Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có hướng dẫn nhưng các trường vẫn lúng túng trong việc triển khai dạy học tích hợp đối với lớp 6.

Giáo viên rối bời

Việc dạy học tích hợp khiến giáo viên gặp không ít lúng túng dù đã hơn một tháng trôi qua.

Cô Nguyễn Thị Hương - giáo viên vật lý của một trường THCS tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội - cho hay cô và đồng nghiệp có thể dạy song song các chủ đề theo từng phân môn. Thế nhưng, thực tế cách dạy này không khoa học bởi chương trình thiết kế theo mạch kiến thức, có tính logic, không phải muốn dạy chủ đề nào trước cũng được. Học sinh cũng sẽ bị nhầm lẫn vì 1 sách mà phải viết vào 3 vở vật lý, hóa học, sinh học.

Dạy tích hợp liên môn: Bài toán khó - Ảnh 1.

Nhiều môn học ở chương trình lớp 6 tích hợp khiến giáo viên lúng túng .Ảnh BẢO LÂM

Chưa hết, theo cô Hương, một thực tế phải tính đến là nếu một giáo viên dạy cả 3 phân môn của khoa học tự nhiên thì không bảo đảm chất lượng. Nếu giáo viên dạy theo đúng chuyên môn từng phân môn thì việc tích hợp 3 môn thành môn khoa học tự nhiên rất bất cập vì không bảo đảm logic mạch kiến thức, mất tính kế thừa kiến thức phần trước và phần sau.

Bà Vũ Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Long Biên, TP Hà Nội), cho biết khi phân chia dạy các mạch nội dung lý - hóa - sinh với thời lượng 2 tiết lý, 1 tiết hóa, 1 tiết sinh thì bất cập xảy ra. Các chủ đề môn học trong chương trình, sách giáo khoa được sắp xếp theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, trong khi việc dạy song song sẽ phá vỡ nội dung chương trình, phá bỏ nội dung sách giáo khoa. Khi trường thay đổi, quyết định sẽ "chạy" tuần tự chương trình theo sách giáo khoa thì phải đối mặt với khó khăn là có thời điểm giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên sẽ bị tăng số tiết dạy.

Theo một hiệu trưởng trường THCS tại quận Ba Đình, TP Hà Nội, các trường đang bố trí ít nhất 2 giáo viên cho một môn tích hợp nhưng chỉ có 1 đầu điểm nên gặp khó khăn về phân công vào điểm trong hồ sơ đánh giá. Trên thực tế, ở môn lịch sử và địa lý, dù 2 giáo viên đang dạy 2 môn học độc lập, học sinh ghi bài vào 2 quyển vở khác nhau, các giáo viên được hướng dẫn thiết kế câu hỏi theo tỉ lệ 50% kiến thức địa lý, 50% kiến thức lịch sử nhưng chỉ có 1 đầu điểm khi kiểm tra cuối kỳ.

Vậy nếu chỉ lấy 1 đầu điểm, giáo viên không rõ sẽ lấy điểm ở môn nào? Việc có tới 2-3 giáo viên chịu trách nhiệm cho một môn học, vậy ai vào điểm, ký tên cũng như chịu trách nhiệm chính cho môn học đó? Hiện tại, các giáo viên đang tạm thời đánh giá thường xuyên vào sổ điểm cá nhân để chờ hướng dẫn.

Linh hoạt điều chỉnh

Một đại diện Sở GD-ĐT TP Hà Nội cho hay theo phản ánh của một số Phòng GD-ĐT thì khó khăn lớn đối với các trường hiện nay là xây dựng kế hoạch dạy học, sắp xếp bố trí giáo viên dạy đối với các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý lớp 6. Các đơn vị đã đề nghị sở bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ở những môn học liên môn để triển khai thuận lợi cho kế hoạch đổi mới năm tiếp theo.

Gỡ rối cho các trường trong việc dạy học tích hợp, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD-ĐT, cho rằng để giảm tải cho giáo viên, các trường có thể điều chỉnh linh hoạt hơn nữa, ưu tiên xếp thời khóa biểu trước cho lớp 6, trong đó có các môn tích hợp, sau đó sẽ điều chỉnh thời khóa biểu các khối lớp còn lại.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết việc xây dựng kế hoạch dạy học được phân cấp cho nhà trường. Trong đó, việc sắp xếp thời khóa biểu cần linh hoạt, không nhất thiết 4 tiết khoa học tự nhiên/tuần mà có thể điều chỉnh tăng, giảm sao cho phù hợp, không quá tải cho giáo viên. Trường hợp giáo viên có giờ khoa học tự nhiên thì các tuần đó điều chỉnh bớt 1 số tiết ở lớp khối học khác cho phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường, bảo đảm cân đối về nội dung dạy học. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường. 

Mỹ thuật, âm nhạc sao đánh giá chung?

Trong khi đó, thầy Nguyễn Xuân Tuấn, một giáo viên dạy mỹ thuật, cho rằng việc ghép môn âm nhạc với môn mỹ thuật ở cấp tiểu học và THCS trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 thành môn nghệ thuật là rất bất hợp lý. "Dù đều là những môn học đòi hỏi năng khiếu của học sinh nhưng về bản chất, âm nhạc và mỹ thuật chẳng có gì liên quan với nhau. Chương trình môn học được thiết kế riêng lẻ; các trường cũng bố trí phân công, xếp thời khóa biểu 2 giáo viên dạy độc lập, kiểm tra thường xuyên được thực hiện riêng nhưng không hiểu sao lại bị ghép thành môn nghệ thuật?" - thầy Nguyễn Xuân Tuấn băn khoăn.

Theo giáo viên này, đó là chưa kể đến tình huống kết thúc học kỳ, học sinh được đánh giá "đạt" về âm nhạc nhưng "chưa đạt" về mỹ thuật thì phải đánh giá chung cho môn học đó như thế nào? Đây là câu hỏi mà cả nhà trường lẫn giáo viên đang chờ hướng dẫn.