Các nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan đã theo dõi tỷ lệ ung thư thực quản và dạ dày ở 98.459 phụ nữ và 49.685 nam giới trong ít nhất 20 năm để khám phá ra mối liên hệ này. Họ phát hiện ra rằng những người có tiền sử bệnh nướu răng có khả năng mắc ung thư thực quản hoặc dạ dày tăng 43% và 52%. Cụ thể, có 199 trường hợp ung thư thực quản và 238 trường hợp ung thư dạ dày.
Kết quả cũng cho thấy, nguy cơ thậm chí còn cao hơn ở những người trước đây bị mất răng. So với những người không bị mất răng, nguy cơ ung thư thực quản và ung thư dạ dày đối với những người mất 2 răng trở lên cũng cao hơn. Những người tham gia bị mất răng có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn 42% và nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 33%, các nhà khoa học cho biết.
Theo Sở Y tế Anh quốc, nguyên nhân hàng đầu của bệnh nướu răng là do vệ sinh răng miệng kém - hoặc không đánh răng "đúng cách hoặc thường xuyên".
Cũng theo các tác giả nghiên cứu, một số phát hiện khác về mối quan hệ của bệnh nướu răng và mất răng với ung thư thực quản và dạ dày là không nhất quán. Nghiên cứu của họ sẽ giúp củng cố mối liên hệ này.
Lười vệ sinh răng miệng còn làm tăng nguy cơ đột quỵ
Các nhà khoa học của Đại học Nam Carolina phát hiện ra rằng những người khỏe mạnh mắc bệnh nướu răng có khả năng bị tắc động mạch trong não cao gấp đôi.
Khi các động mạch của não bị tắc nghẽn bởi một chất dính, nó sẽ hạn chế lưu lượng máu và có thể gây ra đột quỵ.
Viêm nướu được cho là thúc đẩy quá trình này bởi nó ảnh hưởng đến dòng máu và từ từ làm hỏng cách thức hoạt động của các mạch máu.
Làm sạch mảng bám trên răng mỗi ngày là cách dễ nhất để tránh đột quỵ. Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày cũng là cách bảo vệ sức khỏe mà các tổ chức hàng đầu về sức khỏe khuyến cáo người dân nên làm.
Ung thư thực quản là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 8 trên thế giới
Đây được coi là bệnh ung thư có tiên lượng nghèo nàn bậc nhất vì khi phát hiện được trên lâm sàng, u thường đã ở giai đoạn tiến triển.
Ung thư thực quản bắt đầu trong các tế bào trong lòng thực quản. Theo thời gian, ung thư có thể xâm nhập sâu hơn vào các lớp của thành thực quản và do thực quản không có thanh mạc nên u nhanh chóng xâm lấn qua cơ quan lân cận.
Các tế bào ung thư có thể lây lan bằng cách phá vỡ từ khối u ban đầu cũng có thể xâm nhập vào mạch máu hoặc mạch bạch huyết quanh thực quản, nhanh chóng di căn vào hạch ngay khi bệnh còn mới và di căn xa khắp các mô của cơ thể như phổi, gan, xương.
Ung thư thực quản giai đoạn sớm không gây ra triệu chứng. Khi ung thư tiến triển, các triệu chứng phổ biến nhất là:
- Nuốt nghẹn
- Nôn
- Tăng tiết nước bọt
- Sụt cân...
Triệu chứng khác: Triệu chứng tỏ khối u đã xâm lấn ra ngoài thực quản: Khó thở; Ho; Sặc; Khàn tiếng (Một giọng nói khàn hay ho mà không hết trong vòng 2 tuần); Đau (Đau khi nuốt: cảm giác nặng, tức sau xương ức khi nuốt, đau ngực hoặc lưng, đau bụng vùng thượng vị).
Ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở cả hai giới. Theo Globocan 2018, tại Việt Nam có thêm 17.527 ca mắc mới và 15.065 người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp.
Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết. Ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Những triệu chứng của ung thư dạ dày là gì?
Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng. Ở giai đoạn muộn hơn, các triệu chứng có thể gồm:
- Sút cân
- Đau trướng bụng, đặc biệt vùng trên rốn
- Mệt mỏi, chán ăn hoặc cảm giác ậm ạch khó tiêu
- Buồn nôn, nôn
- Đi ngoài phân đen
- Sờ thấy u ở bụng
Tất cả các triệu chứng trên có thể do các nguyên nhân khác ngoài ung thư dạ dày. Nhưng khi bạn có các triệu chứng trên, hãy đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
T/h: Thesun, DailyMail, BenhvienK