Con bạn sẽ làm gì khi đi lạc, người lạ gõ cửa vào lúc bố mẹ đi vắng hay các trường hợp cấp cứu khẩn cấp? Dưới đây là những kỹ năng cho bé cùng những mẹo nhỏ dành cho bố mẹ để bảo vệ con mình.

1. Trẻ bị lạc bố mẹ ở nơi đông người

Vì trẻ đang trong độ tuổi hiếu động, thích chạy nhảy, nghịch ngợm nên việc lạc đường là khó tránh khỏi, đặc biệt ở những nơi đông người. Với bé còn quá nhỏ, bố mẹ buộc phải để ý con 24/24, tuy nhiên khi trẻ lớn hơn một chút, bố mẹ cần trang bị kỹ năng để con ứng phó với các tình huống như vậy.

- Giữ bình tĩnh: Bố mẹ nên dạy trẻ giữ bình tĩnh nếu lỡ bị lạc. Hoảng hốt rất dễ khiến các bé đưa ra quyết định không tốt và làm cho tình huống trở nên tồi tệ hơn. Cha mẹ cần giải thích cho trẻ biết, việc đi lạc không quá nghiêm trọng chỉ là tạm thời mất liên lạc với ba mẹ và nếu bé bình tĩnh xử lý thì sẽ gặp được cha mẹ sớm hơn.

- Tìm đến người có thể giúp đỡ: Dạy con tìm đến những người có trách nhiệm như bảo vệ, quản lý khu vực và cung cấp những thông tin liên quan đến bố mẹ để xin giúp đỡ.

- Chú ý trang phục: Khi đến những nơi đông người, bố mẹ nên cho bé mặc những trang phục có màu sắc sặc sỡ và dạy trẻ đứng ở vị trí quen thuộc khi bị lạc để bố mẹ có thể dễ dàng tìm thấy trẻ.

- Dạy con các thông tin quan trọng: Tên bố mẹ, địa chỉ nhà, số điện thoại của bố mẹ để bé có thể nhờ gọi khi cần thiết. Bên cạnh đó, con nên từ chối nếu người lạ (có thể là người xấu) ngỏ ý đưa con về nhà, thay vào đó hãy nhờ họ gọi điện và đợi bố mẹ tới đón.

2. Có người lạ gõ cửa nhà

- Nếu người lạ đòi mở cửa khi bé ở nhà một mình, thì bé tuyệt đối không nên mở. Bé phải chốt cửa thật chặt, rồi giả vờ gọi bố mẹ thật to trong nhà. Kẻ xấu tưởng bố mẹ ở nhà, sẽ sợ và bỏ đi ngay.

- Nếu người lạ mà bảo là người sửa chữa bếp ga, đường ống nước, đồ điện trong nhà hoặc là nhân viên thu tiền điện thoại... bé cũng không được mở cửa cho họ; hẹn họ khi khác có bố mẹ ở nhà rồi đến sau.

- Nếu người lạ bảo là đồng nghiệp, người làm cùng hay quen với bố mẹ, còn biết cả tên bé nữa, bé cũng phải cảnh giác, không mở cửa ngay. Bé hãy hỏi họ có việc gì cần, rồi ghi lại và bảo với bố mẹ sau.

- Nếu người lạ ngồi lì trước cửa không chịu đi, bé hãy gọi điện cho bố mẹ hoặc hàng xóm, cũng có thể gọi điện thoại 113 báo cảnh sát.

- Khi bố mẹ không có nhà, bé cũng bật tivi, bật đài lớn tiếng, để kẻ xấu tưởng trong nhà có người, chúng sẽ không dám quấy rối bé.

Dạy trẻ kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm - Ảnh 2.

3. Có hỏa hoạn xảy ra khi ở nhà một mình

Tình huống hỏa hoạn thường rất nguy hiểm bởi khi đó trẻ có thể hốt hoảng, sợ hãi hoặc xử lý không đúng. Do đó cha mẹ cần dạy trẻ: Phải bình tĩnh khi có tình huống như: phát hiện khói trong nhà, lửa cháy. Nếu lửa nhỏ chỉ cần lấy giẻ ướt đặt vào là được, trẻ có thể tự làm. Nếu lửa lan nhanh nhưng vẫn có thể chạy ra ngoài, hãy chạy thật nhanh sang tìm hàng xóm hoặc bất kỳ ai gần đó để nhờ họ liên hệ với cứu hỏa và bố mẹ.

4. Bị thương khi không có ai ở nhà

Đôi lúc do hiếu động nên trẻ có thể tự làm bị thương mình như bị bỏng, chảy máu chân tay. Nếu bị nhẹ, trẻ có thể tự sơ cứu, dán urgo, bôi kem trị bỏng. Nếu bị nặng, hãy dặn trẻ sang nhờ hàng xóm hoặc gọi điện ngay cho bố mẹ.

Cha mẹ cần làm gì để con an toàn khi ở nhà một mình?

- Rút các thiết bị điện có thể gây nguy hiểm cho trẻ như: lò vi sóng, bàn là,...

- Cất thật kỹ các vật dụng nguy hiểm có thể khiến trẻ bị thương như: dao, kéo, đồ vật sắc nhọn, các vật tròn nhỏ dễ gây hóc,...

- Cần để chìa khóa nhà để trẻ có thể ra vào được, tránh trường hợp bị nhốt trong nhà không thể thoát ra khi khẩn cấp.

- Nhờ hàng xóm để ý giúp nếu nhà có dấu hiệu lạ và dặn con nếu có vấn đề gì hãy nhờ người đó giúp đỡ.

- Chuẩn bị những vật dụng sơ cứu y tế cần thiết cho trẻ. Nhắc trẻ cầm điện thoại, để ý cuộc gọi của cha mẹ. Cha mẹ nên thường xuyên gọi về để nắm được tình hình của con.