Cha mẹ nào cũng hy vọng, con lớn lên sẽ biết mình thích gì và nỗ lực để theo đuổi đam mê của mình. Với sự phát triển của Internet, mỗi ông bố bà mẹ đều cố gắng tìm hiểu, tạo cho mình một phương pháp dạy con riêng biệt, với hy vọng có thể kích thích sự ham học và tìm ra tài năng của con ngay từ nhỏ.

Theo đó, một người mẹ đã chia sẻ phương pháp dạy con trai từ 3 tuổi mà cô cực kỳ tâm đắc trên trang NetEase, Trung Quốc. Mỗi ngày chỉ cần dành một chút thời gian, nhưng kết quả thu được hoàn toàn khiến cô bất ngờ. Hiện cách này đang được nhiều bậc phụ huynh áp dụng theo. Đó là cùng con thực hiện hoặc tham khảo các thí nghiệm khoa học vui và an toàn.

Cụ thể, chị Lưu cho biết ban đầu cũng không hứng thú với phương pháp này, vì nghĩ nó chẳng có gì độc đáo. Nhưng trải qua một thời gian áp dụng, thành kiến đó đã thay đổi. Nhờ phương pháp này mà đến bây giờ, chị đã dần hình thành cho con niềm đam mê khoa học, sự tò mò và ham học hỏi.

 - Ảnh 2.

Mỗi ngày, người mẹ cùng con tham khảo các thí nghiệm vui và thực hiện nó. Ảnh: NetEase

Vì sao nên cùng con thực hiện thí nghiệm khoa học

Trong quan niệm giáo dục con cái, chị Lưu cho rằng không nên ép buộc, mà phải để chúng cảm nhận được niềm vui và sự thú vị từ việc học. Để làm được điều đó, mỗi ngày chị điều tìm hiểu trên Internet và cùng con thực hiện những thí nghiệm khoa học nhỏ. Lâu dần, việc này trở thành thói quen và mỗi lần như vậy, con trai lại cảm thấy hứng thú khi học thêm một điều mới.

 - Ảnh 3.

Ở trẻ em từ 3 tuổi, chúng bắt đầu xuất hiện những câu hỏi tò mò về thế giới xung quanh và mong muốn có người cùng chúng tìm hiểu. Những thí nghiệm khoa học nhỏ sẽ kích thích ở trẻ sự tò mò, quan sát, nghiên cứu và muốn chứng minh. Nhưng trong mắt nhiều cha mẹ, những thí nghiệm khoa học mà con tò mò chẳng qua chỉ là sự vô nghĩa, là những trò nghịch phá và rắc rối.

 - Ảnh 4.

Hiểu được điều này, chị Lưu đã kích thích ham muốn học hỏi của con trai mình bằng những thí nghiệm khoa học nhỏ. Trong 3 năm qua, chị đã cùng con trai khám phá nên rất nhiều hiện tượng khoa học thú vị. Chị Lưu cảm nhận rõ ràng sự trưởng thành lên từng ngày và sự thay đổi tích cực đến với con mình .

Bốn lợi ích từ việc cùng con thực hiện thí nghiệm khoa học vui

    1. Kích thích sự tò mò

Cha mẹ thường lo ngại rằng, những thí nghiệm nhỏ này trông thú vị, nhưng sau khi con trẻ vừa học vừa chơi, chúng có thực sự hữu ích không?

Những kiến thức mà thí nghiệm vui mang lại có thể không giúp trẻ áp dụng vào thực tế, nhưng niềm yêu thích và trí thông minh của trẻ có thể hình thành, trau dồi trong quá trình thực hiện, quan sát và suy nghĩ.

 - Ảnh 5.

Ảnh minh họa

Mọi đứa trẻ khi còn nhỏ đều hay tò mò một cách mãnh liệt, nhưng tính tò mò đó sẽ bị “xóa sổ” bởi những phương pháp học tập thúc ép, dồn dập, không phù hợp với độ tuổi đến từ cha mẹ. Khi mất đi tính tò mò, lâu dần trẻ sẽ không còn hứng thú, trở nên lười biếng, nhác học.

2. Cải thiện khả năng học tập

Bởi vì sự tò mò luôn tồn tại, nên con trẻ sẽ sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi cách có thể cung cấp kiến thức để thỏa mãn tính tò mò trong chúng.

 - Ảnh 6.

Ảnh minh họa

Chị Lưu chia sẻ rằng, khi con mình được 4 tuổi, con năn nỉ mẹ mua một cuốn bách khoa toàn thư dành cho trẻ em khi bắt gặp trong nhà sách. Cuốn sách mặc dù chứa đầy những điều hoàn toàn xa lạ, nhưng điều đó không ngăn cản sự hứng thú của con. Cậu bé lúc ấy đã hỏi bố mẹ những điều không biết và được bố mẹ giải đáp tỉ mỉ.

Ban đầu, chị Lưu nghĩ rằng con chỉ đang quan sát xung quanh, nhưng chị vô cùng bất ngờ khi trong một lần đến tham quan bảo tàng, con đã dễ dàng xác định được các hành tinh trong hệ Mặt trời và những hình ảnh tương ứng của Sao Thủy, Sao Kim, Trái đất, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương.

 - Ảnh 8.

Người mẹ cũng thường đưa con đến bảo tàng, thư viện để con khám phá. Ảnh: NetEase

3. Trau dồi khả năng tư duy

Việc thường xuyên thực hiện các thí nghiệm khoa học vui sẽ khiến trẻ học được cách suy nghĩ chủ động.

Trong một lần nọ, chị Lưu đưa cho con bức tranh vẽ hình trái đất và nói với con rằng “trái đất tròn như một quả bóng”. Con trai suy nghĩ một lúc rồi hỏi lại mẹ: "Mẹ ơi, trái đất tròn mà sao đường bằng phẳng? Sao đường chưa cong?”. Câu hỏi khiến chị sững sờ vì không ngờ con có thể nghĩ ra được như thế.

Việc thực hiện thí nghiệm khoa học từ bé có thể hình thành cho con có tư duy độc lập và quan điểm của riêng mình đối với một vấn đề, không mê tín dị đoan, không tư duy mù quáng. Đây chính là ưu điểm mà những thí nghiệm vui mang lại.

4. Tạo niềm vui lành mạnh cho trẻ

Thay vì dán mắt vào các thiết bị điện tử, điện thoại, niềm vui vừa học vừa chơi từ thí nghiệm vui sẽ lành mạnh và bổ ích hơn. Ngay cả khi không có ai chơi cùng, con cũng có thể tự mình sáng chế ra trò chơi và chơi một mình trong thời gian dài mà không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe như khi dùng điện thoại thông minh.

Cha mẹ nếu muốn cùng con khám phá khoa học nhưng không có nhiều thời gian thì hãy mua cho con những cuốn sách bách khoa toàn thư dành cho trẻ em, hoặc thường xuyên đưa con đến bảo tàng, sở thú vào cuối tuần. Cha mẹ cũng có thể tham khảo trên các nền tảng mạng xã hội các thí nghiệm khoa học vui và thú vị.

Điều quan trọng, hãy dành thời gian chơi cùng con mỗi tuần một lần để kịp thời tìm hiểu, đáp ứng nhu cầu học hỏi của con. Chỉ cần kiên trì, cha mẹ sẽ nhận thấy sự thay đổi khác biệt từ con sau một thời gian ngắn.

(Theo NetEase)