TS.BS Nguyễn Thu Hương - Trưởng khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, đây là bệnh lý xuất hiện khi vi khuẩn đi vào niệu đạo và nhân lên trong đường tiểu hoặc do vi khuẩn đi từ máu đến thận và đường tiết niệu.
“Trên thực tế trẻ nào cũng có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu, tuy nhiên bệnh phổ biến hơn ở trẻ gái vì niệu đạo của bé gái (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể) ngắn hơn và gần hậu môn hơn so với trẻ trai, do đó vi khuẩn dễ dàng đi vào niệu đạo. Theo ghi nhận, khoảng 8,4% trẻ gái và 1,7% trẻ trai có ít nhất một đợt nhiễm trùng tiểu cho đến 7 tuổi” – BS Hương cho biết.
Một trường hợp cụ thể, bé L. (10 tháng, ở Hà Nội) đột nhiên sốt cao 39 độ C mà không có biểu hiện bất thường nào khác. Cho rằng con sốt virus thông thường nên gia đình đã mua thuốc hạ sốt để tự điều trị cho trẻ tại nhà. Tuy nhiên, sau 3 ngày trẻ không cắt được sốt, cứ 4 tiếng lại phải dùng thuốc hạ sốt một lần, kèm theo biểu hiện mệt mỏi và bỏ chơi. Gia đình đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi trung và bất ngờ khi được các bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh nhi bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
BS Nguyễn Thu Hương lý giải: “Nguyên nhân thường gặp nhất khiến trẻ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi trùng gram âm E.Coli (chiếm 80%), hoặc do virus gây nhiễm trùng tiểu như Adenovirus, Enteroviruses… Bên cạnh đó, khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện cho nấm phát triển và khuếch tán khắp nơi, khi trẻ tham gia hoạt động vui chơi sẽ dễ dàng tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh. Đồng thời, những thói quen hàng ngày do bố mẹ thực hiện cho trẻ như: Đóng bỉm thường xuyên, sử dụng bỉm không đúng cách, hay cho trẻ mặc quần thủng... cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiểu ở trẻ”.
Đáng chú ý, chuyên gia nhấn mạnh, tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và dứt điểm, nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ có thể tái phát nhiều lần, gây biến chứng nguy hiểm…
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ, với trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ vệ sinh vùng kín, nhất là bé gái. Lưu ý nên rửa tay sát khuẩn sạch sẽ trước khi thực hiện. Nên hướng dẫn để trẻ hiểu tầm quan trọng của việc vệ sinh vùng kín cũng như biết cách tự vệ sinh từ sớm. Thường xuyên thay bỉm, lau khô và chú ý dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, cần tập thói quen cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày, đa dạng với các loại nước canh, nước súp, nước hoa quả bên cạnh nước lọc. Ăn uống đảm bảo vệ sinh với các loại rau củ quả để tăng lượng nước làm cho hệ bài tiết nước tiểu của trẻ được tốt hơn. Tập thói quen đi tiểu khoa học cho trẻ. Nên dặn trẻ không nên nhịn tiểu, có thể tập thói quen đi tiểu đúng giờ để tạo phản xạ tự nhiên. Đưa trẻ đi khám và điều trị nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu.