Đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 chuyên tỉnh Đồng Nai năm nay khiến khá nhiều người hào hứng và ngợi khen hết lời. Tuy đề khá lạ nhưng ai cũng phải khen hay từ tư duy đến cách đặt vấn đề và quan trọng nó khá thời cuộc và hiện đại.

Nhiều người có cảm giác đây như 1 làn gió mới với cách ra đề hiện tại vì sự đơn giản, dễ hiểu và "đời" đến như thế. Cách đưa ra vấn đề giản dị, không cao siêu đao to búa lớn nhưng rất cuộc sống khiến "hội người lớn" cũng nô nức muốn được đi thi để bày tỏ quan điểm của mình.

Có lẽ nó "khá kích thích" vì đánh trúng 1 vấn đề mà xã hội đang quan tâm, 1 khía cạnh ngách nhưng gần gũi vô cùng.

Đề thi Ngữ Văn chuyên lớp 10 ở Đồng Nai cấp tiến cỡ nào mà Trác Thúy Miêu cùng hàng loạt người lớn đồng loạt đòi đi thi - Ảnh 1.

Đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 tỉnh Đồng Nai.

Trong đề Ngữ Văn này câu 1 được cho là điểm nhấn khá thú vị vì bám vào 1 vấn đề rất đời, rất cuộc sống từ chính tâm lý đầy áp lực của các con do sự kỳ vọng của cha mẹ và liên hệ ngay trong chính kỳ thi có tính quyết định này. Đây cũng là 1 trạng thái được cho là nỗi niềm chung của teen từ áp lực có thật từ chuyện thi cử.

Câu 1:

"Tốn bao nhiêu tiền ăn học, tại sao điểm thấp thế này? Sao chỉ có ăn với học mà làm cũng không xong? Con phải cố gắng đậu trường A. bố mẹ đặt hết kì vọng vào con". Đó là những lời bố mẹ luôn nói với tôi. Lúc ấy, tôi chỉ muốn trả lời rằng: "Con chỉ muốn sống 1 cuộc sống bình thường nhưng sống bình thường cũng rất khốc liệt".

Bằng trải nghiệm của bản thân hãy bày tỏ suy nghĩ về câu trả lời trên.

Câu 2:

Trong cuốn "Phẩm cách văn chương", tác giả Hàn Quốc Ki Ju Lee đã chia sẻ:

"Có lẽ việc đặt tên cho 1 tác phẩm cũng cần sự chân thành không kém gì đặt tên cho 1 con người... Từng chữ được tác giả lấy tâm hồn và nước mắt làm mực, tận tụy viết ra trang giấy trắng với ước ao chạm đến trái tim người đọc". Em hiểu ý kiến như thế nào? Hãy chọn nhan đề của 2 tác phẩm văn học "chạm đến trái tim em" để làm rõ.

Như thế có thể thấy đề thi đã vượt ra khỏi khuôn khổ những đề thi từ trước đến nay vẫn thường thấy, khá quen thuộc với những câu nói quá cao siêu hoặc có tính đánh đố học sinh.

Còn ở đây người ra đề đã có cái nhìn hiện đại cấp tiền về 1 vấn đề nóng trong xã hội, để các em có "đất", có cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình từ chính vấn đề của mình.

Đề thi cũng không đao to, búa lớn, nhẹ nhàng như hơi thở mà khơi gợi cảm hứng để người viết hứng thú với việc thể hiện quan điểm qua những kiến thức và suy nghĩ của chính mình.

Chính vì thế Trác Thúy Miêu cũng phải bày tỏ tâm đắc: "Các thanh niên 15 tuổi ở Đồng Nai ơi, nói cho Miêu biết đi, đề thi này có quá sức các con không?

Đề thi Ngữ Văn vào chuyên lớp 10 ở Đồng Nai "cấp tiến" cỡ nào mà Trác Thúy Miêu cùng hội người lớn đồng loạt đòi được nhập vai thí sinh? - Ảnh 2.

Trác Thúy Miêu cảm thấy hào hứng với đề thi hay và hiện đại của Sở GD Đồng Nai.

Thầy cô nào ở Đồng Nai có nhận em đi học bổ túc lại không ạ? Đề kích thích quá ạ! Không cho học cũng được, giả đò cho em thi thôi cũng được ạ!

Hoan nghênh thầy cô Sở GD Đồng Nai!".

Đồng quan điểm với Trác Thúy Miêu, hội người trưởng thành cũng tới tấp xin được làm thí sinh: "Cho mình thi lại đề này đi"/"Đề thi kích thích quá"/ "Lâu rồi mới thấy 1 đề văn mà mình muốn được thi lại thế này"/"Đề đánh vào tâm lí học sinh quá. Khiến cho học sinh nghĩ đây chẳng phải một đề thi nữa, nó như một lời bộc bạch, giãi bày mà chính bản thân những cô cậu học sinh ấy cũng chưa từng nói cho ai hay về lòng mình!"...

Luồng gió mới về sự cấp tiến và hiện đại của đề thi đã khiến cho nhiều người hy vọng phương pháp sư phạm hiện tại đã có những sự thay đổi thức thời phù hợp với thời cuộc. Để giúp cho teen có cơ hội bày tỏ quan điểm, cá tính của mình 1 cách không nhọc nhằn vì những phân tích 1 bài viết hàng mấy chục thập kỷ qua đã được lặp đi lặp lại quá nhiều lần.

Thế hệ trước nhiều người đã bày tỏ việc những đề rập khuôn, đóng khuôn xưa cũ khiến tư duy sáng tạo không có chỗ bay xa.

Tuy nhiên, cũng không phải 100% số ý kiến đều ca ngợi, có số ít ý kiến khác cho rằng đề thi này "khó tìm được bài thi đáp ứng được kỳ vọng người ra đề vì ở lứa tuổi lớp 9 lên 10 vẫn còn quá nhỏ mà vấn đề được đặt ra lại cần sự trải nghiệm và tầm nhìn!".