Thời gian gần đây, thông tin về 6 ca ngộ độc botulinum tại TP.HCM sau khi ăn chả lụa bán dạo đang nhận được nhiều sự quan tâm. Trong số các bệnh nhân có đến 3 trường hợp là trẻ em. Tính đến hôm qua (25/5) đã ghi nhận 1 ca tử vong; 1 ca sắp xuất viện, số trường hợp bị liệt...
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi các địa phương để phòng chống ngộ độc do clostridium botulinum. Trong đó, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ... nên hạn chế sử dụng thiết bị đóng túi hút chân không.
Thực tế, hút chân không từ lâu đã là cách bảo quản thực phẩm quen thuộc trong gian bếp của nhiều gia đình. Hút chân không là phương pháp loại bỏ hết không khí ra ngoài rồi đóng gói thực phẩm. Nhiều gia đình tin rằng thực phẩm được hút chân không sẽ có hạn sử dụng lâu hơn, bảo quản tốt hơn... Do đó từ thịt, cá đến rau xanh, hoa quả, lẫn đồ khô, đồ đã làm chín... đều được mọi người đóng gói và bảo quản theo cách này. Hơn nữa, ngày nay máy hút chân không có thể được mua tại các sàn thương mại điện tử rất dễ dàng. Với nhiều mẫu mã, giá thành phải chăng.
Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe đã nhiều lần lên tiếng về rủi ro khi lạm dụng phương pháp bảo quản này. Bởi môi trường đóng kín sẽ càng tạo cơ hội để các vi khuẩn phát triển mạnh mẽ, nhất là clostridium botulinum.
Hút chân không: Kiểu bảo quản thực phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không đảm bảo
Bàn về môi trường chân không, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết đây thực ra là môi trường tốt để tránh làm hư hỏng thực phẩm. Bởi nó có thể tránh được sự tấn công của vi khuẩn nấm mốc, cũng như chống lại sự oxy hóa. Nếu hút chân không khi sản phẩm không có chứa clostridium botulinum thì sẽ rất tốt.
Để có được điều đó đòi hỏi phải có một quy trình chế biến khép kín, hiện đại, đủ điều kiện để tiệt trùng. Tuy nhiên điều đó khó thực hiện được tại các cơ sở kinh doanh gia đình hay thông qua việc nấu ăn tại nhà... Nếu trong quá trình chế biến, sản xuất, đóng gói không đảm bảo vệ sinh mà được bảo quản theo hình thức đóng kín trong hộp hay hút chân không, thì có khả năng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sản sinh độc tố.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh các thực phẩm đóng hộp theo kiểu gia công, hoặc là hút chân không mà quá lâu không sử dụng, nguy cơ sản sinh clostridium botulinum rất lớn. Thời gian bảo quản càng lâu, clostridium botulinum càng dễ phát triển và sinh sôi. Nguy cơ gây ngộ độc càng cao.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, thực phẩm ngay cả khi đã chứa clostridium botulinum cũng không hề có dấu hiệu gì khác biệt, vẫn thơm ngon như bình thường. Do đó để phòng ngừa, mọi người cần phải phòng tránh nguy cơ ngay từ khâu chế biến và bảo quản. Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men... không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm mà được mang đi đóng hộp, hút chân không sẽ vô cùng nguy hiểm.
Thực phẩm nên được bảo quản theo cách nào?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên, các gia đình tốt nhất nên sử dụng những loại thực phẩm còn tươi mới. Nên ngay sau khi nấu trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Nếu không ăn hết có thể bảo quản trong tủ lạnh nhưng cần tiêu thụ hết trong ngày.
Khi mua các loại thực phẩm ăn liền, đóng hộp nên kiểm tra kỹ hướng dẫn sử dụng, thời hạn sử dụng. Các gia đình không nên sử dụng thực phẩm đã hết hạn hoặc các sản phẩm có bao bì bị bóp, méo...
Sau khi ăn uống, nếu cảm thấy cơ thể có bất cứ dấu hiệu bất thường nào như buồn nôn, đau bụng, nhất là khả năng nhìn kém, đau họng, khó nuốt, sụp mi... thì nên đến bệnh viện ngay để được thăm khám và điều trị.