Vì vậy mỗi người dân cần chủ động phòng tránh dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho gia đình và bản thân.

Thời tiết nắng nóng gia tăng bệnh sốt xuất huyết

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm nay, trên địa bàn ghi nhận 90 ca mắc ho gà, trong đó có 1 trường hợp tử vong, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có 2 ca mắc và không có trường hợp tử vong.

Tương tự, bệnh tay chân miệng có 584 ca mắc (tăng 411 ca so với cùng kỳ). Riêng số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) bắt đầu ghi nhận sự gia tăng từ đầu tháng 5. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 102 ca mắc SXH (tăng 62 ca so với cùng kỳ). Bệnh nhân xuất hiện tại 19/30 (chiếm 63%) quận, huyện, thị xã và 59/584 (chiếm 10%) xã, phường. Đáng lưu ý, trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện một số ổ dịch SXH nhỏ (từ 2-3 người mắc), nhiều nhất là ở phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng) - có 9 người mắc. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Hoàng Đức Hạnh, cho biết tình hình dịch bệnh từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố ổn định, tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng bất thường như những ngày qua, dịch bệnh có nguy cơ diễn biến phức tạp, nhất là dịch sốt xuất huyết. Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue, trong năm 2015, Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức 502 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng, chưa kể các chiến dịch do thành phố tổ chức tại các xã, phường, thị trấn. Do đó, nếu công tác phòng chống dịch bệnh không tốt sẽ khiến nhiều loại dịch bệnh bùng phát, khó kiểm soát.

Đối với dịch bệnh MERS-CoV, ngành Y tế Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị đối phó với dịch bệnh tại BV Đa khoa Đống Đa. Tại đây đã bố trí toàn bộ tầng 3 của khoa truyền nhiễm là khu vực cách ly cùng nguồn nhân lực, thuốc, dịch truyền, phương tiện y tế cần thiết để tiếp nhận, cách ly, điều trị cho bệnh nhân nhiễm MERS-CoV, phối hợp với các chuyên gia của BV Bệnh Nhiệt đới trung ương tập huấn công tác chẩn đoán và điều trị cho cán bộ y tế khoa truyền nhiễm, kiểm soát dịch bệnh. Ngành y tế đã chuẩn bị 3000 lít hóa chất, 10 tấn chloramin B, 104 máy phun chuyên dụng, 200 bộ bảo hộ an toàn sinh học cho công tác phòng dịch. Tại các BV đã bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly để chủ động tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân nhiễm MERS-CoV.

phòng ngừa dịch bệnh mùa hè
Hiện nay tình hình dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp. Tình trạng “dịch chồng dịch” khó tránh khỏi. Ảnh minh họa

Xử lý kịp thời không để dịch lây lan

Trong khi dịch bệnh ở các tỉnh phía Bắc vẫn đang trong tầm kiểm soát thì tình hình dịch bệnh ở phía Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Hiện bệnh sốt xuất huyết đã vào mùa với số mắc chiếm 89% cả nước, đặc biệt là trong số gần 10.000 trường hợp mắc đã có 10 trường hợp tử vong. Khu vực này cũng là nơi ghi nhận ca mắc và tử vong do tay chân miệng cao nhất cả nước. Cụ thể, số mắc tay chân miệng tại phía Nam là gần 11 nghìn trường hợp, trong đó có 2 trường hợp tử vong (chiếm 66% cả nước).

Trong khi đó một diễn biến khác là tình hịch bệnh MERS-CoV đang diễn biến hết sức phức tạp tại Hàn Quốc, đất nước có sự giao lưu rất lớn đối với Việt Nam. Mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm MERS-CoV, nhưng tình hình dịch bệnh đang hết sức phức tạp. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh MERS-CoV tại Hàn Quốc còn nhanh hơn cả tại Trung Đông. Điều đó khiến các nhà khoa học bất ngờ và cho thấy việc lây nhiễm bệnh này giữa người với người diễn ra tương đối dễ dàng.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam nhấn mạnh, virus Corona lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết dịch qua đường hô hấp của người bệnh gây ra nhiễm trùng hô hấp nặng, thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày. Theo nhận định của Bộ Y tế, nguy cơ dịch xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Chính vì vậy, từng cán bộ y tế cần cập nhật kiến thức chuyên ngành để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, tập trung điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do dịch bệnh MERS-CoV là yêu cầu của ngành y tế.

Trước tình hình bệnh MERS-CoV đang diễn biến khó lường, Thủ tướng chính phủ có công điện về việc phòng, chống dịch bệnh gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung đông do vi rút Corona (MERS-CoV).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh MERS-CoV để thông báo kịp thời về tính nguy hiểm, nguyên nhân lây bệnh, cách thức lan truyền và phương pháp phòng, chống dịch cho nhân dân biết để nhân dân chủ động phòng, chống dịch MERS-CoV; đánh giá, dự báo khả năng lây nhiễm vào Việt Nam để chủ động lên kế hoạch phòng, chống.

Các Bộ: Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Văn hoá-Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở kế hoạch phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV của Bộ Y tế, có kế hoạch triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV lây nhiễm vào Việt Nam.

Bộ Y tế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV tại các cửa khẩu cũng như hướng dẫn, tập huấn, diễn tập việc theo dõi, cách ly y tế, chăm sóc y tế đối với các trường hợp mắc bệnh dịch MERS-CoV tại các cửa khẩu cũng như tại địa phương nhằm chủ động chống dịch, ngăn chặn lan rộng ra cộng đồng và hạn chế thấp nhất tử vong và số người mắc bệnh trong trường hợp có dịch nhiễm vào Việt Nam.

Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khuyến nghị người dân không nên đi đến các vùng đang có dịch bệnh MERS-CoV; cũng như những trường hợp đang ở vùng dịch có nhu cầu đến, hoặc trở về Việt Nam.

Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế.