Hạnh phúc của một đứa trẻ nằm trong tay cha mẹ chúng. Dù bạn là ai, ở địa vị nào thì cách bạn hành xử và nuôi dạy con cái cũng sẽ quyết định đến tương lai của các bé. Dưới đây là 4 tiêu chí quan trọng do Chuyên gia Anh Nguyễn, tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực" chia sẻ nhằm đánh giá xem liệu trẻ có đang sống và được nuôi dưỡng trong sự hạnh phúc hay không.

1. TRẺ CÓ ĐƯỢC GIÁO DỤC BẰNG NGÔN NGỮ, MÀ KHÔNG BẰNG PHI NGÔN NGỮ

TS. Schlozman, ĐH Harvard chỉ ra rằng: la mắng cũng gây ra tác hại như đánh trẻ. Chỉ khác là cha mẹ hiện đại ngày nay hiểu và họ ít sử dụng đánh để răn đe, nhưng họ vẫn thường xuyên la mắng với trẻ. Một thống kê cho thấy có đến 90% cha mẹ quát mắng con trẻ trong 12 tháng qua. Thực ra, la mắng hay đánh đều là những cách phi giáo dục. Trẻ con cần được dạy bằng sự tôn trọng, lắng nghe từ cha mẹ. Để làm tốt điều này, đầu tiên bạn cần gạt bỏ những áp đặt suy nghĩ của mình trên trẻ, học cách làm bạn, làm người hướng dẫn của trẻ và trẻ sẽ tự biết cách xây dựng giấc mơ của chính con.

2. TRẺ CÓ ĐƯỢC CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CÂN BẰNG

Trẻ nên được cho bú mẹ sớm ngay khi sinh và ăn dặm đúng thời điểm. Hơn hết chế độ ăn của trẻ nên đa dạng và cân bằng để trẻ nhận đủ các dưỡng chất trẻ cần cho sự phát triển. Bằng chứng khoa học cho thấy thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trước 5 tuổi có liên quan đến chậm tăng trưởng cả về thể chất và tinh thần của trẻ, làm trẻ chậm bắt nhịp ở những độ tuổi sau.

Để con thật sự là một em bé hạnh phúc, bố mẹ đừng quên làm 4 điều sau  - Ảnh 1.

3. TRẺ CÓ THỜI GIAN TƯƠNG TÁC CHẤT LƯỢNG CÙNG CHA MẸ KHÔNG

- Quan tâm về hoạt động thể chất của trẻ: Trẻ có ít nhất 60 phút/tuần tham gia các hoạt động ngoài trời. Các hoạt động này bao gồm đi bộ hay dạo công viên. Quan trọng hơn là, trẻ nên có ít nhất một lần/tuần cùng cả bố và mẹ chơi vận động cùng nhau.

- Quan tâm về thời gian xem/chơi trên màn hình điện tử của trẻ: Các hoạt động xem các video/tiktok hoặc chơi game trên điện thoại/ipad là những hoạt động thụ động. Trẻ 2- 5 tuổi chỉ xem/chơi ít hơn 60 phút/ngày. Thay vào đó, cha mẹ nên cùng nằm trò chuyện, đọc sách hoặc tạo các trò chơi vui chơi cùng trẻ. Đó cũng là cách khơi gợi tư duy và sáng tạo của trẻ.

- Quan tâm trẻ có được ăn tối cùng cha mẹ: Dù bạn bận đến đâu cũng nên ăn tối cùng trẻ và gia đình. Những bằng chứng cho thấy việc thường ăn tối cùng nhau giúp xây dựng gắn kết giữa cha mẹ và con cái, trẻ cũng hạnh phúc và tự tin về gia đình của mình hơn.

4. TRẺ CÓ ĐƯỢC DẠY VỀ LÒNG BIẾT ƠN, CÁCH GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA BẢN THÂN

Các bé từ 2-8 tuổi nên sớm được dạy về lòng biết ơn. Phần lớn chúng ta dạy trẻ "hãy cảm ơn cô đi", "ạ bà đi", nhưng TS. Hussong, ĐH North Carolina, Mỹ chia sẻ: chúng ta chỉ tập trung dạy trẻ về hình thức mà quên dạy trẻ cách nuôi dưỡng nhận thức, học cách suy nghĩ và biểu lộ cảm xúc thực sự cho những hành động này. Để giúp trẻ học về lòng biết ơn, cha mẹ nên:

- Trò chuyện với trẻ về những điều hay, về những người mà bạn và bé gặp trên đường về nhà mỗi ngày. Ví dụ, gặp một bà cụ nằm ngủ ngoài đường. Việc đầu tiên, đừng nói với trẻ như "con cầm tiền lại cho bà cụ đi". Câu chuyện bạn cần nói với trẻ là về bà cụ, nơi bà cụ đang nằm... Khi nói về hoàn cảnh, trẻ sẽ phát triển sự nhận thức vào sự việc.

- Tiếp, dạy trẻ phải suy nghĩ và đó là suy nghĩ của trẻ, đừng áp đặt suy nghĩ của bạn lên suy nghĩ của trẻ. Để giúp trẻ suy nghĩ rất đơn giản, chỉ cần đặt câu hỏi cho trẻ và lắng nghe câu trả lời của trẻ. Ví dụ, trở lại câu chuyện bà cụ, những câu hỏi bạn có thể hỏi là: "chúng ta thường ngủ ở đâu nè con?" đợi trẻ trả lời: "trên giường ạ", "liệu chúng ta có gì trên giường nè?" cũng nên khuyến khích trẻ trả lời "dạ, có gối, có mền ạ".

- Giúp trẻ nhận ra cảm xúc của trẻ từ nhận thức và suy nghĩ. Mỗi đứa trẻ sẽ phát triển khác nhau. Đừng gượng ép cảm xúc của trẻ như là "con nên thương cảm chứ", "con không thương bà à". Một lần nữa, bạn có thể dùng câu hỏi để nhận ra cảm xúc của trẻ liên quan đến tình huống ban đầu, cũng như giúp trẻ nhận ra sự hạnh phúc và biết ơn những gì đang có. 

Dạy trẻ công việc nhà vừa sức như 1 trách nhiệm đóng góp: Khi trẻ được dạy và hướng dẫn để có trách nhiệm với các công việc trong gia đình phù hợp càng sớm thì tại thời điểm đó não bộ của trẻ sẽ hoạt động để bắt đầu đáp ứng với các tình huống như sắp xếp thời gian để làm, tìm giải pháp nếu công việc khó, hiểu sự vất vả, thông cảm...  Nói chung, não bộ luôn ở tư thế sẵn sàng và luôn giúp trẻ nhận ra điều tất yếu trong cuộc sống là cống hiến và làm việc. Nó là động lực thúc đẩy trẻ xông xáo vào công việc, dù khó.

Cho trẻ trải nghiệm cảm giác thất bại? Giúp trẻ tự nhận ra kết quả "không như mong đợi" trong cuộc sống hàng ngày và học cách chấp nhận nó như 1 kết quả có thể xảy ra. Cha mẹ nên yêu thương và che chở trẻ như người quan sát, đừng chỉ lo trẻ gặp khó khăn mà làm thay cho trẻ, hoặc làm dễ cho trẻ. Cái đó không phải là che chở lo lắng mà là lấy mất cơ hội để trẻ hiểu về sự thất bại - điều mà tất yếu phải có trong cuộc sống.

Các bố/ mẹ đã làm được bao nhiêu điều kể trên?