Có câu: "Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, chuột sinh con chuột lại đào hang". Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rằng nếu họ xuất sắc, con cái của họ cũng phải như vậy.
Nhưng một đứa trẻ ngoan ngoãn giỏi giang hay không là do rất nhiều yếu tố tác động. Có thể thấy, cha mẹ tốt chưa chắc con đã giỏi.
Một blogger mạng xã hội Trung Quốc đã làm một thống kê nhỏ. Anh hỏi có bao nhiêu cư dân mạng cảm thấy họ có thể vượt qua cha mẹ mình? (Xét đến bản chất của nền tảng xã hội này, hầu hết người dùng đều sinh vào những năm 1990 hoặc thậm chí sau những năm 1995).
Blogger sau đó đã công bố kết quả: Trong số 1.028 người tham gia, 32% tin rằng họ hoàn toàn vượt qua, trong khi 50% thì không. Có nghĩa là chỉ khoảng 40% cảm thấy họ xuất sắc hơn những người sinh ra mình.
Câu hỏi là: Nếu con cái chúng ta nằm trong số 60% còn lại, với tư cách là cha mẹ, bạn có thể chấp nhận được không?
Vào đầu năm 2019, Trung tâm Khảo sát Xã hội Thanh niên Trung Quốc đã thực hiện một cuộc phỏng vấn. Họ hỏi các bậc cha mẹ liệu họ có thể chấp nhận việc con mình sau này trở thành người bình thường hay không. 72,6% trong số 1.863 phụ huynh tham gia cuộc khảo sát cho biết họ có thể chấp nhận.
Tuy nhiên, trong cùng cuộc khảo sát, 68,8% phụ huynh thừa nhận rằng họ đặt kỳ vọng cao vào con mình.
Một mặt họ nói có thể chấp nhận được nhưng mặt khác lại có kỳ vọng rất cao, bạn có thể thấy các bậc phụ huynh mâu thuẫn như thế nào.
Bây giờ hãy xem xét hai câu chuyện dựa trên những lựa chọn đã đề cập:
Không được chấp nhận
Câu chuyện từ Yanni, một Tiến sĩ, đã ly hôn.
“Tôi có thai và sinh con khi đang làm nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ ở nước ngoài. Con của tôi tự học đọc tiếng Anh từ năm 5 tuổi. Tôi tưởng với tiềm lực như thế, con đã có lợi thế hơn 99% bạn bè cùng trang lứa và đã bí mật lên kế hoạch cho con đường phát triển tương lai của con mình: Học đại học ở Thanh Hoa và cao học ở nước ngoài.
Tuy nhiên, khoảng thời gian vui vẻ đó không kéo dài được bao lâu. Sau khi trở về Trung Quốc học tiểu học, hoàn cảnh của đứa trẻ đã thay đổi hoàn toàn. Trước hết, tiếng Trung của con rất kém, có thể nói nhưng không thể đọc được, phải học lại từ bính âm. Riêng điều này đã khiến con thua xa các bạn cùng lứa. Về môn Toán, mặc dù đã được đào tạo nhưng so với làn sóng ở Trung Quốc bắt đầu học Olympic Toán từ mẫu giáo, con vẫn quá khác biệt.
Nhờ gia cảnh của bố mẹ mà con tôi vào được trường cấp 2 tốt. Nhưng sau khi vào cấp hai, việc học lại bắt đầu tụt dốc, mãi mới ổn định được điểm số. Nếu nói kết quả hiện tại là do tài năng không đủ thì tôi miễn cưỡng chấp nhận, tình hình thực tế là thái độ học tập của con có vấn đề lớn.
Con không chỉ thụ động, lười biếng mà còn kém tự chủ nên khó học tập chăm chỉ. Nó cũng chẳng buồn khi thi trượt. Tôi cũng muốn truyền lại kinh nghiệm học tập trước đây của mình cho con nhưng lại bị phớt lờ.
Mong muốn hiện tại của tôi là con có thể vào học cấp 3. Kỳ vọng của tôi đối với con đã giảm từ Thanh Hoa Bắc Kinh đến các trường nhóm 985, 211, xuống chỉ đại học. Nếu không được, con cũng có thể đi học trung cấp hoặc học nghề, vì có rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động chân tay.
Tôi và chồng cũ đã thống nhất sẽ xa nhau, hiện tại tôi thường xuyên buồn bã về việc học của con, thỉnh thoảng khóc nhưng thực sự cũng chẳng thể làm gì được. Nếu có kiếp sau, tôi nhất định sẽ đánh giá khả năng nuôi dạy con cái của mình trước khi tính đến việc có con”.
Bố có thể chấp nhận nhưng mẹ thì không
Xiaogang, tốt nghiệp thạc sĩ trường đại học 985, giảng dạy tại một trường trung học cơ sở trọng điểm
“Tôi theo học tại một trường đại học tổng hợp và học cao học tại Đại học Sư phạm ở Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp, tôi ở lại Bắc Kinh làm giáo viên trung học. Vợ tôi là cử nhân đại học, chúng tôi là bạn học cấp 2. Hiện cô ấy đang làm việc cho một công ty tư nhân.
Tài năng của con tôi cũng ở mức trung bình. Ngày nay có quá nhiều điều thú vị, công nghệ Internet cũng phát triển, điện thoại di động, máy tính bảng ở khắp mọi nơi, việc học lại càng kém hấp dẫn đối với nó.
Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho việc con tôi học tập không bằng mình. Hơn nữa, mục tiêu cuộc sống cũng cần đa dạng, thích đọc thì đọc nhiều, không thích thì có thể tìm hướng khác để hướng tới. Ví dụ, điểm số của anh họ tôi chưa bao giờ tốt, nhưng anh ấy rất thích nấu ăn, đi học nấu ăn và hiện là đầu bếp của một khách sạn 5 sao.
Nhưng vợ tôi bị ám ảnh bởi thành tích. Cô ấy tin rằng mình đã phải chịu đựng rất nhiều vất vả trên đường đời vì trình độ học vấn thấp, và mong rằng các con sẽ không đi vào những con đường vòng này nữa. Chúng tôi thường xuyên cãi nhau về chuyện này.
Tôi đã thử mọi cách có thể, bao gồm đăng ký vào các trường luyện thi, tự dạy kèm, ép buộc và xúi giục, nhưng không mấy thành công. Sau cùng tôi nhận ra, việc để con mình vật lộn trong những lĩnh vực mà chúng không giỏi là ác tâm lớn nhất của cha mẹ. Con trai tôi tuy học kém và nghịch ngợm nhưng rất yêu thương gia đình và là một cậu bé ngoan, lạc quan, nhạy cảm, tôi rất hài lòng.
Tôi có một đồng nghiệp cũng là giáo sư ở trường, con trai cô ấy học không giỏi, sau đó đỗ vào một trường cao đẳng ở địa phương.
Sau khi tốt nghiệp, chị thu xếp cho con trai vào làm việc tại trung tâm quản lý hậu cần của trường. Có lần cháu cùng một thầy khác đến văn phòng chúng tôi kiểm kê tài sản cố định. Bởi vì đứa trẻ đã chạy khắp trường từ khi còn nhỏ nên nhiều giáo viên ở tầng trên đã chào đón và nhiệt tình hỏi thăm cháu thế nào.
Cậu ta trông vô cùng xấu hổ và nụ cười đầy sự bối rối.
Khi trò chuyện với chúng tôi, người mẹ thường nhắc đến việc con trai chơi game đến tận đêm khuya, nếu có nghị lực, con chị đã học xong ba tấm bằng tiến sĩ. Các đồng nghiệp khác khuyên: "Nếu không có áp lực nghiên cứu khoa học, có lẽ cháu sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn chúng ta rất nhiều!".
Nếu con là người bình thường thì hãy làm chấp nhận con sống tàng tàng trên mặt đất, nếu con xuất sắc thì hãy để nó bay cao. Cha mẹ không cần phải thắt chặt dây quá nhiều.
Hầu hết các bậc cha mẹ có thể cảm thấy khó chấp nhận nếu con cái họ có trở nên tệ hơn mình trong tương lai.
Ai cũng khao khát thành công, giàu sang và nổi tiếng, nhưng đáng tiếc là gần 90% con người vẫn rơi vào cảnh bình thường. Từ khi con đi học, chúng ta luôn quen dùng một tiêu chuẩn duy nhất là học lực, để đo lường sự tốt hay xấu của một đứa trẻ.
Điều này không chính xác.
Chúng ta không nên coi thường những điều bình thường, trái lại, nên hoan nghênh. Nếu bạn có thể bằng lòng với cuộc sống bình thường, làm công việc mình yêu thích một cách lành mạnh và vui vẻ, không vi phạm lương tâm và nguyên tắc sống, vững vàng từng bước trong cuộc đời, và già đi trong bình yên...
Tôi nghĩ rằng đây đã là một cuộc sống thành công”.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trí thông minh không chỉ do di truyền quyết định, mà còn chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nữa. Cụ thể, chỉ khoảng 40 - 60% trí thông minh là do di truyền, phần còn lại phụ thuộc vào những yếu tố khác... Trong đó, yếu tố môi trường tiếp xúc, sự tương tác với xã hội góp phần đặc biệt quan trọng. Vì thế, việc đứa trẻ có bố và mẹ rất tài giỏi, thông minh, bản thân trẻ được thừa hưởng gene tốt đó nhưng khi đi học lại không phát huy được cũng là chuyện bình thường.
Tất cả những gì chúng ta có thể làm là chấp nhận sự thật rằng con cái của mình có thể là người thường. Sau đó sử dụng kinh nghiệm và trí tuệ để giúp con phát triển theo năng khiếu và khả năng. Hãy "tưới tẩm" con bằng tình yêu và sự kiên nhẫn, để con là một người bình thường hạnh phúc.