44 tuổi, chị Nguyễn Lan Phương (quận 12, TP HCM) vẫn nhớ như in những bữa cơm thuở nhỏ với triền miên rau luộc, nước mắm, cá khô. Hồi đó, mỗi lần chị phàn nàn, mẹ không trách mắng mà nhẹ nhàng kể về những ngày cha dầm mưa phơi nắng ngoài công trình, còn mẹ buôn bán tảo tần sớm hôm để có tiền lo cho các con ăn học. 

"Những câu chuyện đó như mưa dầm thấm lâu, giúp tôi hiểu rằng để các con không đói, ba mẹ phải vất vả đến dường nào. Bữa ăn hằng ngày là minh chứng cho lòng yêu thương và sự hy sinh của đấng sinh thành. Lòng biết ơn được nhen nhóm từ những bữa cơm như vậy" - chị Lan Phương tâm sự.

Những bài học sâu sắc

Sau này lập gia đình, có con, chị Lan Phương cũng dạy con theo cách tương tự. Chị kể cho hai con về hành trình của từng hạt gạo, bó rau, con cá từ ruộng đồng đến mâm cơm. 

Có lần con trai chị - học tiểu học - sau khi xem một đoạn clip về những em bé vùng cao phải nhịn đói đến trường, đã quay sang hỏi: "Mẹ ơi, tụi con có may mắn không?". Chị xoa đầu con rồi trả lời: "May mắn không chỉ là có bữa ăn ngon, mà là mình hiểu được giá trị của bữa ăn và biết trân trọng những gì đang có". Từ hôm đó, con trai chị không kén chọn và không bỏ thừa thức ăn.

Với chị Trần Thị Kim Hạnh - giáo viên trung học cơ sở ở quận Tân Phú, TP HCM - bài học về lòng biết ơn đến từ một lần con gái (4 tuổi) vô tình làm đổ lon nước ở sảnh chung cư. Khi cô lao công nhắc nhở, con lúng túng định bỏ đi. Chị Hạnh nhẹ nhàng hỏi: "Nếu con là cô lao công, vừa vất vả lau sàn xong lại bị vấy bẩn, con có buồn không? Con nên quay lại xin lỗi và cảm ơn cô". Hiểu chuyện nên con gái chị gật đầu làm theo. 

"Tôi muốn dạy con rằng biết ơn là biết quý trọng công sức, thông cảm với sự vất vả của người khác và sống có trách nhiệm với cộng đồng" - chị Hạnh chia sẻ.

Anh Lê Minh Hòa (quận Bình Thạnh, TP HCM) thì kể việc anh dạy con gái (7 tuổi) lòng biết ơn là một hành trình dài "giải cứu" con khỏi thói quen so sánh: "Sao nhà mình không có ô tô?", "Bạn được đi du lịch nước ngoài còn con thì không?"… 

Mỗi lần như vậy, anh kể cho con nghe để đủ tiền đóng học phí, ba mẹ phải làm thêm buổi tối dù cả ngày phải làm việc vất vả. Cuối tháng, anh dẫn con đến thăm trẻ em ở mái ấm để con nhận ra mình may mắn hơn nhiều bạn đồng trang lứa. 

Đến bây giờ, con gái anh không còn so đo với bạn bè và cũng biết chia sẻ với những người xung quanh hơn. "Tôi chỉ mong con hiểu rằng để có được điều mình đang có, nhiều người đã hy sinh và cố gắng rất nhiều. Biết ơn là nền tảng để con sống hạnh phúc, không bị cuốn theo những giá trị vật chất".

Minh họa AI: Vy Thư

Minh họa AI: Vy Thư

Cha mẹ phải là tấm gương

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em không thể học lòng biết ơn chỉ qua lời nói suông. Cách hiệu quả nhất là để con trải nghiệm thực tế. Khi trẻ được tận tay giúp đỡ người khác, chứng kiến sự vất vả, hy sinh của người lao động, của người nghèo…, trẻ sẽ biết trân trọng hơn những gì mình có. 

Những trải nghiệm ấy giúp trẻ hiểu rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng đủ đầy và mỗi bữa ăn, mỗi món đồ mình đang sở hữu đều là kết quả của sự cố gắng, lao động, thậm chí là hy sinh từ người khác.

"Biết ơn không phải là lời nói được dạy, mà là cảm xúc được nuôi dưỡng. Mỗi hành động tử tế, mỗi ánh mắt quan tâm mà con dành cho người khác chính là thành quả từ những năm tháng được dạy dỗ đầy yêu thương từ những điều đơn giản" - chuyên gia tâm lý Ngô Minh Thy chia sẻ.

Cũng theo bà Minh Thy, cha mẹ là tấm gương trong việc gieo mầm lòng biết ơn. Trẻ học từ những gì cha mẹ làm, chứ không chỉ từ những gì cha mẹ nói. Nếu trong gia đình, người lớn thường xuyên nói lời cảm ơn với người giúp việc, với ông bà, với nhau và cả với con, trẻ sẽ dần hình thành thói quen đó. 

Những câu nói giản dị như: "Cảm ơn mẹ đã đón con đúng giờ", "Cảm ơn ba đã sửa xe cho con", "Cảm ơn con đã tự sắp xếp quần áo hôm nay"… chính là những hạt giống âm thầm gieo vào lòng con ý thức về sự trân trọng, biết ơn và yêu thương.

Trong một xã hội nhiều biến động, nơi các giá trị vật chất dễ lấn át giá trị tinh thần, lòng biết ơn chính là gốc rễ nuôi dưỡng nhân cách. Một đứa trẻ biết ơn sẽ lớn lên thành người biết yêu thương, sống có trách nhiệm, không ích kỷ và biết nghĩ cho người khác. 

Sự biết ơn giúp trẻ đối diện với khó khăn bằng tâm thế vững vàng, không dễ dàng so sánh hay than phiền, mà thay vào đó là tinh thần trân trọng, sẻ chia và nỗ lực.

"Giáo dục lòng biết ơn không thể là một bài học lý thuyết. Nó cần được bắt đầu từ gia đình, nơi những hành động nhỏ như dọn dẹp cùng mẹ, nói lời cảm ơn ba, thăm bà ngoại cuối tuần, chia sẻ phần quà cho bạn nghèo… đều có thể trở thành bài học sống động và bền vững" - anh Lê Minh Hòa đúc kết. 

Biết ơn không phải là điều con phải học, mà là điều con cần được cảm nhận bằng trái tim.