Mát lạnh, ngọt ngào bánh su nhân kem lạnh sầu riêng – 1100 lượt yêu thích, 492 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Huỳnh Phương Trang
Group: Món ngon nhà làm (Savoury Days Family)
Đặc tính của công thức bánh này là vỏ bánh dù bảo quản trong tủ lạnh 4 ngày 3 đêm vẫn không bị cứng, bánh mềm mượt theo thời gian nên ăn kèm với nhân kem lạnh sầu riêng thì ngon hết chỗ nói.
Công thức chi tiết món bánh su nhân kem lạnh sầu riêng cực chi tiết như sau:
I. VỎ BÁNH:
1. Nguyên liệu:
- Nước sôi: 250gr
- Muối: 2gr
- Đường kính: 17gr
- Dầu ăn: 100gr (bắt buộc là dầu ăn, dầu ăn chính là điểm mấu chốt giúp bột bánh mềm hơn công thức dùng bơ do dầu ăn khi gặp nhiệt độ thấp không bị đông lại trong khi bơ thì vẫn đông vô tư nên công thức bánh sử dụng bơ mà để tủ lạnh thì 100% là bị cứng)
- Bột mì số 8: 150gr (bắt buộc là bột số 8, bột số 8 có lượng protein ít hơn bột số 11 nên vỏ bánh dùng bột số 8 cũng mềm hơn vỏ bánh dùng bột số 11 rất nhiều)
- Trứng gà lạnh: 4 quả
2. Cách làm:
- Bước 1 (B1): Cho nước sôi vào nồi, tiếp đến cho dầu ăn, đường, muối vào nấu ở lửa vừa đến khi đường tan hết và hỗn hợp bắt đầu sôi.
- Bước 2 (B2): Cho bột vào B1 rồi khuấy mạnh tay cho đến khi tạo thành hỗn hợp bột không dính nồi. Tắt bếp, để nguội bớt khoảng 5 phút. Lưu ý: Bột cho vào một lần rồi khuấy luôn chứ không cho vào từ từ.
- Bước 3 (B3): Cho B2 vào máy đánh tốc độ chậm khoảng 5 phút cho bột tơi ra để một lát trộn với trứng cho đều. Tiếp đến đập trứng ra tô, đánh sơ trứng rồi trộn từ từ vào bột đến khi hỗn hợp hòa quyện rồi mới cho đợt trứng tiếp theo vào đánh đến khi bột dẻo mịn, kiểm tra bằng cách dùng spatula múc một ít bột lên thấy bột rơi xuống từng mảng là đạt.
Lưu ý: Trứng phải để tủ lạnh đến khi trộn vào bột chứ không đem ra ngoài trước, 4 quả trứng thì chia làm 8 lần cho vào bột, như vậy thì hỗn hợp bột trứng mới hòa quyện đều và thành phẩm mới rỗng ruột.
- Bước 4 (B4): Cho bột vào túi bắt kem bắt bột thành hình dạng tùy thích ra khuôn có lót giấy nến hoặc khuôn có chống dính sẵn. Thấm ướt đầu ngón tay rồi ấn vào chóp nhọn của từng chiếc bánh để lúc nướng bánh không bị cháy chóp. Sau đó để bánh nghỉ 30 phút rồi mới đem nướng sẽ hạn chế được việc bánh bị nứt. Trước khi cho vào lò nướng thì xịt một lớp nước mỏng lên bánh để "tiếp nước" cho bánh nở. Bánh su nở nhờ hơi nước nên việc giữ nước cho bánh là rất quan trọng. Bánh càng nở căng tròn thì vỏ sẽ càng mỏng, mà vỏ càng mỏng thì bánh sẽ càng mềm. Do công thức này dùng bột mì số 8 nên vỏ bánh thành phẩm sẽ nhiều vết nứt hơn bột mì số 11 (đặc tính của bột số 11 dai hơn bột số 8 nên kết cấu vỏ cũng tốt hơn) nhưng bù lại thì vỏ bánh sẽ mềm hơn rất nhiều.
- Bước 5 (B5): Nướng bánh ở nhiệt độ 230 độ C trong 10 – 15 phút (tùy kích thước và số lượng bánh mỗi lần nướng), sau đó hạ nhiệt độ xuống còn 180 độ C và nướng tiếp trong 15 – 20 phút (tùy kích thước và số lượng bánh mỗi lần nướng) đến khi bánh chín vàng.
Lưu ý: Không được mở lò trong 15 phút đầu tiên nếu không bánh sẽ bị xẹp. Sau khi bánh chín thì tắt lò, mở hé cửa rồi để trong lò khoảng 10 phút cho bánh ổn định thêm nữa rồi hãy lấy ra.
II. NHÂN BÁNH:
1. Nguyên liệu:
- Whipping cream: 300gr
- Đường bột: 30gr
- Cơm sầu riêng xay nhuyễn: 150gr
2. Cách làm:
Đánh bông cứng whipping cream cùng đường bột rồi trộn từ từ cơm sầu riêng vào theo kỹ thuật fold đến khi kem và sầu riêng quyện đều. Để tủ lạnh ít nhất 4 tiếng rồi mới bơm vào bánh.
III. BẢO QUẢN BÁNH:
Vỏ bánh nướng xong để nguội hoàn toàn ở nhiệt độ phòng sau đó bọc kín chờ kem đủ lạnh rồi mới bơm vào bánh. Mình thường làm như vậy, nướng vỏ bánh vào buổi tối, chờ bánh nguội hoàn toàn (không phơi quạt, để nguội tự nhiên thôi, phơi quạt bánh sẽ cứng) rồi bọc kín lại để qua đêm. Đánh kem xong rồi cũng cho vào tủ lạnh để qua đêm luôn. Sáng hôm sau đem kem ra bơm vào bánh, ăn được bao nhiêu thì ăn, còn dư thì lại bọc kín rồi cho vào tủ lạnh bảo quản (tất nhiên nhiệt độ lạnh của tủ chỉ ở mức độ trung bình chứ không phải mức độ cao nhé, ngoài tiệm họ cũng chỉ bảo quản bánh ở nhiệt độ mát chứ không để tủ lạnh ngắt, nhiệt độ cao thì cái gì cũng đông cũng cứng chứ đừng nói tới bánh su của chúng ta).
Bánh su nhân kem lạnh sầu riêng ngọt ngào, thơm mát "ăn 1 lại muốn ăn 2".
Mách bạn cách làm các loại trân châu "ăn liền" ngay lần đầu tiên – 1200 lượt yêu thích, 484 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Nancy Nguyễn
Group: Món ngon nhà làm (Savoury Days Family)
Tác giả Nancy Nguyễn đã chia sẻ cách làm 4 loại trân châu xét theo tiêu chí mềm, dẻo, dai rất chi tiết. Tùy theo sở thích mà bạn có thể áp dụng công thức chuẩn để làm theo nhé! Tiêu chí xếp hạng độ dai, dẻo, mềm của 4 loại trân châu như sau:
Loại số 1: trân châu chỉ có bột năng: độ dai đứng số 1-> dẻo -> mềm. Sau khi luộc, độ trong suốt cũng đứng số 1 luôn.
Loại số 2: trân châu từ bột năng + bột nếp + bột sắn dây: độ dẻo đứng số 1 -> dai -> mềm.
Loại số 3: trân châu từ bột năng + bột mì : độ mềm đứng số 1 -> dẻo -> dai.
Loại số 4: trân châu từ bột năng và thạch agar: sần sật, độ dai, dẻo, mềm ở mức trung bình.
Công thức 4 loại trân châu để 2 ngày vẫn mềm dẻo như sau:
Nguyên liệu:
Công thức loại 1:
100g bột năng
40g đường nâu hoặc đường kính
70ml nước sôi già
Công thức loại 2:
50g bột năng
30g bột nếp
30g bột sắn dây
70ml nước sôi già
40g đường kính hoặc đường nâu
Công thức loại 3:
2 muỗng canh bột năng
1/2 muỗng canh đường
1/3 muỗng canh bột mì
Công thức loại 4:
1 bát ăn cơm bột năng
5g bột thạch rau câu dẻo
30g đường kính
Cách làm chung cho cả 4 công thức trên như sau:
Trộn đều đường kính/đường nâu với bột. Cho nước sôi đổ liền 1 lần vào tô bột, lấy thìa khuấy cho đều, rồi mang bao tay nilong nhào tiếp đến khi bột không dính tay. Nếu bột dính quá thì thêm bột năng vào nhào cho đến khi bột hết dính. Bạn nhớ là đừng nhồi bột khô quá, kẻo luộc lâu chín mà lại nhanh cứng đó. Bạn nên nhồi bột hơi mềm 1 chút, khi vo viên mình lấy bột năng khô làm bột áo cho khỏi dính tay cũng được. Nặn trân châu thành từng viên tròn nhỏ đều nhau.
Đun nước sôi, thả trân châu vào đảo trân châu cho khỏi dính vào nhau, luộc sôi nhỏ lửa trong khoảng 15 – 20 phút. Tắt bếp ngâm trân châu tiếp trong nồi 20 phút, sau đó vớt trân châu ra cho vào tô nước lạnh. Cuối cùng, vớt trân châu cho ra tô, cho thêm đường kính trắng và 1 thìa súp mật ong. Làm theo cách này mình để 2 hôm rồi trân châu vẫn mềm dẻo nha!
Trân châu mà làm theo cách này đảm bảo sẽ thành công 100%.
Công thức làm chả bì vừa ngon vừa rẻ ai cũng thích ăn – 766 lượt yêu thích, 3 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Nguyễn Tâm
Group: Chia sẻ nấu ăn và trồng rau
Không lo mua phải chả có chứa hàn the, hoá chất ngoài tiệm nữa vì giờ bạn đã biết thêm một cách làm chả cực ngon, nhanh lại an toàn rồi. Chả bì vừa cắn đã thấy thích cái sực sực của lớp bì, phần giò nêm vừa phải kết hợp thêm thìa là thơm lừng và ớt cay cay ngon ơi là ngon. Đây chắc hẳn sẽ là món chả bì độc nhất mà bạn không thể tìm mua ở đâu được.
Cách làm chả bì – món ngon lạ miệng như sau:
Nguyên liệu:
- Giò sống 300g
- Bì heo: 200g làm sạch, chần qua với nước sôi cho bì chuyển sang màu trong rồi thái nhỏ
- Thìa là 1 – 2 mớ nhỏ rửa sạch, thái nhỏ
- Hành lá 1 – 2 cây rửa sạch, thái nhỏ
- Ớt 2 quả bỏ hạt, thái nhỏ
Cách làm:
Cho tất cả nguyên liệu chuẩn bị bên trên vào âu to. Thêm 1 thìa nước mắm ngon, 1/2 thìa bột ngọt, 1 – 2 thìa cà phê tiêu xay rồi trộn thật đều.
Sau đó có thể gói bằng lá chuối rồi đem luộc chín. Nhưng mình không gói lá mà cho ra đĩa dàn đều rồi hấp cách thuỷ trong khoảng 35 phút.
Tiếp theo, lấy chả ra khỏi nồi hấp, để nguội rồi cho vào ngăn mát để 5 – 6 tiếng.
Khi ăn đem chiên vàng giòn 2 mặt hoặc thái mỏng chiên vàng giòn sẽ ngon hơn nhé!
Món này chấm với mắm chanh ớt thật là cay và thưởng thức ngay khi món ăn còn nóng là tuyệt nhất.
Chả bì ăn lạ miệng, là món ngon thích hợp để đổi bữa cho cả nhà hay lai rai cùng ly bia lạnh.
Gợi ý thực đơn cơm trưa 30 ngày ăn siêu ngon – làm siêu nhanh – 1200 lượt yêu thích, 3 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Lê Thị Ngọc Trân
Group: Chuyện của bếp
Bữa cơm trưa văn phòng đơn giản ngon miệng mà lại đủ chất thế này thì còn gì bằng. Để bữa trưa không phải đi ăn hàng vừa tốn kém lại không đảm bảo vệ sinh, bạn hãy làm hộp cơm theo gợi ý dưới đây để đem đi làm nhé!
Tác giả Ngọc Trân chia sẻ:
"Sáng sớm mình dậy chỉ cần bỏ ra khoảng 15 phút chuẩn bị là có những bữa cơm ngon lành như vậy. Thường thì mình ít chọn món chiên do để tới trưa không ngon nữa. Các món mặn như thịt kho, cá kho… mình chuẩn bị lúc tối trước khi đi ngủ. Còn món xào và món rau sáng dậy mình mới làm. Món canh thì mình hầm xương lấy nước dùng bỏ tủ lạnh khi nào nấu canh chỉ cần bỏ rau củ vào là xong. Điểm đặc biệt là mình rất thích ăn rau sống nên khẩu phần ăn của mình hay có rau. Cơm mình mang ít, ăn thực phẩm và rau nhiều nên bữa ăn luôn ngon lành mà không sợ cân nặng tăng vù vù đâu nhé!"
Ai cũng sẽ trầm trồ với những hộp cơm trưa văn phòng "ngon quên sầu" của bạn!
Nộm bánh đúc và bánh đúc lạc chấm tương – món ăn dân dã làm mê lòng người – 649 lượt yêu thích
Facebook tác giả: Vinh Thile Møller
Group: Bếp Việt xa xứ
Bánh đúc vốn được biết đến như một thứ quà ăn chơi. Bánh đúc chấm với tương, thêm vào một vài lát ớt đã khiến người ta xuýt xoa. Thế nhưng món nộm bánh đúc thì lạ lạ, vẫn thứ bánh đúc ăn chơi đấy nhưng giờ được chế biến, được pha trộn và được thưởng thức theo một cách khác.
Nộm bánh đúc là bánh đúc thái sợi nhỏ, ăn kèm với nước dùng có màu ngà ngà - màu đặc trưng của giá chần, của lạc giã nhỏ.
Cùng làm theo công thức bánh đúc lạc và nộm bánh đúc của tác giả Vinh Thile Møller chia sẻ nhé:
Công thức bánh đúc lạc:
Nguyên liệu:
250g bột gạo
50g bột năng
5g muối
50g vôi
Cách làm:
Hoà tan vôi với nước, để lắng lấy 1200ml nước vôi trong. Trộn bột gạo, bột năng, muối và nước vôi trong với nhau, khuấy đều cho bột tan hết, để bột nghỉ 1 tiếng.
Cho nồi bột lên bếp khuấy đều tay đến khi thấy bột trong thì cho lạc luộc vào khuấy thêm 10 phút là được.
Công thức nộm bánh đúc:
Lạc sống rửa sạch rồi ngâm 3 tiếng, vớt ra để ráo. Giá luộc hơi chín thì vớt ra rồi sau đó lấy nước luộc giá và lạc cho máy xay sinh tố xay mịn. Đổ nước dùng vào nồi đun sôi, nêm nếm gia vị cho vừa ăn, hạ lửa đun khoảng 20 phút thì tắt bếp rồi để thật nguội.
Bánh đúc cắt sợi. Cho bánh đúc vào bát, thêm giá chần, rau kinh giới và nước dùng vào bát rồi thưởng thức.
Nộm bánh đúc thanh mát, lạ miệng ai cũng thích.
Ý tưởng tuyệt vời cho sinh nhật các bé tuổi gà hoặc thích nông trại – 1600 lượt yêu thích, 59 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Thuy Quyen Bui
Group: Phố bánh & Dụng cụ làm bánh
Những chú gà ngộ nghĩnh trên chiếc bánh sinh nhật hay mô hình chậu cây trong nông trại không đơn thuần chỉ là bánh sinh nhật nữa mà như một tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt và độc đáo.
Toàn bộ đều là bánh ăn được, bên trong chậu cây là cheese cake, rau củ và gà được tác giả làm bằng fondant. Fondant là đường bột (icing sugar) được nấu chảy cho dẻo mềm và tạo hình theo ý thích.
Và thực sự thì ít có ai "nỡ lòng nào" ăn mất những tác phẩm nghệ thuật xinh đẹp và cầu kì đến vậy.
Xôi hoa đậu biếc ngon mắt ngon miệng ai mà không mê – 718 lượt yêu thích, 10 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Thao Truong
Group: Phố bánh & Dụng cụ làm bánh
Nhìn thoáng qua, món xôi hoa đậu biếc không khác gì một chiếc bánh gato được bày bán ở các cửa hàng bánh ngọt. Xôi được trang trí nhiều bông hoa với các màu sắc khác nhau. Điều đặc biệt là những bông hoa này được làm từ đậu trắng rất đẹp và sinh động.
Một vài lưu ý để có món xôi hoa đậu biếc ngon được tác giả bật mí như sau:
Chỉ nên ngâm 1kg nếp với 10g hoa khô thì sẽ cho ra màu đẹp.
Hoa đậu biếc nấu cho ra màu như lá cẩm rồi pha với nước, nếp vo sạch rồi cho vào nước hoa đậu biếc ngâm 6 giờ. Sau đó đổ nếp ra cho ráo rồi đồ xôi luôn, không rửa nếp lại nữa nhé!
Tỉ lệ nếp – đường khi đồ xôi là 1kg nếp với 80g đường và 10g muối.
Xôi hoa đậu biếc đẹp lung linh chẳng ai nỡ ăn.