuộc vào cả những người lạ mặt xung quanh ở đúng thời điểm đó.
Chẳng hạn một người đàn ông không có ý định nhường chỗ cho cụ già trên xe bus nhưng khi có một cô gái xinh đẹp xuất hiện, anh ta lại tự nguyện đứng dậy nhường chỗ chỉ để tạo ấn tượng tốt đẹp với cô gái đó.
2. Sự quan tâm của người khác có thể khiến bạn thay đổi quan điểm
Đây được gọi là hiệu ứng Hawthorne. Chẳng hạn như khi ở trong siêu thị, bạn được mời nếm thử một món ăn mới và cho nhận xét. Trước sự chứng kiến của nhiều người, mọi ánh mắt đổ dồn về phía bạn, bạn dễ dàng đưa ra một câu trả lời tích cực thay vì đưa ra lời nhận xét thực sự. Đến khi về nhà, bạn mới thấy sản phẩm đó không hoàn hảo như bạn đã đánh giá.
3. Mọi người có xu hướng nhớ rất tốt những việc chưa làm hơn là công việc đã hoàn thành
Đây được gọi là hiệu ứng Zeigarnik, một người có khả năng tập trung nhớ rất tốt những điều hoặc việc chưa được hoàn thành. Chẳng hạn, một người phục vụ sẽ rất nhớ những món bạn gọi và chú ý cho đến khi món ăn được đưa ra đầy đủ. Khi xong việc họ mới có thể "toàn tâm toàn ý" cho khách hàng khác.
4. Tiêu tiền vào những món đồ đắt đỏ để... thể hiện bản thân
Đó là hiệu ứng Veblen, thường được quan sát thấy ở những người trẻ quan tâm đến việc duy trì tình trạng xã hội của họ. Bởi có không ít người hiện nay sẵn sàng bỏ cả "đống tiền" chỉ để mua cho bằng được món đồ hiệu đắt tiền mà chẳng cần quan tâm xem mình có thực sự cần nó, hoặc chi nhiều tiền để có chuyến du lịch sang chảnh, chụp ảnh đăng lên Instagram để chứng minh cho mọi người thấy mình có điều kiện.
5. Bạn nghĩ mọi người thường chú ý tới mình, lúc não cũng sợ bị "soi mói"
Hẳn là ai trong số chúng ta cũng có lần nếm trải cảm giác dường như cả thế giới đang nhìn chằm chằm vào mình. Đó chính là hiệu ứng Spotlight cho thấy mọi người đánh giá quá cao việc người khác đang chú ý đến minh nhiều như thế nào.
Chẳng hạn, hôm nay bạn ra đường mà quên không đánh son hoặc chiếc váy bị rách một chút mà không để ý. Thể nào bạn cũng sẽ cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ và cho rằng mọi người đang đổ dồn sự chú ý về phía mình và những ý nghĩ tiêu cực cứ "nhảy múa" trong đầu. Nhưng thực tế chẳng ai để ý bạn hết!
(Nguồn: BS)