"Chủ động là làm điều gì đó mà không cần phải yêu cầu"– Victor Hugo. Bên cạnh năng động, sáng tạo; chủ động là một trong những yếu tố quyết định thành công của một nhân viên văn phòng. Người có tính chủ động thường biết cách hoàn thành công việc được giao một cách nhanh chóng, tối đa hoá giá trị bản thân cũng như góp phần nâng cao chất lượng công việc.
Vậy sự chủ động hay tính chủ động có phải là một yếu tố bẩm sinh? Có khó hay không và làm thế nào để mỗi cá nhân có thể rèn luyện cho mình một tinh thần chủ động? Tất cả những câu hỏi về tính chủ động đã được chuyên gia nhượng quyền thương hiệu Nguyễn Phi Vân trả lời trong bài chia sẻ gần đây của bản thân mình trên mạng xã hội. Cụ thể, chị viết:
"RÈN LUYỆN TÍNH CHỦ ĐỘNG
Hôm qua chia sẻ bài "Loài quá khứ" xong thì rất nhiều bạn trẻ comment và inbox hỏi, giờ em cần làm gì để rèn luyện tính chủ động. Hôm nay viết đạo bùa này cho mấy bạn dán ngay trước chỗ ngồi làm việc để trừ tà nè nha. Đề nghị đọc mỗi khi nhận việc và đọc 1 lần trước khi bắt đầu ngày mới để tăng sức đề kháng. Thứ gì đã thành thói quen thì cũng phải dùng thói quen để chữa. Cứ ép thói quen cũ ra, chen thói quen mới vào mỗi ngày là sẽ được.
Mỗi khi được giao và bắt đầu 1 công việc mới, tôi kiên quyết thực hiện ba điều sau:
1. Thái độ khi được giao việc: I own this task - tôi là chủ sở hữu công việc này. Mọi trách nhiệm thành bại của công việc này, tôi là người chịu trách nhiệm. Nếu việc không xong là trách nhiệm của tôi và tôi sẽ hoàn toàn không đổ lỗi cho ai khác. Nếu giao một khâu trong dự án cho ai đó mà người đó không hoàn thành đúng tiến độ thì phải có giải pháp để dự án tiếp tục, không đổ lỗi cho người đó làm hỏng dự án của mình.
Họ làm không xong là chuyện của họ. Tôi không hoàn thành dự án là trách nhiệm của tôi do thiếu kỹ năng quản trị dự án. Người chỉ biết đổ lỗi cho người khác là người kém trách nhiệm, thiếu kỹ năng, khả năng và không đáng tin cậy. Nếu kết quả không tốt, tôi dũng cảm nhận là do bản thân chưa quản trị tốt, chưa tận tâm tận lực, chưa biết sắp xếp và phân việc, chưa có kỹ năng cộng tác tốt,…
2. Trước khi thực hiện công việc: Nghiêm túc ngồi xuống suy nghĩ why - how - what. Tại sao cần làm việc này? Mục tiêu cần đạt được là gì? Trông hình hài nó ra làm sao? Để đạt được mục tiêu đó có những cách nào? Cách nào là tối ưu nhất? Cách nào là phù hợp với nguồn lực hiện tại nhất? Có rủi ro hay khó khăn gì khi thực hiện theo cách này không? Nếu có, đó có thể là gì và cách giải quyết ra sao? Vậy thì cuối cùng là what, tôi cần thực hiện từng bước gì để hoàn thành công việc được giao nhằm hoàn thành mục tiêu đã xác định?
Hỏi và trả lời những câu hỏi trên là cách để bạn lên kế hoạch thực hiện cho đúng. Đừng cắm đầu làm như thiên lôi mà chẳng hiểu mô tê.
3. Trong suốt thời gian lên kế hoạch và thực hiện: Liên tục chủ động báo cáo xin ý kiến, hướng dẫn, đồng ý giải pháp cho các vấn đề gặp phải. Chia sẻ thông tin và tương tác với sếp là cách để giúp họ hiểu rõ và an tâm là công việc đang đúng tiến độ, và hỗ trợ cho ý kiến đóng góp tốt hơn cho công việc bạn đang thực hiện. Đồng thời, liên tục chia sẻ thông tin, cập nhật, trao đổi với những thành viên liên quan đến công việc, nhắc nhở deadline nếu cần, có phương án giải quyết khi bị ùn tắc hay có sự cố.
Thói quen của người Việt là im, hỏi tới mới nói, nói ra là đổ thừa tại bị lung tung. Mọi trách nhiệm quy về bạn hết. Người đến 1 cái task giao làm không xong, đổ thừa tá lả là người kém cỏi. Làm ơn mở miệng, mở lòng ra giao tiếp. Nếu không ai biết chỗ nào ngứa mà gãi. Là do bản thân hết thôi nha. Giao tiếp tốt không những giúp cho dự án thành công mà còn xây dựng được sự trân trọng, hỗ trợ của sếp và đồng nghiệp dành cho mình.
Rồi cứ niệm đúng 3 khẩu quyết này mỗi ngày mỗi khi nhận công việc mới sẽ giúp bạn xây dựng sự chủ động cần có trong công việc. Nếu muốn hội nhập tương lai, không bị quăng vào bảo tàng thì bắt đầu ngay hôm nay đi nhé".
Ngay sau khi được đăng tải cách đây chưa lâu, những dòng chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Phi Vân đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo người hâm mộ. Rất nhiều bình luận bày tỏ quan điểm về vấn đề này đã được để lại bên dưới:
"Bản thân em đã rèn luyện SỰ CHỦ ĐỘNG này nhiều rồi. Mặc dù chẳng ai hướng dẫn mà mình vẫn luyện thành. Nhưng khi đi giúp người khác rèn luyện đức tính lại rất khó, nhất là những bạn đồng trang lứa hoặc quá thân quen".
"Cách viết về một vấn đề "động chạm" của chị vô cùng dí dỏm. Có lẽ chỉ có như vậy mới có thể "đi vào lòng" của người nghe được".
"Nhưng có lẽ bài viết chỉ dành cho những người tự giác nhận thức được vấn đề. Nếu phải quản lý một nhân sự thiếu chủ động và bản thân họ không nhận thức được điều ấy thì quản lý sẽ làm gì để giúp họ? Liệu loại bỏ họ có phải đáp án dễ và hiệu quả nhất?".
Rèn luyện được cho bản thân mình sự chủ động trong công việc nói riêng cũng như tất cả những khía cạnh khác trong cuộc sống nói chung không phải là điều đơn giản. Tuy nhiên, những lợi ích mà đức tính tích cực này mang lại là không thể chối cãi. Vì lẽ đó, hãy cố gắng để chủ động trong mọi tình huống, chị em công sở nhé.