PGS.TS Lê Đình Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết hiện nhà trường đang đợi các quy chế của Bộ GD&ĐT liên quan đến tuyển sinh để đưa ra phương án phù hợp cho năm 2025. Tuy nhiên, ông Tùng khẳng định Trường ĐH Y Hà Nội từ trước đến nay vẫn ưu tiên sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Theo ông Tùng, việc lựa chọn phương thức xét tuyển nào cũng phải dựa trên sự công bằng đối với thí sinh. Ở nước ngoài, các trường ĐH lớn thường lựa chọn 1 phương thức tuyển sinh. Vì một phương thức mới công bằng với tất cả thí sinh do cùng một thang đo đánh giá.
Trường ĐH Ngoại thương cho biết muốn giữ ổn định 6 phương thức xét tuyển cũng như tỉ lệ chỉ tiêu đã được sử dụng trong những năm qua. Vì để đưa ra được những phương thức xét tuyển này, nhà trường phải dựa trên căn cứ đối sánh kết quả xét tuyển đầu vào và kết quả học tập của từng nhóm đối tượng sinh viên. Hiện nay, nhà trường không tăng tỉ lệ xét tuyển phương thức kết quả thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia Hà Nội vì nhận thấy những thí sinh phải đạt mức điểm trong top cao nhất (dưới 1%) thì kết quả học tập mới tương đương với những thí sinh xét tuyển ở 5 phương thức còn lại.
Ghi nhận cho thấy, ở các trường top giữa, top dưới (khối trường ít cạnh tranh), phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm tỉ lệ chủ đạo. Do đó, việc đảm bảo sự công bằng cho thí sinh vùng khó bằng cách phân hóa đề thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT vẫn còn nhiều điều phải bàn.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền , Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định năm 2025, ĐH này có điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp, tăng chỉ tiêu xét kết quả thi đánh giá tư duy. TS Lê Anh Đức, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết năm sau, chỉ tiêu xét kết quả kì thi tốt nghiệp của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là 15%.
Như vậy các trường ĐH top trên cơ bản điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 hoặc giữ ổn định như các năm trước dù đề thi được thể hiện qua đề minh họa vừa công bố đã có sự phân hóa mạnh.
Khó can thiệp vào quyền tự chủ tuyển sinh
Theo thống kê của Bộ GD &ĐT, hằng năm, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Thực tế như đã phân tích ở trên, các trường ĐH top đầu, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển này không nhiều, chỉ từ 15% - 40%.
Năm 2025, Bộ Quốc phòng cũng tổ chức kì thi riêng để làm căn cứ tuyển sinh vào các trường quân đội với khoảng 30% chỉ tiêu, tức là chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm tỉ lệ tương đương. Theo Cục Nhà trường , Bộ Quốc phòng, dự kiến bài thi đánh giá năng lực này gồm các nội dung Toán, Ngữ văn, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên... Thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính.
Ông Nguyễn Quốc Trinh , Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho hay nhà trường có chăng chỉ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp với các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà học sinh lớp 12 đang theo học. Ông Trinh thông tin, 2 phương thức tuyển sinh chủ yếu của nhà trường là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (chiếm gần 50% chỉ tiêu) và phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT với tỉ lệ chỉ tiêu tương tự. Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải có tuyển sinh kết quả thi đánh giá tư duy, có xét tuyển thẳng nhưng số lượng thí sinh trúng tuyển theo những phương thức này không nhiều.
Có thể nói, 2 vấn đề bức xúc nhất trong tuyển sinh ĐH hiện nay là xét tuyển sớm và không đảm bảo công bằng giữa các nhóm đối tượng thí sinh ở các phương thức xét tuyển sớm. Tại Hội nghị giáo dục ĐH năm 2024 được tổ chức hồi tháng 8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Các trường ĐH cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông, tạo sự công bằng cho thí sinh trong cơ hội học tập. Trong đó ông Sơn nhấn mạnh đến việc không nên quá nhiều phương án xét tuyển. Các cơ sở giáo dục ĐH có tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Bộ GD&ĐT có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau. Tuy vậy quyền tự chủ đã được quy định trong Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT khó có thể can thiệp nếu không đưa ra được cơ chế chính sách hợp lí.